Indonesia ghi nhận số ca COVID-19 cao kỷ lục, đứng thứ ba thế giới

Chủ nhật, 04/07/2021 07:22 AM - 0 Trả lời

(CLO) Với 27.913 ca COVID-19 phát sinh ngày hôm qua, Indonesia ghi nhận mức cao kỷ lục từ trước tới nay; đồng thời đây cũng là số ca bệnh mới trong ngày cao thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Brazil và Ấn Độ.

Người dân Indonesia xếp hàng mua bình dưỡng khí. Ảnh: CGTN

Người dân Indonesia xếp hàng mua bình dưỡng khí. Ảnh: CGTN

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 3/7, có 9/11 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận tổng cộng 48.624 ca mắc COVID-19 và 767 ca tử vong. Đến nay, tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã vượt 5 triệu ca, trong đó 96.916 người tử vong.

Ngày 3/7, quốc gia phát sinh nhiều ca COVID-19 nhất vẫn là Indonesia với 27.913 ca. Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia với 6.658 ca. Tiếp đó là Thái Lan với 6.230 ca, Philippines với 5.908 ca, Campuchia với 948 ca, Việt Nam với 922 ca, Lào với 37 ca, Singapore với 7 ca và Brunei với 1 ca.

Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia với 493 ca, Malaysia 107 ca, Philippines 90 ca, Thái Lan 41 ca và Campuchia 36 ca.

Đáng chú ý, Indonesia với 27.913 ca mắc mới ghi nhận ngày hôm qua, đây là mức cao nhất tại nước này từ trước tới nay, đồng thời đây cũng là số ca mắc mới đứng thứ ba thế giới. Đến nay, tổng số ca mắc bệnh tại Indonesia đã tăng lên 2.256.851 ca; số ca tử vong vì dịch bệnh tại Indonesia cũng cao gấp nhiều lần các quốc gia trong khu vực nhiều ngày liên tiếp.

Mặc dù đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, nhiều chuyên gia vẫn dự tính rằng, số ca bệnh tại Indonesia sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 2 tuần tới, cho đến khi các biện pháp hạn chế được áp dụng từ ngày 3/7 bắt đầu phát huy tác dụng. Các biện pháp hạn chế mới áp dụng tại đảo Java và Bali sẽ có hiệu lực tới hết ngày 20/7 và có thể được gia hạn nếu cần thiết.

Trước đó, Indonesia áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại thủ đô Jakarta, đảo Java và Bali. Chính quyền đã yêu cầu đóng cửa các đền thờ Hồi giáo, nhà hàng và trung tâm mua sắm tại các điểm nóng dịch bệnh trên khắp đất nước với đa số là người Hồi giáo này. Toàn bộ người lao động trong lĩnh vực không thiết yếu được yêu cầu làm việc tại nhà, trong khi trường học chuyển sang giảng dạy trực tuyến.

Tại Bali, các tuyến phố nơi có các cửa hàng và quán cà phê kinh doanh trên vỉa hè cũng bị đóng cửa. Tuy nhiên, các phương tiện giao thông công cộng vẫn được phép hoạt động với công suất giới hạn. Hoạt động di chuyển bằng đường biển, đường hàng không và xe buýt nội địa sẽ chỉ dành cho những người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Với các biện pháp mới dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 20/7, Indonesia hy vọng có thể đưa số ca nhiễm hàng ngày xuống dưới 10.000 ca.

Giới chức y tế Indonesia nhận định 10 ngày đến 14 ngày tới sẽ là 2 tuần quyết định với cuộc chiến chống dịch bệnh hiện nay tại quốc gia này. Hiện biến thể Delta, vốn hoành hành tại Ấn Độ, đang lây lan mạnh tại Indonesia, đẩy các bệnh viện trên toàn đảo Java vào nguy cơ quá tải. Trong khi các cơ sở y tế đã hoạt động gần hết công suất, nhu cầu oxy và thuốc cho nhiều người bệnh tự điều trị cách ly tại nhà cũng gia tăng khiến giá các sản phẩm này tăng vọt.

Indonesia cũng đang nỗ lực đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine tại các khu vực có dịch bệnh phức tạp nhất. Hiện nước này mới tiêm được khoảng 7,6% tổng số 181,5 triệu người mà nước này đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm phòng trước cuối tháng 1/2021.

Thái Lan ngày 3/7 ghi nhận thêm 6.230 ca nhiễm mới và  41 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 277.151 ca, trong đó có 2.182 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok tiếp tục là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất cả nước, với 1.917 ca ghi nhận trong ngày 3/7.

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan ngày 2/7 nhận định số ca mắc mới dự kiến sẽ tăng hơn nữa vào tuần tới do các hoạt động đi lại của người dân. Để chuẩn bị cho kịch bản số ca mắc mới lên tới 10.000 ca/ngày, Thái Lan đã tăng số giường cho bệnh nhân trong khi những bệnh nhân có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn cũng có thể sẽ được phép tự cách ly tại nhà. CCSA tin rằng với sự hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng, Thái Lan sẽ kiểm soát được dịch bệnh.

Ngày 3/7, một chuyên gia hàng đầu về virus của Thái Lan cho biết khoảng 70% bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Bangkok bị nhiễm biến thể Delta.

Ước tính của tiến sĩ Yong Poovorawan đến từ Trung tâm Virus học Lâm sàng tại Đại học Chulalongkorn dựa trên một nghiên cứu trong tháng 6 đối với 700 mẫu. Trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Yong cũng cho biết thêm rằng biến thể Delta dễ lây lan và khó truy vết.

Tại Lào, Bộ Y tế nước này cho biết trong 24 giờ qua, có thêm 37 ca mắc mới nâng tổng số ca mắc bệnh lên là 2.213 ca. Thủ đô Viêng Chăn - điểm nóng của dịch bệnh - ghi nhận ngày thứ 4 liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Trong 37 ca nhiễm mới hôm qua, chỉ có 1 ca cộng đồng tại tỉnh Luang Namtha, các trường hợp còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác.

Theo Bộ Y tế Lào, dù số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm, nước này vẫn đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới của virus. Đặc biệt, những tỉnh giáp với Thái Lan được coi là có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19. Chính vì vậy, việc tăng cường tuần tra biên giới, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời hành vi nhập cảnh trái phép được xem là một trong các chìa khóa để Lào có thể kiểm soát nguy cơ bùng phát dịch.

Theo kế hoạch, Lào sẽ nhập đủ số lượng vaccine để tiêm cho 50% dân số cả nước trong năm nay. Bộ Y tế nước này cho biết đang vận động các nguồn lực tài chính để có thể đạt được mục tiêu này. Đến ngày 30/6, trên 920.000 người ở Lào được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19, trong khi hơn 556.000 người đã được tiêm mũi thứ 2.

Trong khi đó, Maylaysia thông báo trong tuần tới, nước này sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại một số bang đã đảm bảo các chỉ số dịch bệnh về ngưỡng quy định. Maylaysia đã áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 1/6 để kiểm soát dịch bệnh.

Theo thông báo mới từ Bộ trưởng An ninh Malaysia Ismail Sabri Yaakob, chính phủ sẽ cho phép nới lỏng phong tỏa ở 5 bang gồm Kelantan, Pahang, Perak, Perlis và Terengganu do những địa phương này đã đạt được các mục tiêu để tiến tới giai đoạn nới lỏng. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh cuối tuần qua, Malaysia bắt đầu triển khai các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại thủ đô Kuala Lumpur và bàng Selangor, những vùng ghi nhận diễn biến dịch bệnh phức tạp nhất trên cả nước.

Ngày 3/7, Malaysia ghi nhận 6.658 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên là 772.607 ca, trong đó có 5.327 ca tử vong.

Thế Vũ

Tin khác

Bệnh viện Hồng Ngọc hợp tác với Giáo sư Nhật Bản phẫu thuật thay khớp gối không cắt gân cơ

Bệnh viện Hồng Ngọc hợp tác với Giáo sư Nhật Bản phẫu thuật thay khớp gối không cắt gân cơ

(CLO) Giáo sư Hiranaka Takafumi - “Cha đẻ” của phương pháp phẫu thuật thay khớp gối không cắt gân cơ sẽ có chuyến làm việc đặc biệt tại Việt Nam từ ngày 21/4 - 22/4 tới. Ông sẽ thăm khám và phối hợp cùng các bác sĩ Đơn nguyên Chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo cho bệnh nhân người Việt tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội).

Sức khỏe
Dự thảo quy định mới của trung tâm y tế cấp huyện

Dự thảo quy định mới của trung tâm y tế cấp huyện

(CLO) Theo dự thảo, trung tâm y tế huyện chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, an toàn thực phẩm, dân số và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật.

Sức khỏe
Uống Detox Táo giảm cân, người phụ nữ bị mất thị lực

Uống Detox Táo giảm cân, người phụ nữ bị mất thị lực

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phát thông tin kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân có chứa Sibutramin là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Sức khỏe
Dự thảo luật bảo hiểm y tế: Tăng quyền lợi cho người mắc bệnh hiểm nghèo

Dự thảo luật bảo hiểm y tế: Tăng quyền lợi cho người mắc bệnh hiểm nghèo

(CLO) Tại dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất quy định mức hưởng BHYT 100% cho các trường hợp không phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT, phân cấp chuyên môn, kỹ thuật...

Sức khỏe
Nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên

Nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên

Ngày 8/3/2024 Sở y tế tỉnh Điện Biên đã ra kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên. Tại đây xảy ra nhiều vi phạm.

Sức khỏe