"Đánh thức" Du lịch Yên Bái

Huyện Mù Cang Chải: Tạo dựng thương hiệu từ chiến lược du lịch xanh

Thứ sáu, 17/01/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến quy hoạch Mù Cang Chải để tìm cơ hội xây dựng lên những dự án kinh doanh hấp dẫn của riêng mình. Nhưng điểm chung là dù làm bất động sản du lịch, hay làm nông nghiệp, dược liệu... dứt khoát phải là những dự án xanh – bền vững cho một chiến lược lâu dài”.

Bí thư Huyện ủy huyện Mù Cang Chải Nông Việt Yên đã nhấn mạnh như vậy khi nói về chiến lược phát triển của huyện. Tập trung cho chiến lược du lịch xanh bền vững cũng chính là hướng đi của huyện Mù Cang Chải trong việc xây dựng thương hiệu du lịch cho mình.

“Một trong những điểm đến rực rỡ nhất thế giới”

Đó là nhận định của trang du lịch danh tiếng CNTraveler hồi tháng 10/2019 vừa qua về Mù Cang Chải. Ngoài Chiang Mai của Thái Lan, Mù Cang Chải là đại diện duy nhất của Đông Nam Á góp mặt trong danh sách “những điểm đến rực rỡ nhất thế giới” do CNTraveler xếp hạng.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Ảnh: Zing.vn

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Ảnh: Zing.vn

Có lẽ Mù Cang Chải hội tụ quá nhiều yếu tố để CNTraveler đánh giá cao sức hấp dẫn của vùng đất này đến thế. Mù Cang Chải là vùng đất bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, cao hơn 2.000m so với mực nước biển, được tạo bởi những dải núi non trùng điệp, xen kẽ là hệ thống khe suối dày đặc. Địa hình đặc biệt ấy đã mang đến cho huyện vùng cao này bầu tiết trời đặc biệt với khí hậu 4 mùa mát mẻ, nhiệt độ trung bình chỉ vào khoảng 19oC. Rừng là thế mạnh của Mù Cang Chải với diện tích 80.000ha, trong đó có 20.293ha rừng già và rừng nguyên sinh, 12.863ha rừng thông, hơn 2000 rừng sơn tra, ngoài ra là mận, các loại dược liệu quý như: đẳng sâm, hà thủ ô, sa nhân...  Những địa danh bí hiểm như: Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Púng Luông, Lao Cải, Dế Xu Phình, Chế Tạo... đều có những vẻ đẹp vô cùng thơ mộng.

Chưa hết, việc là vùng đất  sinh sống từ lâu đời của đồng bào các dân tộc Hmông, Kinh, Thái, Dao... đã mang đến cho Mù Cang Chải những nét văn hóa rất riêng: văn hóa chợ phiên, ẩm thực, phong tục tập quán, múa xòe Thái... Cũng chính từ việc đồng bào các dân tộc thường cư trú ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700 trên địa hình chia cắt đã “khai sinh” nên “báu vật” vô giá cho vùng đất Mù Cang Chải: Ruộng bậc thang. 

Theo nhiều nhận định, lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải gắn liền với lịch sử cư trú của người Mông, chủ nhân cư trú đầu tiên tại vùng đất này. Khai khẩn ruộng bậc thang là một quá trình công phu, tốn nhiều công sức, thể hiện sự sáng tạo, bền bỉ, khéo léo của nhiều thế hệ người Mông nơi đây. Theo lời kể của nhiều người Mông cao tuổi nơi đây, hàng nghìn ha ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải nay là thành quả từ sự công phu, kiên trì, sáng tạo và kỹ thuật đầy chuẩn xác của những đồng bào Mông sống trên sườn núi cao. Sự công phu ấy đến từ việc lựa chọn vùng đất, tới quá trình khai khẩn khi không phải quả núi nào cũng có thể khai khẩn để làm ruộng bậc thang mà chỉ những quả núi có độ dốc vừa phải, có khả năng tạo mặt bằng và ít sỏi đá, có nguồn nước từ khe suối mới có thể làm ruộng.

Năm qua năm, từ thế hệ này sang thế hệ khác, công việc khai khẩn đã tạo ra trên các sườn núi cao Mù Cang Chải “thiên đường ruộng bậc thang” ngày nay với những cánh đồng ruộng bậc thang mềm mại, uốn lượn như treo trên sườn núi, sắc màu đổi thay linh hoạt theo mùa, lúc xanh mướt lúc vàng óng đầy mê hoặc.  Toàn huyện Mù Cang Chải có diện tích 119.773,36ha, trong đó diện tích ruộng bậc thang có trên 5.000ha, phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, gần 500ha trong số đó đã được Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch công nhận danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia, tập trung chủ yếu tại các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha.

Du khách nước ngoài trải nghiệm hoạt động dù lượn tại huyện Mù Cang Chải.

Du khách nước ngoài trải nghiệm hoạt động dù lượn tại huyện Mù Cang Chải.

Phát triển du lịch xanh là mục tiêu hàng đầu

Sớm nhận thức rõ về sức hấp dẫn riêng biệt ấy của miền đất quê nhà, chính quyền Mù Cang Chải đã luôn chú trọng phát huy lợi thế về du lịch. Đặc biệt, những năm gần đây, hằng năm, Huyện ủy Mù Cang Chải đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt Nghị quyết số 19 của Huyện ủy về “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”; Nghị quyết số 11 Hội đồng Nhân dân huyện về việc điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển du lịch, dịch vụ gắn với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang và Di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.

Đặc biệt, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch, nhất là bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch, trong đó chú trọng tuyên truyền cho người dân đổi mới tư duy, phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch văn hóa - tín ngưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm và du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc... nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông, Thái nơi đây. Huyện Mù Cang Chải còn chú trọng thu hút đầu tư để phát triển du lịch. Điển hình như Dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng Mù Cang Chải tại xã Chế Cu Nha, hang động Pú Cang tại xã Nậm Khắt... Huyện cũng chú trọng phát triển trồng rừng, trồng cây xanh tạo cảnh quan du lịch…

Dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” tại Mù Cang Chải. Ảnh: vov

Dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” tại Mù Cang Chải. Ảnh: vov

Nhờ những nỗ lực ấy, lượng du khách đến Mù Cang Chải tăng nhanh. Nếu như năm 2015, có khoảng 20.000 lượt du khách đến Mù Cang Chải thì năm 2018, con số này tăng lên 90.000 lượt người, trong đó có 10.000 lượt khách nước ngoài. Từ thành công đó, Mù Cang Chải chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện với 3 định hướng cụ thể: Quy hoạch tổng thể về du lịch huyện Mù Cang Chải không để phá vỡ không gian danh thắng, đồng thời có định hướng phát triển du lịch chủ động, bền vững và phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh và khu vực; Thu hút, đào tạo, cải thiện và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về du lịch, nhất là những kiến thức về hội nhập, giỏi về ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ du lịch, am hiểu địa bàn và truyền thống văn hóa bản địa; Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch, nhất là hạ tầng về giao thông, cơ sở lưu trú và các dịch vụ; bảo tồn, tôn tạo và nâng tầm danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng danh thắng quốc gia đặc biệt), hướng tới đề nghị UNESCO công nhận danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là Di sản thế giới; xây dựng khu dự trữ sinh quyển thế giới với diện tích trên 23 nghìn ha tại khu bảo tồn sinh cảnh thiên nhiên xã Chế Tạo và các xã phụ cận. Đa dạng hóa hình thức và nâng cao chất lượng các loại hình du lịch, dịch vụ, duy trì tốt các loại hình du lịch phổ biến hiện nay trên địa bàn huyện như: Du lịch thăm quan, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm… theo hướng phát triển du lịch xanh.

Minh Diễn

Tin khác

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Giữ nghề xưa trên phố'

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố"

(CLO) Chiều 19/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra chương trình khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".

Đời sống văn hóa
Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách 'Thưởng thức triết học'

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách "Thưởng thức triết học"

(CLO) Nhân dịp bộ sách Thưởng thức triết học ra mắt độc giả Việt Nam, ngày 20/4 tới đây tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".

Đời sống văn hóa
Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

(CLO) Ngày 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La tổ chức Triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Đời sống văn hóa
Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

(CLO) Ngày 19/4, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam thông tin tới báo chí về những điểm mới tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Độc đáo lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai

Bắc Giang: Độc đáo lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai

(CLO) Mới đây, Ban quản lý ba thôn (Mai Trung, Mai Thượng và Thắng Lợi, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) tổ chức lễ hội bơi chải truyền thống làng Tiếu Mai. Hoạt động sẽ diễn ra trong ba ngày (18-20/4/2024).

Đời sống văn hóa