ILO khuyến nghị Việt Nam tiếp cận chính thức hóa lực lượng lao động một cách toàn diện
(CLO) Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Ingrid Christensen khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp cận chính thức hóa lực lượng lao động, thị trường lao động một cách toàn diện nhất có thể, và thiết lập các cơ chế điều phối liên bộ ngành.
Phát biểu tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” (sáng 20/8), Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Ingrid Christensen cho biết, chủ đề của hội nghị hôm nay gắn kết với sứ mệnh cốt lõi của ILO cũng như là nội dung chính trong chương trình làm việc của ILO với Chính phủ Việt Nam và các đối tác xã hội trong hai thập kỷ qua.

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Ingrid Christensen cho biết, Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về chuyển đổi cơ cấu, đạt được thành tựu phát triển kinh tế và chuyển dịch lao động.
Giám đốc ILO cho biết, tăng trưởng năng suất lao động một phần dựa trên phát triển nguồn nhận lực. Ở Việt Nam, các công việc đòi hỏi kỹ năng cao chiếm khoảng 12% tổng số việc làm. Việt Nam hướng đến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 cũng đồng nghĩa với việc số lượng việc làm yêu cầu kỹ năng cao cũng nhiều gấp đôi. Sẽ có lúc Việt Nam đáp ứng được nhu cầu này bởi số lượng công việc đòi hỏi trình độ kỹ năng cao đang tăng nhanh gấp 3 lần tổng số việc làm.
Tuy nhiên, theo bà Ingrid Christensen, việc dự báo kỹ năng là một hoạt động quan trọng nhưng chỉ hỏi "kỹ năng gì" lại chưa đủ. Các quốc gia thành công nhất trong việc tháo gỡ các rào cản này thường sử dụng các phương pháp tiếp cận theo ngành và có các thể chế ba bên để quản trị việc phát triển kỹ năng. Các phương thức này tạo ra đối thoại giữa bên hiểu rõ nhất về các kỹ năng đang rất cần trên thị trường (doanh nghiệp) và những người lãnh đạo hệ thống, những người quản lý, cung cấp và chứng nhận các kỹ năng này (Nhà nước).
"Việt Nam hiện đang thí điểm các hội đồng kỹ năng nghề quốc gia. Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam tiếp tục hoạt động này và thành lập thêm các hội đồng kỹ năng nghề trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Tuy nhiên, các cấu trúc này chỉ có hiệu quả nếu bên sử dụng lao động tham gia vào và dẫn dắt các đối thoại để xác định nhu cầu, nếu người lao động có tiếng nói thực sự. Chiến lược Phát triển đào tạo nghề năm 2021- 2030 là một bước quan trọng nhưng quá trình thực hiện cũng cần phải gắn kết chặt chẽ với các nguyên tắc và nguồn lực trên", Giám đốc ILO khuyến nghị.

Theo Giám đốc ILO phân tích, thị trường lao động của Việt Nam thể hiện rõ đặc tính nhị nguyên.
Đáng chú ý, theo Giám đốc ILO phân tích, thị trường lao động của Việt Nam thể hiện rõ đặc tính nhị nguyên. Bên cạnh nhóm lao động trình độ kỹ năng cao có việc làm chính thức, còn có một bộ phận khác gồm những người lao động có kỹ năng thấp làm các công việc phi chính thức năng suất thấp. Lao động có việc làm phi chính thức đã giảm đáng kể ở Việt Nam trong 15 năm qua nhưng vẫn chiếm tỉ lệ lớn trong số lao động có việc làm.
Bên cạnh đó, tỉ lệ phi chính thức cao nghĩa là hầu hết người lao động Việt Nam kiếm sống dựa vào các hoạt động có năng suất thấp, tạo ra thu nhập thấp và không có bất kỳ sự bảo hộ nào. Sự tăng trưởng dựa vào một thị trường lao động trong đó có hơn 60% lao động không có tiếp cận an sinh xã hội sẽ không bền vững, đặc biệt là trong một xã hội đang có sự già hóa về dân số như Việt Nam.
Chính phủ đã thể hiện cam kết mở rộng bao phủ an sinh xã hội thông qua nhiều chính sách, mới nhất là Chỉ thị 20 về an sinh xã hội và đang sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, vấn đề phi chính thức không chỉ gói gọn trong khả năng tiếp cận an sinh xã hội. Khi bộ phận này của thị trường lao động vẫn đang có năng suất thấp, trình độ kỹ năng thấp, làm các công việc được trả công thấp, thì Việt Nam sẽ không thể tận dụng tối đa tiềm năng về năng suất lao động của mình.
"Tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp cận chính thức hóa một cách toàn diện nhất có thể, và thiết lập các cơ chế điều phối liên bộ ngành. Chính thức hóa là hoạt động quan trọng, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mình", Giám đốc ILO phát biểu.
Về việc Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Luật Việc làm, Giám đốc ILO khuyến nghị: Luật cần đưa ra được hướng dẫn đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thúc đẩy tạo việc làm, bao gồm cả các lĩnh vực liên quan đến phát triển kỹ năng được quy định trong luật, cũng như quyền và trách nhiệm của người tìm việc.
Luật Việc làm cần có sự linh hoạt để có thể định kỳ sửa đổi các ưu tiên về thị trường lao động, để có thể bắt kịp các thay đổi diễn ra trên thị trường. Luật cũng có thể quy định về thành lập một cơ chế ba bên, chẳng hạn như ủy ban việc làm, để thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với đó, Luật Việc làm cần phải định hướng chung cho sự phát triển thị trường lao động và hoạt động thúc đẩy tạo việc làm ở Việt Nam...