Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) đang gặp nhiều thách thức

26/10/2023 09:43

(NB&CL) Mặc dù còn 3 tháng cuối cùng để bứt tốc, nhưng nhìn chung mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2023 khó thực hiện được. Điều này tạo áp lực rất lớn cho 2 năm cuối cùng (2024 - 2025) để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 16.

Năm 2023, GDP Việt Nam có thể tăng khoảng 5,2% - 5,3%

Tại Nghị quyết số 16 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân sẽ đạt khoảng 6,5% - 7%.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách bình quân 3,7% GDP;...

ke hoach phat trien kinh te  xa hoi 5 nam 2021  2025 dang gap nhieu thach thuc hinh 1

Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5% - 7% đang trở nên rất khó khăn.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2021, GDP Việt Nam tăng 2,58%, đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Sang năm 2022, tăng trưởng GDP tăng vọt lên ngưỡng 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch là 6% - 6,5%.

Trong khi đó, vào đầu năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP  6% vào năm nay. Thế nhưng, nhìn nhận vào thực tế, khi 9 tháng đầu năm nay, GDP mới chỉ tăng 4,24%. Một số ý kiến cho rằng, việc đảm bảo GDP năm 2023 tăng 6% đang trở nên khó thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, mặc dù còn 3 tháng cuối cùng để bứt tốc, nhưng nhìn chung mục tiêu cho cả năm sẽ khó thực hiện được. Điều này tiếp tục tạo áp lực lớn cho 2 năm cuối cùng (2024 - 2025) để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 16.

Ông Trần Văn Lâm phân tích, giống như mọi năm, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc rất nhanh trong giai đoạn cuối năm, nhờ vào 3 yếu tố chính.

Thứ nhất, cuối năm là giai đoạn cao điểm của “mùa” mua sắm, nhờ đó, các đơn hàng dịp Giáng sinh, lễ Tết trên thế giới sẽ tăng lên rất nhanh. Điều này sẽ cải thiện chỉ số xuất nhập khẩu, trong đó, các ngành nghề xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như dệt may, da giày, các sản phẩm điện tử,... được hưởng lợi rất lớn.

Thứ hai, trong giai đoạn cuối năm, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng sẽ tăng rất nhanh, các doanh nghiệp đưa ra các chương trình khuyến mãi, nhằm kích cầu thị trường nội địa. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện.

Thứ ba, cuối năm cũng là giai đoạn bứt tốc của đầu tư công, điều này cũng làm khối lượng tiền vào lưu thông sẽ lớn hơn, tạo đà cho tăng trưởng.

“Các yếu tố thuận lợi giúp kinh tế cuối năm tăng trưởng mạnh, tuy nhiên điều này vẫn sẽ không thể bù đắp được những thiếu hụt trong những tháng đầu năm. Do đó, có thể năm 2023, GDP Việt Nam sẽ tăng khoảng 5,2% - 5,3%. Đây là mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động” - ông Lâm nhận định.

Và để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% - 7% trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025), Đại biểu Trần Văn Lâm kiến nghị, Việt Nam cần có thêm một số giải pháp đủ sức nặng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông qua các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, một trong những giải pháp trọng tâm là đẩy nhanh đầu tư công.

Ông Lâm tiết lộ, tới đây, Quốc hội sẽ bàn để tháo gỡ khó khăn cho một số công trình hạ tầng giao thông, đây là một trong những giải pháp quan trọng, song để đồng bộ hơn nữa vẫn cần nhiều yếu tố. Trong đó, cần đề cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ, kiểm tra, xử lý vấn đề tồn tại vướng mắc để hỗ trợ cho đầu tư công.

Áp lực lớn trong giai đoạn 2024 - 2025

Để tạo ra “xung lực” tăng trưởng trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ.

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 23/10, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, nền kinh tế vẫn chịu tác động lớn từ biến động kinh tế thế giới. Đặc biệt, dù đã có các chính sách phục hồi từ Trung ương, song nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm tiến độ, vướng mắc về thủ tục pháp lý. Thu hút vốn FDI còn gặp nhiều thách thức, nhất là trong việc thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các ngành kinh tế chưa chuyển dịch mạnh về tăng năng suất, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu còn nhiều hạn chế. Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng kỳ vọng. Các loại thị trường hoạt động chưa hiệu quả, chưa bảo đảm điều kiện phát triển bền vững.

Trong khi đó, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp tăng trưởng, nhưng tình trạng “no dồn, đói góp” của chủ đầu tư ít thay đổi. Điều này sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2023-2025.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, trong hoàn cảnh đặc biệt, cần những chính sách đặc biệt, có thể dùng 1 luật để sửa nhiều luật, hóa giải những nút thắt hiện nay đang “cản bước tiến” của nền kinh tế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích: Hiện nay vấn đề cốt lõi là phải tăng tổng cầu của nền kinh tế, vì vậy chính sách tài khoá chỉ là một trong những giải pháp giải quyết khó khăn.

“Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như, thực hiện tốt chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản; tiếp tục đẩy mạnh môi trường kinh doanh tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Một vấn đề nữa đó là, mặc dù nền kinh tế đã có bước phục hồi, nhưng xuất khẩu khó khăn, thị trường đang dần thu hẹp đang tạo ra áp lực không nhỏ với doanh nghiệp Việt.

Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt ra nước ngoài. Muốn vậy, rất cần sự vào cuộc của bộ, ngành, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu, tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường xuất khẩu còn tiềm năng” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

“Trong thời gian tới, giai đoạn năm 2024 - 2025, cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên chúng ta cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Định Trần

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) đang gặp nhiều thách thức
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO