Khách hàng sở hữu kỳ nghỉ của Vacation Paradise nhận được 'cuộc gọi lạ' thu mua hợp đồng giá cao

14/08/2023 12:23

(CLO) Sau khi bị “vướng” vào các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của Vacation Paradise, nhiều khách hàng của công ty này lại nhận được cuộc gọi mời chào hỗ trợ sang nhượng hoặc bán hộ hợp đồng với giá cao từ nhiều công ty du lịch trên địa bàn TP HCM.

Nguy cơ mất tiền cọc từ hoạt động sang nhượng

Theo phản ánh của nhiều khách hàng từng mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của Công ty Cổ phần Vacation Paradise hay trước đó là Công ty cổ phần tập đoàn Ones Group với dự án nghỉ dưỡng Dragon Valley, sau khi lên tiếng phản đối công ty vì không nhận được những quyền lợi ưu đãi như đã cam kết trước đó, những khách hàng này lại nhận được nhiều cuộc gọi lạ cho biết muốn thu mua lại các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ này.

Những người này tự xưng là nhân viên của một số công ty du lịch trên địa bàn TP HCM, đang có nhu cầu thu mua lại các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hoặc kết nối, hỗ trợ cho người bán với người có nhu cầu mua. Trong quá trình tư vấn, những nhân viên này cho biết sẽ không nhận cọc hay thu thêm phí mà chỉ lấy hoa hồng sau khi thương vụ thành công. Tuy nhiên sự thực lại không được như những gì nhân viên tư vấn hứa hẹn.

Đơn cử như trường hợp của anh T.V.T – một khách hàng đang “vướng mắc” một hợp đồng 200 triệu với Vacation Paradise cho biết: “Tôi nhận được một cuộc gọi từ phía công ty du lịch tên K.L, họ cho biết đang thu mua lại hợp đồng từ Vacation Paradise. Khi trao đổi qua điện thoại, họ chắc chắn không thu khoản phí nào, nhưng khi tới nơi cho họ xem hợp đồng xong thì lại yêu cầu phải đặt cọc 30% mới hỗ trợ mua hoặc bán hộ hợp đồng. Mặc dù họ cam kết chắc chăn sẽ bán được hợp đồng đi nhưng nếu chắn chắn như vậy thì tại sao còn bắt phải cọc. Vì hầu hết những người đã mua quyền sở hữu kỳ nghỉ như chúng tôi đều đang muốn bán để thu tiền về”.

khach hang so huu ky nghi cua vacation paradise nhan duoc cuoc goi la thu mua hop dong gia cao hinh 1

Hợp đồng và thỏa thuận đặt mua của một số khách hàng tại Vacation Paradise.

Bài liên quan

Nhiều khách hàng 'ngậm trái đắng' sau khi mua quyền sở hữu kỳ nghỉ

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo về mô hình ‘sở hữu kỳ nghỉ’

Bộ Công an cảnh báo về mô hình "sở hữu kỳ nghỉ du lịch"

Bộ Công an đã nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố giác liên quan đến mô hình ‘sở hữu kỳ nghỉ’

Cũng với cách thức nói trên, chị D.N cũng được mời chào đến công ty K.L để bán lại hợp đồng của Vacation Paradise. Dường như để khách hàng yên tâm đặt cọc, nhân viên môi giới của công ty này còn đồng ý hỗ trợ tìm khách mua lại hợp đồng giá trị 140 triệu đồng của chị này với giá 240 triệu đồng. 

Trong buổi làm việc tại công ty du lịch này, chị D.N cho biết có rất nhiều người từng mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của Vacation Paradise, do không được chi trả quyền lợi nên nghe lời tư vấn mà đến để bán lại hợp đồng. Tuy nhiên chị này cũng như một số khách hàng khác đang đặt dấu hỏi về hoạt động thu mua này, vì sao công ty K.L cũng như một số công ty du lịch khác lại có thông tin tệp khách hàng của Vacation Paradise.

“Không rõ họ lấy được số điện thoại và thông tin cá nhân của chúng tôi bằng cách nào mà biết chúng tôi là người đã mua quyền sở hữu kỳ nghỉ tại Vacation Paradise. Nhất là những người này lại liên hệ sau khi chúng tôi nhờ cơ quan chức năng vào cuộc, đòi lại quyền lợi từ phía Vacation Paradise. Tôi thấy việc thu mua này không đáng tin vì phải cọc số tiền rất lớn và cũng không cam kết rõ ràng thời gian hỗ trợ bán lại”, chị D.N cho biết.

khach hang so huu ky nghi cua vacation paradise nhan duoc cuoc goi la thu mua hop dong gia cao hinh 2

Nhiều khách hàng đã mua hợp đồng của Vacation Paradise tiếp tục được mời chào sang nhượng hợp đồng.

Qua chia sẻ, trong nhóm những khách hàng đang đi đòi quyền lợi của công ty Vacation Paradise cho biết hầu hết đều nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi thu mua hợp đồng với cách thức nói trên từ nhiều công ty khác nhau. Tuy nhiên do sợ mất tiền khi bị yêu cầu phải đặt cọc trước một phần giá trị hợp đồng, hầu hết những khách hàng này đều không đồng ý.

Được biết trên các diễn đàn về sở hữu kỳ nghỉ - timeshare, hình thức mua bán lại quyền sở hữu kỳ nghỉ, thẻ nghỉ dưỡng resort diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên việc mua bán này đang thực hiện theo dạng chuyển nhượng hợp đồng trực tiếp, người bán lại thường phải chịu cắt lỗ do không có nhu cầu sử dụng quyền sở hữu kỳ nghỉ. Vì vậy việc bán được quyền sở hữu kỳ nghỉ với giá cao hơn giá mua không khỏi khiến nhiều người nghi ngờ, chưa kể phải đặt cọc một số tiền hàng chục triệu đồng mà chưa biết rõ kết quả. 

Khách hàng của Vacation Paradise vẫn đang đòi quyền lợi

Như Báo Nhà báo và Công luận đã thông tin trước đó, từ năm 2020, nhiều người dân tại TP HCM và Hà Nội được mời chào tới tham gia sự kiện và mời mua hợp đồng “tuần nghỉ hạnh phúc” có tên Dragon Valley và sau đó là Vacation Paradise.

Theo như quảng cáo của tư vấn viên, khi tham gia hợp đồng này, khách hàng sẽ được cam kết nhận chiết khấu từ 9 - 14%/năm trong 2-3 năm đầu, được trải nghiệm nghỉ dưỡng 4 ngày 3 đêm trong bộ sưu tập liên kết hệ thống khách sạn 4-5 sao của công ty trong thời gian này. Sau thời gian 3 năm, nếu không hài lòng với dịch vụ, công ty cam kết thu mua lại hợp đồng bằng giá trị bên mua từ ban đầu (không bao gồm VAT và các khoản phí đã thanh toán). Quy trình mua lại được quảng cáo là sẽ chỉ trong 30 ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo bán lại của khách.

Với những lời quảng cáo có cánh như vậy, nhiều khách hàng đã đồng ý mua hợp đồng nghỉ dưỡng từ 100 – 300 triệu đồng, thời hạn lâu nhất lên tới 30 năm. Sau một thời gian nhận ưu đãi về lãi suất, đến quý I/2023, nhiều khách hàng nhận được thông báo của công ty về việc ngưng trả chiết khấu, chuyển sang sử dụng quyền nghỉ dưỡng và phải đóng phí thường niên hàng năm, đồng thời công ty này cũng đơn phương ngưng chính sách thu mua lại hợp đồng như đã cam kết. Các nhân viên tại đây cho rằng, việc thu mua lại hợp đồng chỉ là "hỗ trợ", không phải chính sách công ty.

khach hang so huu ky nghi cua vacation paradise nhan duoc cuoc goi la thu mua hop dong gia cao hinh 3

Mặc dù chưa được sở hữu kỳ nghỉ theo đúng những gì đã hứa hẹn, nhưng gần đây nhiều khách hàng vẫn nhận được yêu cầu đóng phí thường niên.

Cũng từ thời điểm đó, việc liên lạc với công ty khó khăn hơn vì gọi điện thoại không ai nhấc máy. Nhiều khách hàng cố gắng liên hệ với nhân viên tư vấn lúc trước thì được biết phần lớn đã nghỉ việc. Sau nhiều lần tìm gặp giám đốc của công ty này để đàm phán không thành công, tập thể khách hàng của Vacation Paradise đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng với mong muốn đòi được quyền lợi.

Gần đây nhất, một nhóm khách hàng tại TP HCM đã gửi đơn tới Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP HCM. Đơn này sau đó cũng được chuyển về Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP HCM để xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Được biết, Công ty Cổ phần Vacation Paradise do ông Nguyễn Thanh Bình làm người đại diện. Hiện tại trên hệ thống thông tin về thuế, công ty này đang trong tình trạng “Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”, còn trên hệ thống đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, công ty này đang trong trạng thái tạm ngừng hoạt động. Đơn vị trực thuộc là chi nhánh 1 Công ty cổ phần Vacation Paradise còn đang trong trạng thái "Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại".

Ngoài ra ông Bình còn đại diện của nhiều công ty khác như Công ty cổ phần đầu tư UBG Franchise, Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ điện tử ALEO Việt Nam… phần lớn các công ty này đều trong trạng thái “Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” hoặc “Người nộp thuế ngừng hoạt động và đã đóng mã số thuế”.  

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khách hàng sở hữu kỳ nghỉ của Vacation Paradise nhận được 'cuộc gọi lạ' thu mua hợp đồng giá cao
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO