Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Nhức nhối tình trạng bến cảng, bãi tập kết vật liệu hoạt động trái phép!
(NB&CL) Dọc bờ sông Cầu thuộc xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, tình trạng bến cảng, bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép ngang nhiên hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ và môi trường. Đáng nói, dù từng bị UBND huyện Sóc Sơn xử phạt nhưng dường như các quyết định này không đủ sức răn đe khi vi phạm vẫn tồn tại.
Bến cảng xây dựng trên đất nông nghiệp!
Phản ánh đến Báo Nhà báo & Công luận, người dân tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn cho biết, thời gian dài qua, bến cảng, bãi tập kết vật liệu xây dựng dọc bên bờ sông Cầu ngang nhiên tồn tại, điều này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề đê điều mà còn ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại khu vực ven sông Cầu thuộc địa bàn thôn Hòa Bình, xã Trung Giã, cách tuyến đường tỉnh 296, hướng đi từ xã Trung Giã sang huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) chỉ khoảng 200m, khu vực cảng Hòa Bình (ngã ba sông Cầu - sông Công) với diện tích lên đến hàng chục nghìn mét vuông. Nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động bốc xếp than, cát, sỏi, đất đá, dăm gỗ… từ tàu lên bãi tập kết và từ bãi lên các xe tải.
Cũng tại thời điểm này, chứng kiến hàng loạt xe tải trọng lớn xếp hàng dài chờ vào cảng vận chuyển than, cát, sỏi. Trong khi đó, phía ngoài sông, một số tàu chở hàng cỡ lớn cũng đang neo đậu chờ cập cảng. Từ trên cao nhìn xuống, cảng Hòa Bình như ôm trọn cả thôn Hòa Bình.
Điều đáng nói, vi phạm của cảng Hòa Bình diễn ra hằng ngày và rất sôi động nhưng dường như không thấy bóng dáng xuất hiện của lực lượng chức năng…

Cảng Hòa Bình được xây dựng kiên cố nhưng không có giấy phép hoạt động.
Hoạt động không có giấy phép nhưng khó xử lý?
Để làm rõ phản ánh của người dân về các bãi chứa, trung chuyển và tập kết vật liệu xây dựng, cũng như sự tồn tại của cảng Hòa Bình, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Khổng Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Trung Giã, cho biết: Khu vực cảng Hòa Bình hiện thuộc quyền quản lý của gia đình vợ chồng ông bà Hùng - An. Đây là đất nông nghiệp, được người dân mua gom lại làm bến trung chuyển và nếu các hộ dân không bỏ tiền ra mua gom, thì khu vực cảng Hòa Bình đã thành sông.
Chủ tịch xã Trung Giã cũng cho biết, khu vực cảng Hòa Bình hiện hoàn toàn chưa có giấy phép hoạt động và đây cũng là vấn đề khiến xã “đau đầu”. “Hiện xã đang “kêu” để giúp cho các hộ, muốn tạo điều kiện cho các hộ hoàn thiện hồ sơ thuê đất với Nhà nước, tuy nhiên việc này hơi khó”, ông Hoàn cho hay.
Không chỉ nhắc đến việc “kêu giúp” các hộ dân đang sử dụng đất trái mục đích để làm cảng chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng dù chưa được cấp phép hoạt động, khi đề cập đến hướng xử lý đối với vi phạm này, ông Hoàn cho rằng, hướng xử lý thì phải xem chủ trương của Nhà nước thế nào, còn nếu có chủ trương dẹp hẳn thì vẫn phải làm… nhưng nếu đóng hẳn thì không bao giờ đóng được?
Trước câu trả lời của Chủ tịch UBND xã Trung Giã về việc khó xử lý vi phạm, cũng như việc tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thuê đất và hoạt động,… chúng tôi đặt câu hỏi, nếu không hoàn thiện được hồ sơ thì vi phạm vẫn để tồn tại? Ông Hoàn cho biết, nếu không hoàn thiện được hồ sơ thì 1 - 2 năm sẽ phải xử lý, chứ Nhà nước đang thực hiện quyết liệt như vậy làm sao để tồn tại được.

Toàn cảnh khu vực cảng Hòa Bình tại xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết, “rất khó khăn” trong việc xin cấp phép của các đơn vị ở bãi tập kết này vì còn liên quan đến vấn đề quy hoạch bến thuỷ nội địa. Huyện đã kiểm tra, xử lý và yêu cầu các đơn vị hoàn thiện thủ tục.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Vậy vi phạm vẫn được để tồn tại?”, ông Toàn cho hay: Không vì việc đó mà để tồn tại như vậy và không có việc huyện bao che. Huyện vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng phải theo quy định của pháp luật. Huyện có giới hạn nhất định, nếu không thực hiện đến một thời hạn thì sẽ xử lý. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc thời hạn xử lý là bao lâu thì ông Toàn không có câu trả lời.
Ngoài ra, đề cập đến hướng xử lý đối với những vi phạm này ông Toàn cho biết, mới đây, Sở Tài nguyên & Môi trường đã vào thanh tra và huyện đang chờ kết luận xử lý từ Sở. Tuy nhiên theo ông Toàn, trường hợp vi phạm này thì huyện Sóc Sơn cũng có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm như thế nào thì ông Toàn không đề cập…
Được biết trước đó, vào tháng 3/2023, tại cảng Hoà Bình đã có tình trạng tàu chở lưu huỳnh tập kết lên bãi, sau khi được các cơ quan báo chí nêu, đồng thời có sự chỉ đạo trực tiếp từ Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thì chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý vi phạm và UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành Quyết định số 1706/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường với chủ bãi tập kết nguyên liệu với số tiền xử phạt là 44 triệu đồng; đồng thời, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm… Tuy nhiên, đến thời điểm này, khu vực cảng Hòa Bình vẫn tồn tại, thậm chí hoạt động rầm rộ và mở rộng hơn trước.
Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Đắc Nguyên