Khai mạc Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt & may - thiết bị & nguyên phụ liệu 2022
(CLO) Ngày 23/11,Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt & may - thiết bị & nguyên phụ liệu 2022 đã được khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Dệt may luôn là ngành quan trọng không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 của cả nước mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội. Ngành dệt may Việt Nam hiện đang sử dụng 2,5 triệu lao động, xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm, thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 3.800 USD/năm.
Theo Thứ trưởng, tuy kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng của ngành thấp, chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, năng suất lao động thấp hơn các nước trong khu vực và chỉ ở mức trung bình khá.

HanoiTex diễn ra từ 23/11 đến 25/11 tại Hà Nội. (Ảnh: Xuân Quảng)
"Vì vậy thời gian tới, ngành cần phát triển theo chiều sâu, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung những công đoạn có giá trị cao như thiết kế mẫu mã sản phẩm, từng bước vươn lên bậc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt & May - Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2022 tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành dệt may trong và ngoài nước gặp gỡ, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường. Đây là triển lãm ngành dệt may với tiêu chuẩn cao và là sự kiện quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam. Sau một thời gian gián đoạn do dịch, triển lãm trở lại quy tụ nhiều doanh nghiệp uy tín có quy mô lớn từ các nước có ngành dệt may phát triển.
“Tôi cho rằng đây là cơ hội tốt giúp doanh nghiệp dệt may tiếp cận với thiết bị tiên tiến từ đó xác định định hướng đầu tư trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp tìm kiếm và thúc đẩy quan hệ thương mại với đối tác lớn trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân kỳ vọng.
Thứ trưởng cũng đồng thời khẳng định: "Bộ Công Thương luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và ngành phát triển. Tôi tin rằng với sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành và doanh nghiệp dệt may trong nước đến năm 2030 ngành sẽ đạt mục tiêu 70 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu".

Tại buổi lễ, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng thông tin: Mục tiêu phấn đấu của ngành đạt 42-43 tỷ USD năm 2022. Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn, rất khó khăn cho mục tiêu năm nay và năm 2023 nhưng với nỗ lực của ngành, cùng thông tin của các nhà cung cấp công nghệ, nguyên phụ liệu sẽ là giải pháp ngắn và dài hạn cho ngành.
Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục lắng nghe và tạo mọi điều kiện, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho ngành phát triển. Tạo thuận lợi kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt để ngành tận dụng được các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Các nhà cung cấp thiết bị công nghệ ngành đồng hành cùng doanh nghiệp đưa ra giải pháp mô hình về tự động hoá, kinh tế tuần hoàn, quản trị số, đặc biệt là mô hình phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Triển lãm thu hút hơn 160 nhà triển lãm trong nước và đến từ nhiều quốc gia.
Theo đại diện Ban tổ chức, HanoiTex diễn ra từ ngày 23/11-25/11, với quy mô diện tích gian hàng 4.000 m2, có sự tham gia của hơn 160 đơn vị triển lãm uy tín đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, gồm: Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Tại sự kiện, các doanh nghiệp tham gia triển lãm sẽ giới thiệu các thiết bị và nguyên phụ liệu với công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay cho thị trường dệt may tại Việt Nam.