IEA: Toàn cầu sẽ đổ hơn 2.000 tỷ USD vào năng lượng sạch
(CLO) Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch sẽ đạt 2 nghìn tỷ USD (1,84 nghìn tỷ euro) trong năm nay, gấp đôi số tiền đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Các hạng mục đầu tư sẽ bao gồm năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưới điện, kho lưu trữ, nhiên liệu phát thải thấp, cải tiến hiệu suất và bơm nhiệt.
Trong khi đó, tổng đầu tư vào năng lượng dự kiến sẽ vượt quá 3.000 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2024, cơ quan này cho biết trong báo cáo Đầu tư Năng lượng Thế giới hàng năm.

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về đầu tư năng lượng mặt trời. Ảnh: DW.
Vào năm 2023, lần đầu tiên tổng mức đầu tư vào điện tái tạo và lưới điện đã vượt qua số tiền chi cho nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo, số tiền đổ vào các tấm quang điện mặt trời (PV) nhiều hơn tất cả các công nghệ sản xuất điện khác cộng lại.
Chi phí tấm pin mặt trời đã giảm 30% trong hai năm qua và vào năm 2024 "đầu tư vào pin mặt trời dự kiến sẽ tăng lên 500 tỷ USD do giá mô-đun giảm sẽ thúc đẩy đầu tư mới”.
Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đầu tư vào năng lượng sạch vào năm 2024 với ước tính 675 tỷ USD, trong khi châu Âu dự kiến chiếm 370 tỷ USD và Hoa Kỳ là 315 tỷ USD.
Để so sánh, đầu tư vào thượng nguồn dầu khí toàn cầu dự kiến sẽ tăng 7% lên 570 tỷ USD vào năm 2024, sau mức tăng tương tự vào năm 2023.
Báo cáo cho biết các công ty dầu mỏ quốc gia ở Trung Đông và châu Á là động lực chính cho sự tăng trưởng này.
IEA cảnh báo rằng việc đáp ứng các mục tiêu toàn cầu trung hạn nhằm giảm lượng khí thải carbon có hại sẽ đòi hỏi phải tăng gấp đôi đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Tuy nhiên, cơ quan này cho biết thêm, vẫn còn tình trạng thiếu hụt đầu tư năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển bên ngoài Trung Quốc.
IEA cảnh báo rằng chi phí quá cao đang gây ra "sự mất cân bằng và thiếu hụt lớn trong dòng đầu tư năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới".
Khánh Vy (Theo DW)