Thế giới 24h

Kashmir, 'chảo lửa' không ngừng cháy trên dãy Himalaya

Hoài Phương (theo AJ, Reuters) 07/05/2025 15:14

(CLO) Kashmir, vùng đất nhỏ trên dãy Himalaya, tiếp tục là điểm nóng, là "chảo lửa" trong cuộc đối đầu dai dẳng giữa Ấn Độ và Pakistan.

Rạng sáng ngày 7/5, Ấn Độ mở các cuộc không kích nhằm vào các “trại khủng bố” nằm trong lãnh thổ Pakistan, bao gồm cả khu vực Kashmir đang tranh chấp.

Hành động quân sự này được New Delhi tiến hành sau vụ sát hại 26 người tại Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào tháng trước. Ấn Độ cáo buộc các tay súng Hồi giáo được Pakistan hậu thuẫn là thủ phạm.

Dù chỉ là một vùng đất nhỏ nằm trên dãy Himalaya, Kashmir từ lâu đã là chiến trường căng thẳng nhất Nam Á, nơi hai quốc gia có vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan liên tục đối đầu bằng cả súng đạn lẫn ngoại giao.

untitled(2).png
Binh lính Ấn Độ đứng gác trên bờ hồ Dal sau vụ tấn công chết người ở Pahalgam. Ảnh: GI

Một di sản rối ren từ cuộc chia cắt năm 1947

Khi tiểu lục địa Ấn Độ giành độc lập khỏi Đế quốc Anh năm 1947 và bị chia tách thành Ấn Độ và Pakistan, Kashmir, nơi có đa số dân cư theo đạo Hồi, được kỳ vọng sẽ gia nhập Pakistan. Thế nhưng vị quân chủ theo đạo Hindu của vùng này lại chọn phương án giữ độc lập. Khi các bộ lạc vũ trang từ Pakistan tràn qua biên giới, ông cầu viện Ấn Độ và đồng ý sáp nhập vùng lãnh thổ này vào New Delhi.

Kể từ đó, vùng Kashmir bị chia ba: Ấn Độ kiểm soát thung lũng Kashmir, Jammu và Ladakh; Pakistan nắm giữ Azad Kashmir và các khu vực phía Bắc; Trung Quốc quản lý Aksai Chin. Riêng phần do Ấn Độ quản lý có khoảng 7 triệu dân, trong đó gần 70% là người Hồi giáo.

Bạo lực, chiến tranh và những cuộc nổi dậy

Ấn Độ và Pakistan đã ba lần bước vào chiến tranh kể từ năm 1947, hai trong số đó là vì Kashmir (1947 và 1965). Giao tranh lớn gần nhất là vào năm 1999 tại vùng Kargil.

Hiện tại, một đường ranh giới ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian, gọi là Đường kiểm soát (LoC), chia cắt Kashmir thành hai phía do Ấn Độ và Pakistan quản lý.

Từ năm 1989, khu vực Kashmir thuộc Ấn Độ chìm trong làn sóng nổi dậy đẫm máu của các lực lượng Hồi giáo đòi ly khai. New Delhi cáo buộc Islamabad tài trợ vũ khí và huấn luyện phiến quân, trong khi phía Pakistan phủ nhận và khẳng định chỉ “ủng hộ tinh thần”.

Quy chế đặc biệt và bước ngoặt năm 2019

Trong nhiều thập kỷ, Kashmir có quyền tự trị một phần theo Điều 370 trong Hiến pháp Ấn Độ. Điều khoản này được soạn thảo ngay từ năm 1947 và chính thức đưa vào Hiến pháp năm 1949.

Bản đồ về khu vực Kashmir với đường phân tranh các lãnh thổ do Pakistan và Ân Độ kiểm soát, cũng như thành phố Srinagar, nơi xảy ra vụ thảm sát.
Bản đồ về khu vực Kashmir với đường phân tranh các lãnh thổ do Pakistan và Ấn Độ kiểm soát.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2019, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố bãi bỏ quy chế này, tổ chức lại toàn bộ khu vực thành hai vùng lãnh thổ do chính quyền trung ương kiểm soát: Jammu & Kashmir và Ladakh.

Động thái này vấp phải sự phản đối dữ dội từ Pakistan, vốn xem đó là sự “chiếm đóng bất hợp pháp” và lập tức hạ cấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ.

“Hòa bình” tương đối và bầu cử gây tranh cãi

Chính phủ Ấn Độ cho biết sau quyết định năm 2019, tình hình an ninh tại Kashmir đã cải thiện: du lịch tăng, các vụ tấn công lớn giảm. Nhưng thực tế, các vụ sát hại có mục tiêu nhằm vào dân thường và lực lượng an ninh vẫn xảy ra.

Năm 2024, Jammu & Kashmir tổ chức cuộc bầu cử địa phương đầu tiên kể từ khi mất quyền tự trị. Dù một số ứng viên trúng cử kêu gọi khôi phục Điều 370, nhiều đảng phái địa phương hoặc tẩy chay, hoặc công khai chỉ trích cuộc bầu cử là “hình thức” và “thiếu quyền lực thực chất”.

Cuộc không kích ngày 7/5 là lời nhắc nhở rằng Kashmir vẫn là vết sẹo chưa lành trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan. Căng thẳng ở Kashmir tiếp tục là bài toán không lời giải trong quan hệ hai nước, đặc biệt sau vụ tấn công mới nhất có thể kích hoạt chuỗi leo thang quân sự mới giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kashmir, 'chảo lửa' không ngừng cháy trên dãy Himalaya
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO