Jacinda Ardern: Phía sau “mình hạc sương mai”

Thứ năm, 21/03/2019 08:10 AM - 0 Trả lời

(CLO) Vụ xả súng đẫm máu ngày 15/3 đã cướp đi 50 mạng người New Zealand. Thời khắc này là lúc những người lãnh đạo cao nhất New Zealand cần chứng tỏ sứ mệnh “thắp lửa niềm tin” của người dân. Và bà Jacinda Ardern - nữ Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử New Zealand đã làm được điều chẳng hề dễ dàng đó.

Từ vị thế nữ Thủ tướng trẻ nhất

Tháng 10/2017, bà Jacinda Ardern chính thức nhậm chức Thủ tướng New Zealand trong sự ngỡ ngàng của dư luận. Sự ngỡ ngàng ấy là có lý do bởi ở tuổi 37,  bà Jacinda Ardern trở thành nữ Thủ tướng thứ ba trong lịch sử New Zealand và là lãnh đạo trẻ nhất nước này trong hơn 150 năm qua. Sẽ càng ngạc nhiên hơn nữa nếu ai đó biết rằng trước khi trở thành nhà lãnh đạo đầy quyền lực, bà Ardern từng là một… DJ chơi nhạc, từng chơi nhạc tới 45 phút tại Lễ hội âm nhạc Laneway-Auckland năm 2014.

Nữ DJ năm nào đã trở thành Thủ tướng nhờ chiến dịch tranh cử được cho là rất ấn tượng. Với khẩu hiệu “Let’s do this” (Hãy cùng làm chúng), bà Ardern đã đề xuất hàng loạt các cải cách về giáo dục, môi trường, y tế, hứa cắt giảm số người nhập cư tới 30.000 người… qua đó thu hút được lượng lớn cử tri cũng như người ủng hộ.

Tuy nhiên, việc từng là một nữ DJ, việc trở thành Thủ tướng khi tuổi còn khá trẻ… đã khiến không ít cử tri New Zealand ngờ vực về khả năng điều hành chính phủ của bà Jacinda Ardern - người phụ nữ với tính cách trẻ trung và vóc dáng “mình hạc sương mai”.

Thủ tướng Jacinda Ardern

Thủ tướng Jacinda Ardern

Tới câu chuyện về chiếc khăn trùm đầu và bản lĩnh chính khách

Nhưng tới giờ phút này, sau hơn một năm điều hành, bà Jacinda Ardern đã cho thấy việc bà trở thành Thủ tướng không hề là một “vận may chính trị” và rằng phía sau một nữ chính trị gia xinh đẹp, mảnh mai là một bản lĩnh chính khách kiên cường và mạnh mẽ, dám làm cả những việc chưa từng có tiền lệ. Đơn cử như ngay sau khi nhậm chức, bà Jacinda Ardern đã khiến cử tri và cả các chính trị gia New Zealand ngạc nhiên bởi bà đã phá vỡ định kiến về tỷ lệ lạm phát mục tiêu, một trong những thành công bấy lâu của đất nước này. Theo bà Ardern, tỷ lệ lạm phát hiện ở mức quá thấp và cần phải có các chính sách thúc đẩy kinh tế, hạ tỷ lệ thất nghiệp 4,6% xuống dưới 4% bất chấp điều này có thể thúc đẩy giá cả sinh hoạt. Bà Jacinda Ardern cũng đã có động thái khiến nhiều người New Zealand ngạc nhiên là việc quyết định thành lập hội đồng thẩm định chính sách tiền tệ tại ngân hàng trung ương, qua đó kiểm soát các quyết định của cơ quan vốn có truyền thống độc lập này - một việc chưa từng có trong tiền lệ. Một động thái được cho là mạnh mẽ khác của bà Jacinda Ardern là quyết định cấm người nước ngoài tham gia thị trường này, một động thái mạnh mẽ ngay khi lên nắm quyền Thủ tướng năm 2017. Không những vậy, Thủ tướng Ardern còn muốn hạn chế dòng người nhập cư vào New Zealand bất chấp việc các lao động nước ngoài là một trong những nhân tố chủ chốt làm nên tăng trưởng kinh tế nước này thời gian qua, đặc biệt là trong ngành du lịch.

Và giữa những ngày được xem là đen tối nhất của đất nước New Zealand khi  tên sát thủ máu lạnh Brenton Harrison Tarrant lạnh lùng xả súng, cướp đi đến hơn 50 mạng người, nữ Thủ tướng “mình hạc sương mai” này lại một lần nữa chứng tỏ bản lĩnh chính trị gia của mình. Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, bà Ardern  đã tổ chức họp báo và tuyên bố “đó là những ngày đen tối nhất của đất nước này”. Chỉ một ngày sau vụ tấn công, bà Ardern đã trực tiếp đến thăm các gia đình nạn nhân và các thành viên cộng đồng Hồi giáo. Nữ Thủ tướng khiến các gia đình nạn nhân thấy như ấm lòng hơn trước cái ôm đầy tình cảm, ánh mắt, cử chỉ ấm áp và những lời hỏi thăm, chia sẻ đầy vẻ chân thành mà bà dành cho họ.

Thủ tướng Jacinda Ardern ôm một tín đồ Hồi giáo tại Nhà thờ Hồi giáo Kilbirnie ở Wellington, New Zealand

Thủ tướng Jacinda Ardern ôm một tín đồ Hồi giáo tại Nhà thờ Hồi giáo Kilbirnie ở Wellington, New Zealand

Bà nói với họ rằng những gì đã xảy ra không phải là bản sắc của New Zealand. Bà Ardern cũng kịp thời tuyên bố sẽ siết chặt luật lệ về súng, điều có thể gây khó khăn về mặt chính trị nhưng được chính phủ của bà ưu tiên. Bà gọi vụ tấn công là “khủng bố”, lên án nó bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất và thẳng thắn chỉ trích việc một nghị sĩ Australia liên hệ giữa người nhập cư Hồi giáo và bạo lực là “sự xấu hổ”. Chưa hết, trả lời các phóng viên ở Wellington chiều 19/3, Thủ tướng Ardern nói bà sẽ không bao giờ nhắc đến tên nghi phạm vụ xả súng. “Hắn ta là một tên khủng bố. Hắn ta là một tên tội phạm, một kẻ cực đoan. Nhưng khi tôi nhắc đến hắn, hắn sẽ không có tên. Và với những người khác, tôi cầu xin bạn, hãy nhắc đến tên của những người đã mất hơn là tên của hung thủ. Hắn ta có thể đã muốn nổi tiếng, nhưng ở New Zealand chúng tôi sẽ không cho hắn điều này, thậm chí ngay cả cái tên”, tuyên bố của bà Ardern khiến không chỉ gia đình các nạn nhân mà khiến cả cử tri nước này lẫn cộng đồng quốc tế cảm kích.

Nhưng có lẽ gây ấn tượng nhất với các thành viên cộng đồng Hồi giáo - những người vừa mất đi bao nhiêu người bạn, người anh em chỉ trong một buổi cầu nguyện dưới bàn tay xả súng không thương tiếc của kẻ cực hữu, là việc nữ Thủ tướng người da trắng trùm trên đầu chiếc khăn đen kiểu Hồi giáo. Với họ, chỉ thế thôi cũng chứng tỏ sự cảm thông, chia sẻ, đoàn kết của bà, của Chính phủ New Zealand với cộng đồng người Hồi giáo. “Khi Thủ tướng đội khăn trùm đầu, điều đó có ý nghĩa lớn với chúng tôi”, Dalia Mohamed - người đang chịu tang Hussein Mustafa, một tình nguyện viên tại nhà thờ Hồi giáo Al Noor, chia sẻ với báo giới.

Quyết liệt vì thiên chức thiêng liêng

Nhưng sự mạnh mẽ, bản lĩnh của người đứng đầu Chính phủ New Zealand không chỉ thể hiện trong công việc. Trong cả hạnh phúc riêng, người phụ nữ mảnh mai, xinh đẹp này cũng quyết liệt không kém.

Cách đây không lâu, báo chí New Zealand và quốc tế đã có dịp khá ồn ào trước câu chuyện bà Jacinda Ardern mang thai. Ồn ào bởi nhìn lại thực tế, không chỉ trên chính trường New Zealand mà cả thế giới, chuyện một nữ chính khách có con nhỏ ngay trong nhiệm kỳ tại chức là rất hiếm, thậm chí còn bị kỳ thị nặng nề. Cách đây gần 30 năm, năm 1990, cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto gần như là nữ nguyên thủ đầu tiên mang bầu và sinh con khi đang đương nhiệm. Tuy nhiên, với nữ chính trị gia nổi tiếng cá tính, tự tin và đầy ý thức về cái tôi, về nữ quyền này, chẳng có gì phải e ngại, xấu hổ hay lăn tăn trước việc thực hiện thiên chức thiêng liêng và cao quý nhất của một người phụ nữ là làm mẹ, dù bạn có là một nguyên thủ đi chăng nữa. Trong quan điểm của bà, việc phản đối một chính khách mang thai và có con khi đang tại nhiệm hoàn toàn là cái nhìn sai lệch, đầy định kiến và là một sự thụt lùi đáng xấu hổ khi thế giới đâu đâu cũng hô hào về cái gọi là bình đẳng giới, về nữ quyền.

Cũng bởi niềm tự hào, sự tự tin này mà tháng 1/2018, chỉ ít tháng sau khi nhậm chức, bà Jacinda Ardern đã không ngần ngại thông báo với cử tri và báo giới việc bà mang thai. “Tôi không phải là người phụ nữ đầu tiên làm nhiều việc một lúc. Trước tôi có những phụ nữ đã làm được rất tốt. Tôi hết sức nghiêm túc về vai trò Thủ tướng và sẽ cùng Phó Thủ tướng trao đổi công việc trong thời gian tôi tạm nghỉ” - bà Jacinda Ardern khẳng định.

Và thực sự bà đã nói được làm được. Việc thu vén khéo léo đã giúp việc thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ của bà Jacinda Ardern không ảnh hưởng nhiều tới nhiệm vụ của người đứng đầu Chính phủ. Hồi tháng 9/2018, báo chí đã đăng tải nhiều tới việc Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên tham dự cuộc họp Đại hội đồng LHQ với cô con gái nhỏ còn đang ẵm ngửa. Nhưng với bà Jacinda Ardern, báo giới và cả LHQ, đó là chuyện hết sức bình thường và chẳng nên kỳ thị. “Chúng tôi sẽ thực hiện những thay đổi cho tới khi tạo dựng được một nền văn hóa chấp nhận rằng bà mẹ và trẻ em là một phần của nơi làm việc. Nếu có thể làm một điều, tôi sẽ thay đổi cách mọi người nghĩ về vấn đề này. Nó sẽ khiến tôi hài lòng vì chúng tôi đã đạt được điều gì đó”, bà Ardern tuyên bố.

Rõ ràng, nhìn vào những gì người đứng đầu Chính phủ New Zealand đã làm được, thấy rõ một điều, phía sau một dáng vẻ “mình hạc sương mai”, đừng bao giờ lầm tưởng đó chỉ là một phận liễu yếu đào tơ yếu đuối.

Hà Anh

Tin khác

Hội đồng Bảo an sắp bỏ phiếu về tư cách thành viên của Palestine, Mỹ có thể sẽ phủ quyết

Hội đồng Bảo an sắp bỏ phiếu về tư cách thành viên của Palestine, Mỹ có thể sẽ phủ quyết

(CLO) Các nhà ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu vào thứ Sáu về yêu cầu của Palestine để trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc, điều mà đồng minh của Israel là Mỹ dự kiến sẽ ngăn chặn.

Thế giới 24h
Hezbollah phóng tên lửa và máy bay không người lái vào Israel

Hezbollah phóng tên lửa và máy bay không người lái vào Israel

(CLO) Nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào một cơ sở quân sự ở phía bắc Israel khiến ít nhất 14 binh sĩ bị thương, nói rằng hành động này để trả đũa các cuộc tấn công của Israel khiến các thành viên Hezbollah thiệt mạng.

Thế giới 24h
Ngoại trưởng Anh nói Israel sắp tấn công Iran

Ngoại trưởng Anh nói Israel sắp tấn công Iran

(CLO) Israel rõ ràng đã quyết định tấn công trả đũa Iran, theo Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết trong chuyến thăm nước này vào thứ Tư (17/4).

Thế giới 24h
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Biden hứa tăng thuế người giàu, giảm thuế người nghèo

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Biden hứa tăng thuế người giàu, giảm thuế người nghèo

(CLO) Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công du vận động tranh cử tại bang Pennsylvania vào thứ Ba (16/4), với điểm dừng đầu tiên tại quê hương Scranton của mình. Tại đây, ông đã tái khẳng định lời hứa tăng thuế đối với những người giàu và các tập đoàn lớn.

Thế giới 24h
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc lần đầu điện đàm sau hơn 2 năm

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc lần đầu điện đàm sau hơn 2 năm

(CLO) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Đô đốc Đổng Quân, vào hôm thứ Ba (16/4), để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước và bàn về nhiều vấn đề quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Thế giới 24h