Huyện Mỹ Đức: Sản phẩm OCOP tạo hiệu ứng lan toả tích cực
(CLO) Sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt được công nhận OCOP 5 sao đã tạo hiệu ứng lan toả tích cực trong các làng nghề và doanh nghiệp nhỏ ở huyện Mỹ Đức.
Sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức được được xếp hạng OCOP 5 sao, đây là niềm tự hào của người dân và địa phương.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, chủ thể của sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt chia sẻ, ngày xưa làng Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội), ít ai không biết dệt lụa tơ tằm. Thế nhưng vào những năm 1980, nghề truyền thống này rơi vào cảnh lụi tàn.
“Có lúc tôi đã nghĩ rằng mình sẽ phải từ bỏ. Nhưng mỗi lần nhìn vào tấm lụa, tôi lại không nỡ. Tôi muốn giữ lấy cái nghề mà ông cha đã để lại”, nghệ nhân Phan Thị Thuận nhớ lại.

Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức liên kết nhiều nông dân trồng dâu nuôi tằm để lấy tơ làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP. Ảnh: KN
Nhờ sự kiên trì, sáng tạo, bà Thuận đã đưa nghề dâu tằm trở lại với những sản phẩm độc đáo và có giá trị cao. Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức nổi bật với hai sản phẩm chính: Chăn bông tơ tằm tự dệt và khăn lụa tơ sen. Trong đó, chăn bông tơ tằm tự dệt là một sản phẩm mang tính đột phá, cho phép con tằm tự nhả tơ thành những tấm bông mềm mịn, giảm bớt công đoạn thủ công, tiết kiệm chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo chất lượng cao.
"Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, người tiêu dùng biết đến chăn tơ tằm nhiều hơn. Mặc dù cung không đủ cầu, song công ty vẫn cố gắng giữ giá tốt nhất để nhiều người tiêu dùng được trải nghiệm, sử dụng sản phẩm chăn từ nguyên liệu tự nhiên, cao cấp”, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho hay.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt được công nhận OCOP 5 sao đã tạo hiệu ứng lan toả tích cực trong các làng nghề và doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn. Chương trình OCOP cũng hòa nhịp và có tác động tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới mà còn góp phần thúc đẩy tích cực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề… Từ đó từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn.
“Vừa qua, trong đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024, huyện Mỹ Đức có 13 sản phẩm tham gia đánh giá mới. Đây đều là sản phẩm độc đáo, sáng tạo, mang những nét đặc trưng, truyền thống của địa phương, thân thiện với môi trường. Các chủ thể đều quan tâm đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định của pháp luật. Các sản phẩm bước đầu đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương”, ông Trương Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến thời điểm này, huyện Mỹ Đức có 57 sản phẩm OCOP. Ngoài sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt xếp hạng 5 sao; hai sản phẩm khăn lụa tơ sen và khăn lụa tơ tằm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức cũng có tiềm năng đạt 5 sao…
Sau khi được gắn sao, nhiều sản phẩm OCOP của huyện Mỹ Đức có tốc độ phát triển mạnh, như khăn tơ tằm, khăn tơ sen của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, nấm kim châm của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất KinoKo Thanh Cao, rượu mơ Trịnh Bình An... Các chủ thể trên địa bàn huyện thường xuyên được tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài thành phố, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ...
Được biết, trong những năm tới, huyện Mỹ Đức đặt mục tiêu mỗi năm có thêm 5-10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu này, huyện tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến.
Đồng thời, khuyến khích người dân ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, như VietGAP, GlobalGAP; xây dựng mã số vùng trồng tạo thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xây dựng điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP.
Huyện Mỹ Đức cũng đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ về công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử các sản phẩm OCOP trên địa bàn để tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng...
* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội
Thế Vũ