Khi nhà văn được “cởi trói”!

14/04/2016 10:43

Nhìn lại 30 năm văn học đổi mới là tọa đàm do Báo Văn nghệ tổ chức ngày 8/4 vừa qua tại Hà Nội, thu hút đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình có tên tuổi trong nước tham dự. Tại cuộc tọa đàm, các diễn giả đã đưa ra nhiều suy ngẫm, nghiên cứu về một giai đoạn văn học có những đặc thù riêng - văn học thời kỳ đổi mới- cùng sự hy vọng vào sự phát triển của văn học nước nhà trong tương lai.

(NBCL) Nhìn lại 30 năm văn học đổi mới là tọa đàm do Báo Văn nghệ tổ chức ngày 8/4 vừa qua tại Hà Nội, thu hút đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình có tên tuổi trong nước tham dự. Tại cuộc tọa đàm, các diễn giả đã đưa ra nhiều suy ngẫm, nghiên cứu về một giai đoạn văn học có những đặc thù riêng - văn học thời kỳ đổi mới- cùng sự hy vọng vào sự phát triển của văn học nước nhà trong tương lai.

[caption id="attachment_92712" align="aligncenter" width="640"]Tọa đàm Tọa đàm "Nhìn lại 30 năm văn học thời kỳ đổi mới"[/caption]

Chủ động hơn với ngòi bút của mình

Phát biểu tại Tọa đàm, nhà văn Khuất Quang Thụy, TBT Báo Văn Nghệ nhận định: “Cuối năm 1987, tại Hà Nội, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có cuộc gặp mặt lịch sử với gần 100 đại biểu văn nghệ sĩ. Tại buổi gặp mặt Tổng Bí thư đã kêu gọi văn nghệ sĩ bằng tài năng và nhiệt huyết của mình hãy đồng hành cùng với Đảng, với dân tộc trong sự nghiệp đổi mới. Để khích lệ sự sáng tạo và giải tỏa mọi băn khoăn, ám ảnh văn nghệ sĩ bấy lâu nay, Tổng Bí thư đã đưa ra khái niệm “cởi trói”, hàm ý rằng từ nay, văn nghệ sĩ thực sự được tự do trong lao động sáng tạo.

Nhưng để được tự do, trước hết văn nghệ sĩ phải tự “cởi trói” cho mình, tự cứu mình trước...” Nhà văn Khuất Quang Thụy nói thêm: "Thực ra, không phải chỉ tới khi Đảng kêu gọi đổi mới và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hô hào “cởi trói”, các nhà văn nghệ Việt Nam, bao gồm cả giới nghiên cứu lý luận văn nghệ mới thay đổi mà trước đó hàng chục năm, nhất là đầu năm 1980, trên diễn đàn và cả trong lao động sáng tạo, không ít văn nghệ sĩ dũng cảm đã mạnh dạn tự cứu mình.

Nhiều sáng tác và cả những tư tưởng của họ thể hiện trên các diễn đàn công khai, đã vượt ra ngoài cái được xem là “khuôn khổ” của những tháng năm ấy. Có thể coi những sáng tác quan điểm đó là những làn gió khởi động cho tinh thần đổi mới trong giới văn học nghệ thuật. Đó cũng là những điều mà chúng ta có thể tự hào khi đã thực hiện được một phần thiên chức dự báo, đi trước mở đường của văn học nghệ thuật đổi mới với thời đại”. Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng cho rằng nếu trước đây người viết bị lệ thuộc, trói buộc bởi lý thuyết điển hình hóa thì trong giai đoạn đổi mới, nhà văn đã tự do, chủ động hơn với ngòi bút của mình. Đây cũng là thời điểm xuất hiện hàng loạt truyện ngắn, bút ký đánh đấu giai đoạn đầu đổi mới, tiền đổi mới.

Những gợi ý đổi mới văn học

Bên cạnh việc nhìn nhận đánh giá về thành tựu, hạn chế 30 năm qua của văn học Việt Nam, một phần khá quan trọng của cuộc Tọa đàm là những gợi ý để đổi mới văn học. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng: “Đổi mới văn học ngoài các trường hợp cụ thể, cần được hiểu theo cả sự rộng rãi trong những cởi mở về tư tưởng, quan điểm. Trong đó, các nhà văn đã vượt qua khỏi những tường rào hẹp để sáng tác bằng những đề tài mới, hướng về đời sống, về cá nhân con người, và có thêm những góc nhìn khác của thời kỳ sau chiến tranh”. Nhưng làm thế nào để đổi mới văn học trong các nhà văn đang miệt mài sáng tác hiện nay?

Theo nhà văn Văn Chinh: “Để có đổi mới trong sáng tác, cần phải có hành trang lý luận mới. Đây là điều mà các nhà lý luận phê bình rất cần lưu tâm đánh giá, tổng kết. Trong đó, không loại trừ cả yếu tố nội tại của người sáng tác, bởi nhà văn vốn rất mẫn cảm, anh ta tự đề ra hệ thống lý luận đổi mới cho mình”. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Chí đã dẫn ý của PGS.TS Lưu Khánh Thơ với sự tách bạch, rằng văn học đổi mới là một khối trong tiến trình văn học, chứ không phải là lan tràn đến tất cả những người sáng tác.

Như vậy cũng đồng nghĩa với việc không phải ai cũng đổi mới trong văn học của mình... Một phần khá được chú ý là đổi mới phải nói về thế hệ sinh sau năm 1975 và để họ tự nói về mình chưa nói nhiều được ở hội thảo này, thì có thể sẽ được gợi mở cho nhiều buổi hội thảo sâu hơn về đề tài này sẽ được tổ chức trong chuỗi hoạt động tiếp theo sẽ diễn ra trong năm 2016.

DẠ MIÊN

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khi nhà văn được “cởi trói”!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO