Khẳng định vai trò của đào tạo nghề, tạo việc làm trong giảm nghèo bền vững
(CLO) Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH cho rằng, trong Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng.
Những mô hình thực tiễn hiệu quả
Trong chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là dự án số 4, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra kỹ năng và khả năng làm việc đóng góp quan trọng vào giảm nghèo, gắn kết xã hội tốt hơn và ổn định xã hội. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động sẽ giải quyết được vòng tròn luẩn quẩn: Nghèo đói - không đi học - không có nghề nghiệp - nghèo đói và để người nghèo có cơ hội tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế cũng như hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này.
Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH cho rằng, có việc làm và có việc làm bền vững là một trong các tiêu chí cơ bản được quốc tế rất quan tâm.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: Vietnamnet)
Tại Việt Nam, trong các chương trình phát triển KT-XH, từ xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hay chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững… nội dung về đào tạo và tạo việc làm cho các đối tượng mục tiêu luôn là một trong các chỉ tiêu quan trọng. Nó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, đồng thời, cùng với nâng cao kỹ năng, năng lực cạnh tranh… sẽ góp phần vào việc giải quyết các vấn đề của các vùng, các địa phương và các đối tượng ưu tiên.
Chẳng hạn, đối với người nghèo, nếu chúng ta có chính sách tốt, hỗ trợ họ từ tư vấn hướng nghiệp, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm sẽ góp phần vào việc giảm nghèo bền vững.
Phân tích bằng những ví dụ cụ thể để khẳng định đào tạo nghề, tạo việc làm góp phần vào giảm nghèo bền vững, giảm nguy cơ tái nghèo tại các nước và Việt Nam, ông Đào Trọng Độ khẳng định: Trong các chương trình MTQG của các giai đoạn trước cũng có những nội dung liên quan đến đào tạo nghề. Trong Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn cũng xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng.
Ông chia sẻ thêm: Theo thống kê của chúng tôi, trong giai đoạn từ 2010 – 2020, thực hiện đề án này, đã có gần 20% người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề và có việc làm. Trong đó có trên 10% trong tổng số hộ nghèo khi được đào tạo nghề có việc làm, có thu nhập ổn định và giảm nghèo một cách bền vững.
Khi chúng tôi khảo sát ở các vùng nông thôn, các huyện nghèo, đã có rất nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, vừa là việc làm tại chỗ, vừa là việc làm chuyển dịch cho người lao động thành công.
Điển hình ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng… vừa đào tạo nghề vừa phát huy thế mạnh về sản xuất của địa phương gắn với các sản phẩm. Ví dụ, mô hình trồng na ở Lạng Sơn. Người nghèo ở Lạng Sơn trước đây chưa biết ứng dụng KHCN hay áp dụng kiến thức vào trong sản xuất hay tính toán…Tuy nhiên, khi được đào tạo nghề, họ biết áp dụng, cách đưa sản phẩm ra thị trường...
Hay tại Cao bằng có những vùng nguyên liệu rất tốt, nhưng trước đây người nông dân chủ yếu sản xuất, canh tác theo hướng truyền thống. Khi đưa đào tạo nghề vào, chúng tôi đã phải làm rất lâu, từ thay đổi nhận thức, cách làm, rồi phải xây dựng mô hình, vận động cán bộ, người có uy tín ở cộng đồng làm trước, sau đó cộng đồng thấy hiệu quả mới làm theo. Sau 2 – 3 năm xây dựng những mô hình, dần dần người dân địa phương bắt đầu nhận ra hiệu quả trong việc thay đổi cách thức sản xuất.
Hay việc đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng giúp người lao động ở các huyện nghèo để đi làm việc ở nước ngoài cũng cho hiệu quả rất tốt, tạo ra sức bật để người lao động khi trở về có vốn, có kiến thức, thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh. Nó không chỉ tác động với hộ gia đình đó, mà sẽ có tác động lan tỏa đến cả một cộng đồng.
"Chúng tôi cũng cùng tổ chức ILO xây dựng một số mô hình, ví dụ như mô hình gắn với du lịch cộng đồng ở các tỉnh miền Trung đã tạo ra hiệu quả rất lớn. Trước đây nhiều thanh niên ở đó đi ra các tỉnh, thành phố làm việc. Nhưng khi được đào tạo, hỗ trợ trong việc làm, hỗ trợ cả về khôi phục lại các điểm du lịch… những thanh niên đi ra ngoài không có việc làm đã quay về học nghề và làm việc ngay tại địa phương, tạo ra giá trị ngay trên chính mảnh đất quê hương" - Ông Đào Trọng Độ cho hay.
Nỗ lực của toàn ngành

Hướng dẫn người dân bản Tà Han, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, trồng ngô năng suất cao. Ảnh: Trần Hải
Những năm qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu với Chính phủ để ban hành các chính sách, chương trình để xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mang tính chất mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập. Tức là tạo điều kiện cho tất cả mọi người dân, người lao động khi xuất hiện nhu cầu cần đào tạo sẽ phải có chỗ, có chương trình đào tạo phù hợp với mình.
Ông Đào Trọng Độ chia sẻ: Chúng tôi cũng tham mưu để sửa đổi các hệ thống văn bản luật, chính sách, chương trình có liên quan, để GDNN là nội dung quan trọng được đưa vào các chương trình, đề án… phát triển KT-XH của các ngành, các lĩnh vực...
Các cơ sở GDNN cũng nỗ lực hết sức trong việc nâng cao năng lực và khả năng đào tạo của mình. Toàn bộ hệ thống GDNN hàng năm tuyển sinh, đào tạo cho từ 2,2 - 2,5 triệu lượt người. Đây là một yếu tố quan trọng trong vấn đề tạo việc làm cũng như việc từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉ lệ lao động qua đào tạo.
Hiện nay, ở Việt Nam, tỉ lệ lao động qua đào tạo nói chung thì cao, chiếm khoảng gần 70% nhưng số lao động qua đào tạo mà có bằng cấp, chứng chỉ còn khiêm tốn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Vì vậy, hệ thống GDNN không chỉ đào tạo ban đầu, không chỉ cho học sinh tốt nghiệp các cấp, mà cũng phải tập trung đào tạo lực lượng chất lượng cao.
Bên cạnh đó, còn lực lượng lao động rất lớn đang làm việc trong thị trường lao động, nếu không có chương trình đào tạo phù hợp sẽ khó nâng cao chất lượng vì họ còn phải đi làm.
"Cái chúng tôi hướng tới là tạo ra hệ thống GDNN mở, đồng thời từng bước tiếp cận với trình độ khu vực và thế giới. Trong các kỳ thi kỹ năng nghề của khu vực chúng ta luôn ở thứ hạng cao. Còn ở cấp độ thế giới, trước đây chúng ta mới chỉ đạt được chứng chỉ nghề hoặc huy chương đồng. Năm 2022 chúng ta có hai sinh viên đạt huy chương bạc, điều này cho thấy chất lượng đào tạo và kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam từng bước được nâng lên" - Ông Độ khẳng định.
Những kết quả đó từng bước tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của người dân, của xã hội về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Đó là thành tựu mà hệ thống GDNN đã tạo ra trong những năm qua. Quá trình hội nhập, tác động của chuyển đổi số, của công nghệ, của thay đổi cơ cấu sản xuất… sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng những thành tựu bước đầu sẽ là nền tảng quan trọng để hướng tới kết quả và thành công lớn hơn trong thời gian tới...
Tối ưu hóa sự phát triển thị trường lao động
Ông Đào Trọng Độ cũng cho rằng, thời gian tới chúng ta vẫn nên nghiên cứu để rà soát, hoàn thiện, bổ sung làm sao tối ưu hóa sự phát triển thị trường lao động, đặc biệt là cho các đối tượng yếu thế, như người ở vùng đồng bào DTTS&MN, người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân lao động.
Hiện nay Việt Nam đã có hệ thống chính sách tương đối đồng bộ, bao trùm các lĩnh vực, nhưng cần thực hiện một cách thực chất, để tạo ra sự chuyển biến. Từ chính sách cho đến thực tiễn phải có sự đồng bộ. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII coi đào tạo nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Muốn vậy, cần có sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đến mỗi người dân.
Những năm gần đây, với tác động của đại dịch, chuyển đổi số, số hóa… thực tiễn đã thay đổi rất nhiều, do đó một số chính sách sẽ lạc hậu và không còn phù hợp. Ví dụ hiện chúng ta đang phải trình sửa đổi Luật việc làm vì có nhiều quy định của 10 năm trước đến nay đã không còn phù hợp nữa, trong đó cần có những quy định rất cụ thể về đào tạo, về các chính sách, về hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt lực lượng đang làm việc trong nền kinh tế.
Tiếp theo là cần có chính sách mạnh hơn cho người lao động. Chúng ta vẫn nói đến việc học tập suốt đời, quá trình tự học, tự phát triển, thích ứng nhưng lại chưa có hỗ trợ thỏa đáng cho người lao động không làm việc trong các DN. Nếu có thể, chúng ta cần có chính sách tín dụng cụ thể cho người lao động. Ví dụ ở Singapore mỗi người sẽ có một cái thẻ phát triển kỹ năng. Nếu người lao động có nhu cầu đào tạo, họ sẽ chủ động đến các cơ sở để học, nâng cao trình độ.
"Việt Nam đã có những chiến lược phát triển, ngành nghề ưu tiên phát triển, chúng ta cần có chính sách mạnh hơn trong vấn đề đào tạo nhân lực cho lĩnh vực đó" - ông Độ nhấn mạnh. Ông cũng ví dụ, trước đây giáo viên thiếu, các trường sư phạm được miễn học phí. Tương tự như vậy, với đào tạo nghề, những lĩnh vực thiếu, những lĩnh vực cần cho phát triển kinh tế cũng cần có chính sách khuyến khích, chẳng hạn ưu tiên miễn học phí...
Cần có quy định về những ngành nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo, để khuyến khích DN, khuyến khích người dân phải đào tạo.
Ngoài ra, cần có chính sách để tăng cường trách nhiệm xã hội của DN đặc biệt là các DN lớn không phải chỉ tuyển dụng nữa mà phải có trách nhiệm tham gia quá trình đào tạo. Phải có cơ chế mang tính pháp lý cụ thể để vừa khuyến khích họ vừa quy định được trách nhiệm của họ khi tham gia...
An Vinh