Kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam chưa đồng bộ

09/07/2022 19:44

(CLO) Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, hạn chế sự phát triển và lan tỏa của vùng…

Ngày 9/7, tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 53 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53, báo cáo chung cho biết: sau 15 năm thực hiện, các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị đã được các Bộ, ngành và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân 8 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tích cực triển khai thực hiện, góp phần đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

ket cau ha tang vung dong nam bo va vung kinh te trong diem phia nam chua dong bo hinh 1

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (ảnh minh họa).

Theo đó, vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục là cực tăng trưởng với quy mô GRDP đến năm 2020 gấp 2,6 lần 2010, chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP cả nước, vượt mục tiêu đặt ra; cơ cấu kinh tế của vùng dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo có xu hướng tăng, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao vượt mục tiêu đặt ra; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ của vùng cao nhất cả nước; các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, logistics, viễn thông, vận tải, du lịch phát triển mạnh.

Cùng với đó, năng suất lao động của vùng đạt mức cao nhất cả nước (năm 2020 đạt 265,3 triệu đồng/lao động); đã hình thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước tại vùng, đóng góp tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, tạo việc làm, thu ngân sách nhà nước. Kinh tế tư nhân của vùng phát triển năng động, mạnh mẽ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước, tăng khoảng 81% trong giai đoạn 2011-2020, chiếm 41,4% số lượng doanh nghiệp. Số doanh nghiệp FDI của vùng Đông Nam Bộ năm 2020 chiếm 50% tổng số doanh nghiệp FDI cả nước.

ket cau ha tang vung dong nam bo va vung kinh te trong diem phia nam chua dong bo hinh 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, tại TP Hồ Chí Minh, ngày 9/7.

Trong vùng, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn nhất, là động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước và nhất là khu vực phía Nam.

Vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đang dần trở thành “bệ đỡ” cho phát triển vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam và cả nước. Diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; tốc độ đô thị hóa nhanh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn…

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển khá và đạt trình độ cao so với mặt bằng chung cả nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo cao ở mức hàng đầu cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội có tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố...

Bên cạnh đó, trong vùng còn một số tồn tại, hạn chế như: tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và có xu hướng chậm lại, cơ cấu kinh tế chưa bền vững; công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, hạn chế sự phát triển và lan tỏa của vùng; việc triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển còn chậm; hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển; hợp tác, liên kết vùng còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh, thành phố và toàn vùng…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam chưa đồng bộ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO