Khám phá ‘Tết Đoan Ngọ xưa và nay’ tại Hoàng thành Thăng Long
(CLO) Trong dịp Tết Đoan Ngọ năm 2025, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai trưng bày chủ đề “Tết Đoan Ngọ xưa và nay”.
Ngày 27/5, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu chuỗi hoạt động nhân dịp Tết Đoan Ngọ và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.
Theo truyền thống của người Việt, cứ đến mồng 5 tháng 5 âm lịch, từ chốn cung đình cho đến những miền quê, mọi người đều hân hoan đón Tết Đoan Ngọ.

Tết Đoan Ngọ từng được các vương triều tổ chức trang trọng với những nghi lễ cung đình đặc sắc. Sử sách chép rằng, dưới triều Lê Trung hưng, Tết Đoan Ngọ là dịp để nhà vua và hoàng tộc dâng lễ vật lên tổ tiên và các bậc sinh thành.
Với nghi thức thường triều, các hoàng thân cùng quan văn võ từ bậc tứ, ngũ phẩm đều được tham dự. Nhà vua ngự trên ngai rồng, các bề tôi chúc tụng rộn ràng.
Đặc biệt, nhằm đề cao tinh thần trung nghĩa và chăm lo đời sống nhân dân, nhà vua thường làm thơ đề lên quạt để khuyên răn. Vào dịp này, ngoài yến tiệc, nhà vua còn ban quạt - vật dụng thiết yếu trong tiết trời oi ả - cho các quan.
Trong dân gian, Tết Đoan Ngọ mang nhiều phong tục độc đáo như dâng cúng sản vật mùa hạ lên tổ tiên, dùng thức ăn để “diệt sâu bọ” trong cơ thể, hái thảo mộc làm trà thuốc, đeo bùa ngũ sắc, nhuộm móng tay móng chân bằng lá móng, mặc áo dấu, bôi rượu hùng hoàng cho trẻ, treo con giáp từ ngải cứu...
Trong dịp Tết Đoan Ngọ năm 2025, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai trưng bày chủ đề “Tết Đoan ngọ xưa và nay”.
Trưng bày gồm hai phần: Tết Đoan Ngọ dân gian truyền thống và Tết Đoan Ngọ trong cung đình thời Lê Trung hưng.
Tại không gian trưng bày Tết Đoan Ngọ dân gian tái hiện một số phong tục trong dịp này. Phong tục thờ cúng các vị thần linh và tổ tiên với ý nghĩa người dân dâng lên trời đất, thần linh, tổ tiên những sản vật trái cây đầu mùa với tấm lòng biết ơn và cầu mong mùa màng không bị sâu bọ phá hoại, con cháu mạnh khỏe, bình an; phong tục “giết sâu bọ”.
Không gian cung đình thời Lê Trung hưng tái hiện các nghi lễ cung đình như: lễ cúng tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt, lễ ban yến… Thông qua tranh vẽ, mô hình và hiện vật phỏng dựng, du khách sẽ được khám phá văn hóa cung đình xưa.
Để hướng di sản đến gần với cộng đồng, tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp và thực hành di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân tổ chức chương trình trình diễn, giao lưu với các chủ đề: Nghệ thuật thư pháp trên quạt; kết lá tạo hình.

Trong chương trình, các nghệ nhân sẽ chia sẻ những tri thức hay về bộ môn thư pháp và nghệ thuật kết lá tạo hình, đem hiểu biết và niềm vui đến cho du khách và các em học sinh, sinh viên.
Các hoạt động trong chuỗi hoạt động nhân dịp Tết Đoan Ngọ sẽ diễn ra vào hai ngày 31/5 và 1/6.