(NBCL) Việc Bộ GD-ĐT để môn lịch sử thành môn học tích hợp với các môn giáo dục công dân và an ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong dư luận. Nhiều chuyên gia GD khẳng định, lịch sử phải là một môn học độc lập, không thể tích hợp.
Tích hợp thành môn mới
Sở dĩ môn lịch sử trở thành chủ đề “nóng” bởi trước áp lực của dư luận về việc Bộ GD-ĐT bỏ lịch sử là môn bắt buộc. Trước đó, Bộ GD-ĐT đã làm việc với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ban Tuyên giáo trung ương, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam… về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tập trung vào vấn đề vị trí của môn lịch sử trong hệ thống các môn học ở bậc phổ thông.
[caption id="attachment_61026" align="aligncenter" width="800"]
Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định: Lịch sử phải là một môn học độc lập, không thể tích hợp.[/caption]
Đại diện ban soạn thảo Chương trình - Sách giáo khoa mới, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng chương trình hiện nay môn học nhiều, hiệu quả thấp, môn bắt buộc nhiều, lựa chọn ít. Nhiều môn học không đưa vào không được nhưng đưa vào thì hiệu quả không cao, vì thế cần tái cấu trúc lại hệ thống môn học. Nghiên cứu cho thấy 3 môn lịch sử, giáo dục công dân, quốc phòng an ninh gần gũi với nhau và có chung mục tiêu là hiểu biết trách nhiệm của công dân với Tổ quốc, thứ nữa đây là sự nối tiếp nâng cao của các kiến thức đã học ở cấp THCS. Ông Thống cũng nhấn mạnh việc lồng ghép 3 môn học này vào một môn là hợp lý.
Tuy nhiên, các chuyên gia và giáo viên tâm huyết với môn lịch sử đã có những phản biện trước quyết định này. Một giáo viên của Trường THPT Tứ Kỳ, Hải Dương cùng các đồng nghiệp tiến hành điều tra xã hội học từng lớp học của cả 3 khối 10, 11 và 12. Kết quả trong số 1.167 học sinh được điều tra và trả lời, có 939 em không đồng ý việc môn lịch sử là “môn tự chọn”, chiếm tỉ lệ 80,4%. Giáo viên này cũng cho rằng trong nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT có cách nhìn nhận không công bằng, đánh giá không đúng vai trò và vị trí của môn lịch sử trong các môn học phổ thông. Và khi môn lịch sử chưa có cơ hội “phục hưng” thì những người soạn thảo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT đã và đang từng bước “khai tử” môn học này.
Không hợp lý!
Cũng tại hội thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể từ tầm nhìn đến hiện thực”, các chuyên gia lịch sử cho rằng việc tích hợp 3 môn thành môn Công dân với Tổ quốc là không hợp lý. Theo GS Nguyễn Quang Đạt, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Công dân với Tổ quốc nghe hay nhưng lại rất mơ hồ. GS sử học Phan Huy Lê đặt câu hỏi dựa vào lý luận nào để tích hợp 3 môn lịch sử, quốc phòng an ninh và giáo dục công dân vào một môn học? Trên thực tế, đây là 3 lĩnh vực khoa học hoàn toàn khác nhau, đối tượng khác nhau. GS Lê cho biết Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo với các nhà khoa học để đẩy vấn đề này đến tận cùng.
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Ngọc Thống tiếp tục khẳng định các môn học đã đưa vào nhà trường đều quan trọng, chỉ có điều là mức độ phù thuộc vào tính chất của từng môn. “Tất cả các văn bản không nói là lịch sử không quan trọng. Từ tiểu học đến THCS đều bắt buộc phải học lịch sử. Ở bậc THPT, bên cạnh môn Công dân với Tổ quốc, học sinh bắt buộc phải chọn 1 trong 2 môn lịch sử hoặc khoa học xã hội. Nếu xét về tổng thời lượng các môn này thì học sinh không học ít hơn so với chương trình hiện hành” - ông Thống nói. Vị này cho biết Bộ GD-ĐT sẽ xem xét những đóng góp của các chuyên gia trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
Học cho “ngấm” chứ không phải học vẹt
Tuy nhiên, đặt ở góc độ khác, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng không phải cứ thi thì học mới tốt. “Như môn Ngoại ngữ, vì phải thi nên học sinh phải học nhưng lại chỉ học kiểu thi chứ không phải học thực chất. Vì vậy dù có được điểm cao nhưng lâu nay Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của học sinh, sinh viên Việt Nam vì không dùng để giao tiếp được.
Tương tự, môn Lịch sử là kiến thức nền tảng, phải được “ngấm” chứ không phải là học vẹt. Có thể không thi nhưng cách học phải thay đổi, để học sinh thể hiện chính kiến thay vì nhớ sự kiện. Nếu không thay đổi, dù có là môn bắt buộc thi cũng không thể bắt học sinh yêu và hiểu Lịch sử” - TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.
Nói về cách triển khai môn học này trong nhà trường theo cách hợp lý hơn, TS Nguyễn Tùng Lâm gợi ý: “Với tầm quan trọng của môn Lịch sử, nên bố trí môn này theo cách học cuốn chiếu, đủ điểm thì mới được lên lớp như cách nhiều nước vẫn áp dụng. Tuy nhiên không nên trải dài cả 12 năm vì nên để học sinh tập trung vào những môn phù hợp định hướng nghề nghiệp, năng lực trong những năm cuối bậc THPT”.❏
Khánh An
PGS-TS Hà Minh Hồng - Trưởng bộ môn lịch sử Việt Nam, Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM: Trước hết, tôi khẳng định Lịch sử là môn học quan trọng, bắt buộc, không thể tích hợp hay lấy môn gì thay thế được. Tôi cho rằng nếu lịch sử chỉ được giảng dạy dưới dạng những chuyên đề, không đủ sức thành môn học hoặc theo kiểu khối tự nhiên không học sử, các môn xã hội mới học sử, là quan niệm sai lầm. Đã là người Việt Nam phải biết sử Việt Nam, phải học sử Việt Nam. Việc giảm tải khác việc tích hợp, ghép môn theo kiểu trái khoáy, giáo viên cũng không hình dung sẽ làm như thế nào. Nếu bộ cho rằng tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc, trong đó có nội dung giảng về lịch sử thì sao không thay hẳn môn này là môn Lịch sử, trong đó, các chuyên đề như đạo đức công dân, an ninh quốc phòng? Hãy để môn Lịch sử đảm nhận, chắc chắn sẽ làm được. Không phải thêm môn bắt buộc mà còn giải quyết được nhiều nội dung giáo dục liên quan, vừa cởi trói, khuyến khích sự sáng tạo cho giáo viên.
[caption id="attachment_61033" align="alignright" width="150"]
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ[/caption]
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Ở THPT mục tiêu của môn lịch sử là: Trên cơ sở những hiểu biết lịch sử cơ bản đã được học từ THCS kết hợp với đặc điểm của lịch sử Việt Nam có được nhận thức tổng quát về quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc trong mối quan hệ với lịch sử thế giới. Từ đó bồi dưỡng niềm tự hào là người Việt với tư cách là một công dân thế giới nhưng mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Để thực hiện được “Dân ta phải biết sử ta”, môn lịch sử phải là môn bắt buộc trong chương trình ở THPT, không thể là môn tự chọn.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD &ĐT: Tôi khẳng định Bộ GD-ĐT không bỏ môn lịch sử, cũng không coi nhẹ môn lịch sử khi xây dựng môn học mới. Cùng với việc cấu trúc lại hệ thống môn học, trong đó có giáo dục lịch sử, sẽ có những điều chỉnh cả về nội dung chương trình, định hướng dạy học để học sinh thật sự muốn học và học có hiệu quả hơn môn lịch sử.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chúng tôi chia sẻ với mong muốn của Bộ GD-ĐT là tìm một giải pháp tốt nhưng cung cách làm của Bộ gây ra sự không yên tâm. Đặc biệt, tích hợp mới chỉ là ý tưởng mà chưa có một thử nghiệm hay giáo trình, phương hướng cơ bản nào. Đây chỉ là dự án của một nhóm tác giả do Bộ GD-ĐT chỉ đạo, chưa từng được lấy ý kiến rộng rãi mà đã tuyên bố như công cụ để thay thế. Không phải giới lịch sử chúng tôi đề cao môn học này mà bối cảnh tình hình đất nước, láng giềng, khu vực và quốc tế như hiện nay cho thấy vấn đề chủ quyền, hội nhập là rất hệ trọng. Vì thế, hơn bao giờ hết, không thể lãng quên lịch sử, đánh mất mình. Do vậy, nếu muốn thay đổi thì cần làm hết sức cẩn trọng, không thể làm đơn giản.
Giáo sư Phan Huy Lê: thất vọng với cách thức tích hợp môn Lịch sử
Tích hợp nên thực hiện theo hướng tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên. Theo tôi, môn tích hợp “Cuộc sống quanh ta” ở lớp 1, 2, 3 và “Tìm hiểu xã hội” ở lớp 4, 5 trong cấp tiểu học là rất khoa học. Trong hai môn tích hợp này, nên chọn một số kiến thức lịch sử đơn giản, rất nhẹ nhàng, nặng về kể truyện, phù hợp với lứa tuổi của học sinh.
Còn lên cấp trung học cơ sở, môn Lịch sử tích hợp vào môn “Khoa học xã hội” rồi cấp Trung học phổ thông, tích hợp vào môn “Công dân với Tổ quốc” thì trên thực tế là xé nát môn Lịch sử và gán ghép một cách tùy tiện, gần như “xóa sổ” hay như có người nói là “khai tử” môn học này. Bộ GD-ĐT cố giải thích và làm yên lòng dân là Bộ coi trọng môn Lịch sử và không hề xóa bỏ môn học quan trọng này, hơn thế khi tích hợp vào môn bắt buộc là đưa môn Lịch sử vào hệ thống các môn bắt buộc trong toàn bộ nền giáo dục phổ thông.
Giải thích như thế chẳng thuyết phục được ai! Một ít kiến thức môn Lịch sử có được cắt nhỏ và lồng ghép vào môn học khác nhưng còn đâu môn Lịch sử với tính hệ thống và yêu cầu giáo dục kỹ năng, giáo dục năng lực và phẩm chất của môn khoa học này. Nhiều người đã phân tích những hậu quả khó lường khi lớp trẻ lớn lên trở thành công dân, tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay mà chỉ biết lờ mờ hay mù tịt về cội nguồn dân tộc, về các thành quả xây dựng và bảo vệ đất nước của tổ tiên, về các giá trị truyền thống đã tạo nên sức sống trường tồn của dân tộc.
Môn Lịch sử là một môn khoa học nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn, giữ vai trò cơ sở trong bồi dưỡng kiến thức lịch sử, văn hóa dân tộc, giáo dục phẩm chất và bản lĩnh con người. Vì vậy, hầu hết các nước trên thế giới đều coi môn Lịch sử là môn học cơ bản và bắt buộc trong suốt quá trình giáo dục phổ thông, dĩ nhiên với thiết kế khác nhau ở các cấp học và cũng có tính đa dạng giữa các quốc gia. Có thể nói một cách tổng quát rằng, có lịch sử, có văn hóa là có sự trường tồn của dân tộc, tạo nên nội lực để vượt qua mọi thách thức, mất lịch sử và văn hóa là có nguy cơ suy yếu và bại vong trước các mối đe dọa của ngoại bang.
Tôi kịch liệt phản đối việc xóa bỏ môn Lịch sử, kể cả việc cắt xén từng bộ phận và lồng ghép tùy tiện vào các môn học khác từ cấp trung học cơ sở. Tất nhiên, việc bảo vệ môn Lịch sử như môn học cơ bản và bắt buộc phải gắn liền với việc đổi mới cơ bản và toàn diện môn học này, khắc phục triệt để những yếu kém hiện nay, trước hết là đặt đúng vị thế và nêu cao tính khoa học của môn học này.❏
Lịch sử cần là môn độc lập bắt buộc
Trong dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, đến bậc THPT, một trong 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và Giáo dục công dân với Tổ quốc. Riêng môn Giáo dục công dân với Tổ quốc có tích hợp 3 môn gồm Giáo dục công dân, Giáo dục an ninh quốc phòng và Lịch sử. “Nội dung giáo dục lịch sử khác với nội dung giáo dục quốc phòng an ninh và khác với nội dung giáo dục công dân. Nếu ghép 3 môn vào như thế là khập khiễng”, GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, có cuộc trao đổi về nội dung này.
Vừa qua, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng đã làm việc với Bộ GD&ĐT về vấn đề này. Các Giáo sư, chuyên gia lịch sử đều không đồng ý với phương án này của Bộ. Cá nhân tôi cho rằng, tích hợp như thế là thiếu cơ sở khoa học, mang tính “chắp vá”, gò ép, phá nát chương trình môn lịch sử.
Nội dung giáo dục lịch sử khác với nội dung giáo dục quốc phòng an ninh và khác với nội dung giáo dục công dân. Nếu ghép 3 môn vào như thế là khập khiễng. Lịch sử là môn học về quá khứ, an ninh quốc phòng nói về hiện tại. Giáo dục công dân hay giáo dục an ninh quốc phòng có thể lấy một vài sự kiện, kiến thức lịch sử để xây dựng bài học theo mục đích của môn, do đó, nó không phải là lịch sử, không thể thay thế lịch sử. Cũng như lịch sử không thể thay thế cho môn giáo dục quốc phòng an ninh hay môn giáo dục công dân. Lịch sử là một quá trình mang tính hệ thống, 30 tiết/năm học thì không giải quyết được vấn đề gì.
Giảm nhẹ nhưng không phải bằng mọi giá, không phải tất cả. Giảm nhẹ không có nghĩa là cắt bỏ những môn liên quan đến giáo dục con người để họ dám xả thân vì đất nước. Họ không quên những tấm gương của cha ông trong bảo vệ đất nước. Như vậy, lịch sử liên quan đến vận mệnh của dân tộc. Có những môn học, có những nội dung tích hợp được nhưng có những môn không thể làm được việc đó, không thể ghép sống sượng với nhau được.❏
Hãy cứu môn lịch sử!
Có lẽ chưa bao giờ trong lĩnh vực giáo dục lịch sử lại xuất hiện một hiện tượng đặc biệt đến thế. Đó là sự vào cuộc dường như là đông đảo nhất của các thế hệ những người làm công tác giáo dục và dạy học lịch sử: từ những nhà khoa học đầu ngành, những “lão tướng” khai quốc công thần của nền sử học nước nhà đến những người mới bước vào nghề; từ các chuyên gia trong các viện nghiên cứu đến các nhà giáo dạy sử ở khắp các trường ĐH, CĐ, phổ thông; từ giáo viên đã lành nghề đến các giáo sinh còn trên ghế nhà trường; từ những người dạy sử đến những người không dạy sử; từ người bình thường đến các cựu chiến binh…Tất cả họ đều trăn trở, đều băn khoăn, lo lắng và bức xúc cho vị thế của bộ môn lịch sử trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Sự băn khoăn, đôi lúc xúc động đến rơi nước mắt, khi một lớp giáo sinh sư phạm nhắn gửi với thầy của mình: “Các thầy ơi, cố lên để cứu lấy môn sử!”.
Các lãnh đạo của Bộ GD-ĐT nhiều lần khẳng định vị trí của môn lịch sử không có gì thay đổi, môn lịch sử vẫn được tôn trọng, vẫn là bắt buộc, không ai xóa môn lịch sử khỏi chương trình. Nếu đúng như thế thì có gì phải bàn cãi, phải bức xúc nữa? Chẳng lẽ lịch sử vẫn được tôn trọng, vẫn là bắt buộc mà những người dạy sử vẫn đấu tranh, vẫn phản đối? Chẳng lẽ họ lại ấu trĩ, lại trì trệ, lại vô trách nhiệm đối với sự nghiệp đổi mới đến vậy?
Nhìn một cách tổng thể, môn lịch sử đang dần bị thủ tiêu. Nói chính xác hơn, bộ môn lịch sử, hoặc là môn tự chọn hoặc là kiến thức lịch sử, đã được tích hợp trong các môn bắt buộc khác. Nhưng xin đừng nhầm lẫn giữa kiến thức lịch sử cụ thể được sử dụng ở đâu đó, được gắn vào một môn học nào đó với hệ thống kiến thức lịch sử của một bộ môn khoa học chính thống. Nhận thức lịch sử cũng như nhận thức bất cứ khoa học nào là phải nhận thức trong hệ thống. Trong dạy học, kiến thức theo hệ thống đó đã được nhân loại đúc kết thành các bộ môn khoa học. Kiến thức lịch sử có thể được sử dụng và phục vụ cho hoạt động nhận thức của nhiều bộ môn khác nhau nhưng nếu đem những kiến thức ấy để thay thế bộ môn lịch sử hoặc tích hợp kiến thức lịch sử vào một môn bắt buộc nào đó để coi lịch sử cũng là môn bắt buộc thì thật là phi lý và phản khoa học. Đó là sự tầm thường hóa bộ môn lịch sử, là sự đánh tráo khái niệm nguy hiểm, dễ dẫn tới những hiểu lầm tai hại cho xã hội.
Dạy học lịch sử hiện nay ở trường phổ thông đang tồn tại nhiều bất cập và rất cần một sự đổi mới toàn diện, mang tính cách mạng. Nhưng đúng như các nhà khoa học đã nói, dù với bất cứ lý do nào thì việc coi nhẹ vai trò và vị trí, dẫn tới hậu quả thủ tiêu bộ môn lịch sử ở trường phổ thông (dẫu không phải là ý chủ quan của ai đó) thì sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm và sẽ để lại những hậu quả khó có thể lường hết.
PGS Kiều Thế Hưng (Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)