IMF: Đức, Italy sẽ rơi vào suy thoái từ năm 2023

13/10/2022 06:57

(CLO) Hôm 11/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Đức và Italy sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới, cả hai đều được coi là các nền kinh tế G7 phải hứng chịu nhiều nhất với việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga.

Nếu đánh giá này là chính xác, hai quốc gia G7 sẽ trở thành những nền kinh tế tiên tiến đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Nga tiến hành cuộc xung đột vào Ukraine.

imf duc italy se roi vao suy thoai tu nam 2023 hinh 1

Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đã phải trả giá rất nhiều cho việc phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt từ Nga. Ảnh: DW.

Cái giá đắt cho việc phụ thuộc vào năng lượng Nga

Trong một bản cập nhật về Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF cho biết nền kinh tế Đức hiện dự kiến sẽ giảm 0,3% vào năm 2023, trước đó đã dự báo mức tăng trưởng 0,8% cho nước này.

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, gần đây đã bị Nga cắt giảm nguồn cung năng lượng nhằm mục tiêu “trả đũa” các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo số liệu sơ bộ của Destatis, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9/2022 của nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, được ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu những năm 1950 đến nay do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao nhanh chóng. Đồng thời, các chuyên gia kinh tế Đức dự báo rằng tỷ lệ lạm phát ở mức hai con số sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới, đặc biệt trong bối cảnh mùa Đông lạnh giá đang đến gần, giá năng lượng có thể tiếp tục tăng cao

Italy, nước cũng phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu của Nga, dự kiến sẽ ghi nhận Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,2% - giảm mạnh so với dự báo tháng 7 là 0,8%. Trong khi đó, ở Italy cũng ghi nhận mức tăng tỷ lệ lạm phát hàng năm trong tháng Sáu, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát 6,8% của tháng Năm, mức tăng cao nhất kể từ khi Italy gia nhập đồng tiền chung euro khoảng đầu những năm 2000.

Mặc dù khu vực đồng tiền chung châu Âu được kỳ vọng sẽ tránh được bóng ma suy thoái, nhưng GDP của 19 quốc gia trong khối đồng tiền chung được dự báo sẽ chỉ tăng 0,5%, tệ hơn so với dự đoán trước đây.

IMF cho biết: “Tăng trưởng yếu kém vào năm 2023 trên toàn châu Âu phản ánh tác động lan tỏa từ cuộc chiến ở Ukraine, đặc biệt là sự điều chỉnh giảm mạnh đối với các nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga”.

Báo cáo cũng đề cập đến "các điều kiện tài chính thắt chặt hơn" đối với khu vực đồng euro, với chi phí đi vay đã tăng 50 điểm cơ bản trong tháng 7 và 75 điểm trong tháng 9.

Triển vọng ảm đạm toàn cầu

Nền kinh tế toàn cầu hiện dự kiến sẽ tăng trưởng 2,7%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự kiến trước đây. Giám đốc điều hành Kristalina Georgieva nhấn mạnh các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại ở cả ba khu vực kinh tế lớn trên thế giới.

Khu vực châu Á năng động bị ảnh hưởng không nhỏ bởi giá cả hàng hóa leo thang, sự sụt giảm sức cầu từ các nền kinh tế lớn cũng như hậu quả của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng theo IMF, các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% vào năm 2023, giảm lần lượt 20 điểm phần trăm và 10 điểm phần trăm so với dự báo được tổ chức này đưa ra hồi tháng 7.

Trong khi giá năng lượng tăng là vấn đề lớn đối với khu vực đồng euro, thì đại dịch COIVID-19 bùng phát ở Trung Quốc đã trở thành một nguyên nhân dai dẳng gây ra các vấn đề nan giải cho chuỗi cung ứng. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng tốc lên 4,4% trong năm tới, thấp theo tiêu chuẩn của Trung Quốc là 5,5 % và giảm 0,2% so với triển vọng của tháng Bảy.

Mặc dù thị trường lao động của Hoa Kỳ vẫn mạnh, nhưng tăng trưởng việc làm dường như đang chậm lại do các đợt tăng lãi suất tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed). Bên cạnh đó, IMF đã giảm triển vọng tăng trưởng ở Hoa Kỳ từ 2,3% xuống 1,6% trong năm nay, dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 1% vào năm 2023.

Nền kinh tế thế giới gặp nhiều trở ngại, với cuộc chiến ở Ukraine khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao do đại dịch COVID. Lạm phát tăng vọt và lãi suất tăng cũng có nguy cơ gây tiếng vang.

Cố vấn kinh tế của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết trong một bài đăng trên blog kèm theo triển vọng mới nhất: “Các cú sốc năm nay sẽ khơi lại vết thương kinh tế vốn chỉ được hàn gắn một phần sau đại dịch”.

Kể từ tháng 7, triển vọng kinh tế của Nga đã được cải thiện kể rõ rệt, mặc dù vẫn nằm trong vùng tiêu cực. Nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt dự kiến sẽ chỉ giảm 2,3% trong năm tới, so với mức 3,5% được dự đoán trước đó.

Lê Na (Theo DW)

    Nổi bật
        Mới nhất
        IMF: Đức, Italy sẽ rơi vào suy thoái từ năm 2023
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO