Kazakhstan và Trung Quốc ký hợp đồng cung cấp khí đốt mới
(CLO) Văn phòng Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết, công ty nhà nước QazaqGaz và Petrochina International (Trung Quốc) đã ký một hợp đồng cung cấp khí đốt mới vào thứ Ba (17/10).
Dù không cung cấp thông tin chi tiết về thỏa thuận, trang web tin tức Kazakhstan lsm.kz trích dẫn QazaqGaz cho biết thỏa thuận này sẽ bao gồm cung cấp nguồn cung trong giai đoạn 2023-26.
Kazakhstan đã xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc trong nhiều năm, mặc dù lượng cung cấp đã giảm, lúc đầu do nhu cầu thấp hơn và sau đó là do tiêu dùng trong nước ngày càng tăng.

Logo của PetroChina được nhìn thấy tại trạm xăng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, trong tháng này, Nga - quốc gia bị cắt đứt phần lớn khỏi thị trường châu Âu, đã bắt đầu xuất khẩu khí đốt sang Kazakhstan và Uzbekistan, điều này có thể cho phép Astana giải phóng thêm khí đốt của mình để xuất khẩu.
Trong khi đó, vào ngày 13/6, Công ty khí đốt Kazmunaigaz của Kazakhstan và Tập đoàn dầu-khí Trung Quốc (CNPC) đã đạt thỏa thuận về thực hiện hiệp định liên quan đến công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt thứ hai nối liền hai nước, với công suất 10 tỷ m3/năm.
Hiệp định liên Chính phủ Kazakhstan-Trung Quốc về xây dựng đường ống dẫn khí đốt thứ hai được hai bên ký tháng 10/2009, tuy nhiên, từ đó đến nay, hai bên đã phải nhiều lần đàm phán về điều kiện tham gia dự án của Kazmunaigaz và CNPC.
Đường ống dẫn khí đốt Kazakhstan-Trung Quốc là một phần của đường ống Trung Á-Kazakhstan dài 9.000km nhằm vận chuyển khí đốt từ khu vực Kaspi sang Trung Quốc qua lãnh thổ bốn nước gồm Turkmenistan, Kazakhstan, Uzbekistan và Trung Quốc.
Đường ống dẫn khí đốt đầu tiên đã được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2009, với công suất 30 tỷ m3/năm.
Trước đó, ngày 10/6, Tập đoàn CNPC cũng đã ký với Công ty dầu-khí Uzbeknefgaz của Uzbekistan hợp đồng liên quan đến việc hàng năm Taskent cung cấp cho Bắc Kinh 10 tỷ m3 khí đốt.
Trong phiên cuối tuần trước, giá dầu tăng mạnh hơn 4%. Theo các nhà phân tích, giá dầu tuần này nhiều khả năng vẫn duy trì đà tăng bởi Israel đã triển khai cuộc chiến trên bộ khiến toàn khu vực Trung Đông đã nóng lại càng nóng hơn.
Reuters nhận định yếu tố chính khiến giá dầu thô leo dốc trở lại do xung đột giữa Hamas và Israel có thể leo thang, dẫn tới nguy cơ xung đột toàn Trung Đông. Bên cạnh đó là lý do Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với các chủ tàu chở dầu của Nga khiến nhiều đơn vị vận chuyển trở nên e dè hơn.
Khánh Vy (Theo CNA)