Khi các trường cố “vơ bèo vạt tép”

Thứ năm, 29/03/2018 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018, một số trường đại học đã thông báo xét tuyển những tổ hợp hết sức mới lạ, khiến nhiều chuyên gia tuyển sinh, nhà quản lý nhiều trường đại học và doanh nghiệp sử dụng lao động đều hết sức ngỡ ngàng bởi những môn xét tuyển chẳng liên quan gì đến lĩnh vực chuyên môn đào tạo sau này. Điều này khiến người học và xã hội không khỏi đặt câu hỏi, với các tổ hợp môn xét tuyển như vậy, mục đích để đào tạo có hay không hay chỉ là lôi kéo người học.

Các chuyên gia cho rằng việc các trường tuyển sinh bằng những tổ hợp không liên quan ngành học sẽ gây ra thiệt hại lâu dài về nhân lực.

Tuyển sinh bất chấp?

Theo thông báo trên các website của những trường đại học xét tuyển bằng tổ hợp môn thi THPT quốc gia năm nay có thể thấy một điều chưa từng có trước nay là các ngành học kỹ thuật như chế tạo máy, công nghệ thông tin, xây dựng… hoàn toàn mang yếu tố tự nhiên nhưng lại xét tuyển tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân, đều ngược với trước đây.

Hay như ngành kiến trúc, thiết kế nội thất đều là những ngành học có tính chuyên biệt cao nhưng lại tuyển tổ hợp Toán - Lý - Hóa và Toán - Văn - Anh; đáng ra những khối ngành liên quan đến mỹ thuật này luôn đòi hỏi xét tuyển sinh từ năng khiếu về hội họa. Rồi lại có trường xét tuyển tổ hợp Văn, Sử, Địa cho ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng.

Tất nhiên, các trường đều có những lý giải riêng là xét tuyển các tổ hợp môn thi mới bên cạnh tổ hợp truyền thống.

Nhưng vấn đề dư luận xã hội và chính người học đặt câu hỏi là nếu không xét tuyển từ những môn thi liên quan đến đặc thù đào tạo sau này thì liệu chất lượng đào tạo có được đảm bảo hay không khi mà đáng ra sinh viên học công nghệ thông tin, chế tạo máy phải giỏi các môn tự nhiên thì nay lại là Văn - Sử - Địa.

Hay những nhà thiết kế thời trang, kiến trúc đô thị lại… mù mờ không có hiểu biết, cảm nhận cái đẹp từ hội họa. Không thể lý giải tư duy sáng tạo, cộng với tư duy logic ở những lĩnh vực khác nhau lại chi phối cho nhau được.

Báo Công luận
 

PGS. TS Lê Văn Thanh – chuyên gia tuyển sinh với kinh nghiệm nhiều năm cho rằng: Có những trường xét tuyển thí sinh học các ngành khoa học xã hội vào học các ngành khoa học tự nhiên, hoặc ngược lại là điều khác thường, xưa nay chưa từng thấy.

Việc xét tuyển với những tổ hợp chưa từng có này chỉ khiến người học vất vả hơn, vì các em không có được cái gốc cơ bản của các môn học liên quan. Tôi thật khó hình dung ngành kế toán, kiểm toán tuyển bằng tổ hợp Văn - Sử - Địa, với lý giải rằng để các em viết tốt.

Vậy thì ngành sinh học không xét tuyển môn Sinh học trong tổ hợp xét tuyển thì lấy gì làm kiến thức nền tảng để người học phát triển chuyên môn sâu sau này.

Cả trường và thí sinh đều thiệt

Sự mở rộng xét tuyển quá đà này đang khiến nhiều người làm công tác giáo dục lo lắng. Họ sợ rằng khi đậu đại học bằng tổ hợp tréo ngoe như thế, rất khó để sinh viên học tốt và hoàn thành được chuẩn đầu ra. Việc lạm dụng tuyển sinh như vậy nếu không được kiểm soát cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các trường.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo, Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. HCM cho rằng, đây là kiểu tuyển sinh “vơ bèo vạt tép” tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Nếu cứ tiếp diễn tràn lan, không chỉ thí sinh chịu thiệt khi mắc bẫy mà bản thân các trường cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều.

Dư luận sẽ đặt câu hỏi tại sao trường đó lại làm việc “khác người” đến vậy và chất lượng đào tạo “lệch pha” như thế liệu có đáng được tin cậy hay không: “Theo tôi đánh giá thì đây là một hình thức lôi kéo thí sinh đến học tại trường bằng mọi giá bất chấp hậu quả có thể xảy ra. Một khi sinh viên không được học những môn liên quan nhiều đến các kiến thức của bản thân, các em sẽ rất dễ chán học. Đồng thời, khi không theo được kiến thức nền, rất có thể sinh viên ấy sẽ không ra trường được”.

Đồng quan điểm, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, việc xuất hiện các tổ hợp xét tuyển mới một cách ồ ạt sẽ khiến thí sinh và phụ huynh cảm thấy rối rắm hơn.

Từ trước đến nay, các trường vẫn làm tốt công tác tuyển sinh với các tổ hợp truyền thống thì tại sao phải thay đổi một cách tréo ngoe như vậy: “Liên quan đến việc quy định tổ hợp xét tuyển thì theo tôi, các trường phải có sự lựa chọn trước khi đưa ra cho thí sinh và phải tư vấn cho các em. Các trường đi tư vấn tuyển sinh lâu nay vẫn theo các tổ hợp xét tuyển truyền thống. Còn bây giờ trường nào đưa ra tổ hợp lạ để xét tuyển sẽ không tạo được hiệu ứng tốt cho thí sinh cũng như phụ huynh.”.

Đứng ở góc độ của người làm công tác tuyển sinh lâu năm, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cho rằng việc nhiều trường đại học xét tuyển bằng tổ hợp lạ là rất đáng lo. Vì nếu các trường thu hút thí sinh bằng mọi cách thì khi trúng tuyển vào, liệu với vốn kiến thức trái ngành như vậy các em có đủ năng lực để học đến cùng và đảm bảo được các yêu cầu khắt khe theo chuẩn đầu ra hay không. Làm vậy là đẩy người học và cả người dạy vào thế khó.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn lý giải: “Điều đáng quan ngại ở chỗ là sau khi vào học thì các em sẽ khó theo kịp chương trình đào tạo của các trường. Khi đó, các em khó có thể hoàn thành chương trình học một cách tốt nhất. Về phía các trường, có thể họ sẽ có những cách tiếp cận với chương trình đào tạo mới. Tuy nhiên, sẽ rất khó để các giảng viên thực hiện công tác đào tạo ứng với nhiều kiểu tư duy của sinh viên trong cùng một lớp”.

Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Như vậy, về luật, các trường không sai khi sử dụng tổ hợp khối C để tuyển vào ngành kỹ thuật, kinh tế hay khối A vào Văn học.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT thì quy chế tuyển sinh có nêu rõ các bài thi, môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo.

Với những tổ hợp tuyển sinh quá bất thường, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường đại học phải giải trình.

Nếu không có căn cứ thuyết phục, những trường này sẽ bị thanh tra về điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp...

Khánh An

Tin khác

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn