Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, sử dụng, đề bạt cán bộ

24/04/2023 17:56

(CLO) Ngày 24/4 đã diễn ra cuộc họp trực tuyến kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại 5 địa phương (TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang) có tỷ lệ giải ngân thấp, thuộc Tổ công tác số 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, cần khắc phục triệt để các nguyên nhân chủ quan, xác định rõ trách nhiệm, thành lập tổ công tác phân công, phân cấp cụ thể, sát sao từng việc, từng dự án.

Giải ngân đầu tư công chậm: Địa phương nhận trách nhiệm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số giải ngân của 5 địa phương đến hết tháng 3/2023 là hơn 2.553 tỷ đồng, đạt 2,74% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước (10,35%). Trong số này, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang giải ngân trên 5%, riêng TP Hồ Chí Minh giải ngân rất thấp, chỉ đạt 0,89%.

TP Hồ Chí Minh, An Giang, Sóc Trăng đều cam kết phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2023 được giao. Trà Vinh cam kết giải ngân trên 98% kế hoạch và Vĩnh Long cam kết giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt 100% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương là 95% kế hoạch.

ket qua giai ngan von dau tu cong la can cu de danh gia khen thuong su dung de bat can bo hinh 1

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp.

Báo cáo về những vướng mắc, các địa phương cho biết, có những vấn đề về thể chế, quy định pháp luật, nhưng cũng có những khó khăn trong khâu tổ chức thực hiện.

Đánh giá tỷ lệ giải ngân của 5 địa phương là rất thấp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay, mức tăng trưởng không cao, bình quân quý I chỉ đạt 3,32%, do đó đòi hỏi phải đẩy nhanh hơn công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, bù đắp lại mức tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực khác.

Đề cập đến những vướng mắc về thể chế, quy định pháp luật nêu trong báo cáo, Phó Thủ tướng cho rằng có những nguyên nhân “nêu cho có chứ không sát thực”, chẳng hạn như “địa phương gặp khó khăn vì không thể chủ động quyết định việc nâng trần kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương theo khả năng thu thực tế, dẫn đến không thể chủ động bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án mới để làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm”.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, Luật Đầu tư công đã có, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm Quốc hội đã phê duyệt danh mục cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư. Phần việc còn lại về mặt thủ tục phê duyệt dự án, kế hoạch đấu thầu… là của địa phương.

Từ phân tích này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân phải rõ ràng, không dài dòng và phải trúng; phải đưa ra được những nguyên nhân thực chất, xác thực, để tránh mất thời gian bàn đi, bàn lại. Tiền và kế hoạch đã có, nếu để đọng mà không giải ngân được, sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tăng trưởng và thanh khoản của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong chậm giải ngân vốn, chậm trình chủ trương đầu tư. Chẳng hạn như nguồn vốn 296 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được phân bổ, hơn 1 năm chưa phê duyệt được chủ trương đầu tư.

Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ nghịch lý, có những dự án (cả công và tư) không đủ điều kiện nhưng vẫn làm “ào ào”, thậm chí nhiều dự án làm xong phải xử lý sai phạm, trong khi các dự án đầu tư công này, tiền đã có, được tạo điều kiện, đôn đốc liên tục mà làm không xong. Trong điều kiện pháp lý như nhau, Chính phủ chỉ đạo như nhau, không ưu ái nơi nào, công bằng, công khai, minh bạch, tại sao có địa phương giải ngân đạt tỷ lệ cao, có nơi thiếu tiền phải xin thêm, có nơi lại không thực hiện được.

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng “giải ngân chậm, trách nhiệm của ai”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thẳng thắn: “Giải ngân chậm của TP Hồ Chí Minh, trách nhiệm là của UBND Thành phố và của tôi là Chủ tịch UBND Thành phố”.

Thành phố đã có nhiều biện pháp, rất nỗ lực, tuy nhiên, những đặc điểm của giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm và do tình hình Thành phố nên giải ngân chậm. Hiện Thành phố đã phân nhóm xác định các công trình, dự án trọng điểm, vốn lớn, để tập trung từ công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ thủ tục đầu tư và công tác triển khai trên thực tế.

Các vướng mắc chủ quan của Thành phố nằm ở khâu chuẩn bị hồ sơ, giải phóng mặt bằng và các công trình hạ tầng kỹ thuật trên mặt bằng đó. Trong tổ chức thực hiện cũng có một số trường hợp chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với nhà thầu, với các địa phương để triển khai công việc. Việc này Thành phố đã có chấn chỉnh. Vừa qua, Thường vụ Thành ủy đã thành lập 13 tổ kiểm tra đôn đốc đối với 38 công trình, dự án trọng điểm.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn, “đặt vấn đề tăng trưởng thấp, muốn thúc đẩy đầu tư, trong đó có đầu tư công, càng sớm càng tốt để góp phần cho tăng trưởng. Việc này tinh thần là chúng ta phải tập trung, nhưng cũng phải có thời gian, đủ ngày, đủ tháng. Chúng tôi cố gắng phấn đấu hết quý II tỷ lệ giải ngân đạt 35%, tương đương với 25.000 tỷ đồng”.

Lý giải về số vốn 296 tỷ đồng được trung ương phân bổ, Thành phố làm chậm về mặt hồ sơ, vướng quy hoạch, ông Phan Văn Mãi cho biết, ngày 18/4 vừa qua, HĐND Thành phố đã tổ chức kỳ họp chuyên đề, Thành phố đang chờ nghị quyết HĐND để hoàn thiện hồ sơ.

ket qua giai ngan von dau tu cong la can cu de danh gia khen thuong su dung de bat can bo hinh 2

Quang cảnh cuộc họp.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trung hạn là nhiệm vụ chính trị trong năm 2023

Đánh giá các địa phương đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, đối với những công trình trọng điểm, các bộ, ngành, địa phương bám sát văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023. Xem nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trung hạn là nhiệm vụ chính trị trong năm 2023 và kết quả giải ngân là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, sử dụng, đề bạt cán bộ.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời điểm hiện nay, có những cán bộ e ngại, sợ trách nhiệm, nếu không có chỉ đạo kịp thời, giao nhiệm vụ, quản lý, xử lý cán bộ một cách bài bản, đúng quy định thì việc đẩy mạnh giải ngân sẽ rất khó. Giao nhiệm vụ phải có kiểm tra, đánh giá, không hoàn thành phải phê bình, nhắc nhở, xử lý trách nhiệm, làm tốt phải được khen thưởng, đề bạt. Yếu tố cán bộ rất quan trọng, công việc có được đẩy nhanh, sát sao, phương án có phù hợp, sáng tạo hay không chính là ở khâu này.

Bên cạnh đó, cần xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Ở đâu người đứng đầu quan tâm nắm bắt tình hình, sát sao chỉ đạo, ở đó công việc mới triển khai thực hiện tốt. Chủ tịch UBND các tỉnh cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư triển khai thi công, tháo gỡ kịp thời những vấn đề liên quan. Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp phụ trách nhóm dự án cụ thể, nhất là dự án trọng điểm.

Thành Nhân

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, sử dụng, đề bạt cán bộ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO