Khí đốt Nga khó có thể trở lại châu Âu trong tương lai gần

08/03/2025 10:32

(CLO) OPEC+ sẽ nới lỏng cắt giảm 2,2 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 4, trong khi khí đốt Nga vẫn khó trở lại châu Âu.

Tám quốc gia thuộc OPEC+ từng cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện trong năm 2023 vừa xác nhận sẽ thực hiện kế hoạch dần nới lỏng các biện pháp hạn chế này.

khi dot nga kho co the tro lai chau au trong tuong lai gan hinh 1

Hình minh họa đường ống dẫn khí đốt. Ảnh: Oil Price

Theo tuyên bố đăng trên trang web của OPEC hôm thứ Hai, Saudi Arabia, Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Iraq, Kuwait, Kazakhstan, Oman và Algeria sẽ bắt đầu điều chỉnh việc cắt giảm 2,2 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 4 tới.

Tuy nhiên, tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng kế hoạch này có thể bị tạm dừng hoặc đảo ngược tùy thuộc vào diễn biến thị trường, qua đó xoa dịu lo ngại của giới giao dịch trước viễn cảnh nguồn cung tăng đột biến.

Tuyên bố của OPEC+ cũng cho biết những quốc gia sản xuất vượt mục tiêu trong năm 2024 sẽ ưu tiên bù đắp sản lượng dư thừa. Theo Standard Chartered, mức tăng mục tiêu sản xuất trong tháng 4 chỉ đạt 135.000 thùng/ngày, thậm chí có thể thấp hơn nếu các nước đẩy nhanh tiến độ bù đắp phần sản lượng đã vượt quá trong quá khứ.

Các chuyên gia phân tích nhận định, cân bằng cung - cầu hiện tại cho thấy động thái nới lỏng này khó có thể tạo ra lượng dư thừa đáng kể, với mức dư cung nhẹ được dự báo cho quý IV năm 2025 và quý IV năm 2026.

Trong khi đó, nhu cầu tăng mạnh cùng với đà chững lại của nguồn cung dầu từ Mỹ sẽ tạo điều kiện để các đợt cắt giảm dần được gỡ bỏ. Năm 2024, tăng trưởng nguồn cung dầu của Mỹ đã chậm lại đáng kể, với sản lượng trung bình đạt 13,208 triệu thùng/ngày, chỉ tăng 274.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 942.000 thùng/ngày trong năm 2023.

Standard Chartered dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tiếp tục giảm tốc, chỉ tăng 231.000 thùng/ngày trong năm 2025 và 66.000 thùng/ngày trong năm 2026.

Bên cạnh đó, vấn đề Nga có thể xuất khẩu thêm khí đốt sang châu Âu cũng được bàn luận sôi nổi tại Tuần lễ Năng lượng Quốc tế (IE Week) ở London. Từ cuối năm 2021 đến nay, lượng khí đốt Nga xuất sang châu Âu đã giảm mạnh, từ khoảng 450 triệu m³/ngày xuống còn 150 triệu m³/ngày.

Tờ Financial Times tiết lộ rằng một cựu lãnh đạo công ty mẹ của dự án Nord Stream 2 đã đề xuất kế hoạch khởi động lại tuyến đường ống này. Theo đó, các doanh nghiệp Mỹ sẽ mua lại đường ống và đóng vai trò trung gian giữa Nga và người tiêu dùng châu Âu nhằm tăng độ tin cậy của nguồn cung.

Tuy nhiên, Standard Chartered cho rằng kế hoạch này sẽ cần được phê duyệt từ nhiều quốc gia và sự tham gia của các công ty Mỹ không đồng nghĩa với việc nguồn cung từ Nga trở nên ổn định hơn.

Một đề xuất khác là tái khởi động dòng khí đốt Nga để phục vụ phát điện, với điều kiện châu Âu có đủ nguồn điện than để bù đắp nếu nguồn cung bị gián đoạn.

Tờ Standard Chartered cũng bác bỏ khả năng này, cho rằng điều đó sẽ tạo cơ hội để Nga tác động đến giá khí đốt châu Âu, tương tự những gì đã diễn ra trước cuộc xung đột tại miền đông Ukraine.

Trong bối cảnh hiện nay, việc gia tăng sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp có lịch sử sử dụng năng lượng làm công cụ gây sức ép chính trị sẽ là quyết định không khôn ngoan.

Hiện tại, tình hình dự trữ khí đốt tại châu Âu đang có dấu hiệu tích cực nhờ thời tiết ấm áp hơn trong tuần qua tại các khu vực tiêu thụ chính. Dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe (GIE) cho thấy, tính đến ngày 2/3, lượng khí đốt dự trữ của EU đạt 44,58 tỷ m³, giảm 28,13 tỷ m³ so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 12,29 tỷ m³ so với mức trung bình 5 năm.

Tuy mức tiêu thụ trong tuần trước chỉ đạt 3,11 tỷ m³ - thấp hơn nhiều so với mức 7,7 tỷ m³ hồi giữa tháng 1 và 5,4 tỷ m³ hồi giữa tháng 2, nhưng mức này vẫn cao hơn 23% so với mức trung bình 5 năm trong cùng khoảng thời gian. Nếu tốc độ này duy trì, dự trữ khí đốt của châu Âu vào cuối tháng 3 sẽ dao động từ 38,5 - 39,7 tỷ m³.

Trên thị trường, giá khí đốt kỳ hạn tại châu Âu đã giảm xuống dưới 41 euro/MWh, mức thấp nhất trong ba tháng qua, nhờ dự báo thời tiết ấm lên khiến nhu cầu sưởi ấm suy giảm. Dù vậy, thị trường vẫn thận trọng do căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Ukraine. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết lạnh hơn vào đầu tuần tới cũng làm gia tăng khả năng giá có thể biến động.

Tháng trước, châu Âu đã tiếp nhận phần lớn nguồn khí hóa lỏng (LNG) xuất khẩu từ Mỹ, nhờ nhu cầu cao do thời tiết lạnh, sản lượng điện gió suy giảm và nguồn cung khí đốt Nga ở mức thấp. Nếu đợt lạnh kéo dài sang cuối tháng 3, nhu cầu và giá khí đốt tại khu vực có thể tăng trở lại.

Thị trường châu Âu cũng đối mặt với những biến động lớn do chính sách thuế mới của Mỹ đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, cũng như những lo ngại về khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine nếu ông tái đắc cử.

Dũng Phan (Theo Oil Price)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khí đốt Nga khó có thể trở lại châu Âu trong tương lai gần
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO