Khát vọng xanh miền biên viễn

Thứ năm, 22/11/2018 07:16 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển xanh nhất - đó không chỉ là mong muốn của người đứng đầu Chính phủ mà còn là khát vọng cháy bỏng của mảnh đất miền biên viễn này. Tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường… là cách Cao Bằng đang nỗ lực biến khát vọng ấy trở thành hiện thực.

Những tiềm năng… “nông nghiệp xanh”

Không khó để lý giải vì sao một tỉnh miền núi xa xôi, còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như Cao Bằng lại tự tin đến thế khi đặt ra cho mình mục tiêu: nền kinh tế xanh, với nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ… là mũi nhọn đột phá. Đó là bởi Cao Bằng có khoảng 140.942ha đất có khả năng phát triển nông nghiệp, chiếm 21% diện tích tự nhiên. Cao Bằng có độ cao 500-1.000m so với mực nước biển, khí hậu ôn đới, 4 mùa rõ rệt, có bình nguyên, thung lũng bằng phẳng xen đồi, núi tạo thành nhiều tiểu vùng khí hậu thiên về ôn đới. Đặc biệt, đất canh tác còn tốt bởi nguồn nước chưa bị ô nhiễm, môi trường trong sạch; đất cơ bản chưa bị nhiễm các chất hóa học và bạc màu từ phân bón vô cơ, sức ép luân canh tăng nhiều vụ/năm trong sản xuất (SX). Nông dân vẫn duy trì truyền thống cải tạo đất màu từ phân chuồng, phân xanh và xen canh trồng các loại đậu, đỗ, lạc, thuốc lá... tạo độ màu cho đất. Đây là lợi thế quan trọng để Cao Bằng sản xuất thực phẩm an toàn, chất lượng cao theo xu hướng hữu cơ (không sử dụng hóa chất từ nuôi trồng đến chế biến sản phẩm).

Tuy nhiên, lợi thế đó mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để có thể tạo bệ đỡ cho một nền nông nghiệp phát triển xanh. Nhận thức rõ điều đó, từ rất sớm Sở NN&PTNT  Cao Bằng đã xây dựng Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tham mưu Tỉnh ủy xây dựng Chương trình số 08-CTr/TU về Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, trong đó chủ trương tạo điều kiện “liên kết bốn nhà” để các nhà khoa học, các thành phần kinh tế nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, xanh, sạch, bền vững và thân thiện với môi trường.

Báo Công luận
Tìm hiểu mô hình lúa nếp Pì Pất ở Đức Long (Hòa An). 
Tạo mũi nhọn đột phá bằng các sản phẩm nông sản có thương hiệu

Tập trung cho sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng cao nhưng với tiềm lực hiện có, Cao Bằng không đầu tư dàn trải mà chủ trương tạo mũi nhọn đột phá, giảm dần diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp, tăng dần diện tích các loại cây có giá trị kinh tế, ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm đã có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. 

Từ chủ trương đó, những năm qua, tỉnh đã lựa chọn các cây trồng ưu thế, tiềm năng để phát triển như: Gạo Pì Pất (Hòa An), gạo nếp Ong (Trùng Khánh), gạo Japonica (Hòa An, Quảng Uyên); miến dong (Nguyên Bình); thạch đen (Thạch An); rau an toàn (Hòa An, Thành phố); lê vàng (Thạch An); quýt (Trà Lĩnh); thanh long (Nguyên Bình), mận máu (Bảo Lạc), hồng không hạt, thuốc lá, chè đắng, giảo cổ lam…

Cao Bằng đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các đặc sản dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể. Tăng cường tư vấn, hỗ trợ các đơn vị, tổ chức và cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của ngành nông nghiệp như: hạt dẻ Trùng Khánh, quýt Trà Lĩnh, miến dong hương rừng Phia Oắc, miến dong Nguyên Bình, chiếu trúc Cao Bằng, lạp sườn Tâm Hòa…, góp phần xây dựng thương hiệu, mở đường cho các sản phẩm nông sản Cao Bằng thâm nhập và mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh.

Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2018, Cao Bằng đã cấp chủ trương đầu tư cho 7 dự án trồng trọt, trong đó Dự án xây dựng vùng nguyên liệu phát triển nông thôn miền núi với cây lê, cây dược liệu và cây ăn quả khác tại huyện Thạch An, đã trồng 15ha cây lê vàng; Dự án trồng cây chè Ô long chất lượng cao tại Hòa An, trồng được trên 10ha chè; các dự án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, dự án xây dựng vườn ươm bảo tồn các loại cây dược liệu và nghiên cứu thực hiện mô hình nông nghiệp đang trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh việc quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn để gia tăng sản lượng, các địa phương tập trung đẩy mạnh các giải pháp về giống, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Các giống thuốc lá, mía chất lượng cao được đưa vào sản xuất; các giống lúa nếp đặc sản, cây ăn quả (lê vàng, quýt)... được phục tráng; các giống lúa chất lượng cao (Japonica) được tiến hành trồng thử nghiệm tại nhiều địa phương.

Từ năm 2017 đến nay, một số địa phương của tỉnh, như: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa... đã triển khai trồng thử nghiệm khoảng 61,5ha cây chanh leo, đã cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên với chất lượng tốt, được thị trường đánh giá cao. Các mô hình như liên kết doanh nghiệp và nông dân trồng gừng hữu cơ tại huyện Hà Quảng; trồng nghệ hữu cơ tại 2 huyện: Thông Nông, Nguyên Bình; trồng rau an toàn tại 2 huyện Thạch An, Hòa An mang lại thu nhập khá cho người dân. Công ty TNHH Kolia là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư vào vùng sản xuất nguyên liệu chè sạch tại khu vực Phia Oắc, Phia Đén, huyện Nguyên Bình, sản xuất trung bình khoảng 1 tấn chè khô mỗi ngày... Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong năm 2017 của tỉnh đạt 3.811 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 2,6% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất trên 1 đơn vị ha đạt 37 triệu đồng/ha. 

Báo Công luận
Quýt Trà Lĩnh - đặc sản nông sản Cao Bằng .  
Tiếp lửa cho khát vọng

Để nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản, chất lượng thôi chưa đủ. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, Cao Bằng đã xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh bằng việc thiết lập chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu cho các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Khẩu sli Nà Giàng (Hà Quảng), thịt bò Mông Cao Bằng, quýt Trà Lĩnh, miến dong Nguyên Bình và hạt dẻ Trùng Khánh. Song song với đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp đang sản xuất nông sản tạo ra quy trình sản xuất - kinh doanh khép kín từ cung cấp cây giống, phân bón đến việc bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng đã tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản là thế mạnh của tỉnh vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng; quản lý và sử dụng hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đã được công nhận.

Tuy nhiên, từ thực tế thị trường, vẫn không thể phủ nhận rằng thực tế đáng buồn là nông sản đặc sản Cao Bằng không thiếu, chất lượng không kém cạnh, nhưng sức cạnh tranh trên thị trường vẫn còn rất hạn chế, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch còn ít, quy mô nhỏ, đầu ra cho sản phẩm chủ yếu là do người dân tự kết nối với thị trường hoặc với đầu mối tiêu thụ; giá cả các sản phẩm còn phụ thuộc vào thương lái nên chưa ổn định, bấp bênh…

Khát vọng về một nền nông nghiệp xanh, phát triển chất lượng và bền vững đã, đang là ngọn lửa hừng hực cháy trong trái tim những người nông dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học Cao Bằng. Nhưng để tiếp lửa cho khát vọng ấy, cần lắm sự tiếp sức bằng cơ chế, chính sách từ các cấp chính quyền, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng có liên quan, cần lắm những cái bắt tay chặt hơn nữa, nồng ấm hơn nữa giữa nông dân - doanh nghiệp và nhà khoa học tỉnh Cao Bằng…

Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của Cao Bằng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ nâng cao giá trị và sự đóng góp của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 4%/năm; tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế là 19,5%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 25 triệu đồng (tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015). Để chương trình đạt hiệu quả cao, tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác, thu hút các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện vay vốn, liên kết, liên doanh trong sản xuất gắn với thị trường. Đồng thời kêu gọi đầu tư cho công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; Thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông, lâm nghiệp.

Thành Vinh – Đắc Nguyên – Trần Quốc

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương