Khí phách thời đại 70 năm trước và lời hiệu triệu cho hôm nay

Thứ năm, 11/04/2019 11:31 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sự kiện Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có một ý nghĩa đặc biệt với giới báo chí nước nhà.

Đây là mốc son khắc ghi một sự kiện lịch sử gắn liền với một lớp nhà báo tiên phong trên mặt trận báo chí làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của báo chí cách mạng Việt Nam. Nhìn lại để thấy, những giá trị của lịch sử luôn còn mãi để tiếp lửa, là động lực để thế hệ hôm nay tiếp bước trên hành trình mới xây đắp, tự hào.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đại diện Hội Nhà báo Việt Nam đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Lễ Kỷ niệm.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đại diện Hội Nhà báo Việt Nam đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Lễ Kỷ niệm.

Tất cả để chiến thắng!

Lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chính là viên gạch đầu tiên của Tổng bộ Việt Minh xây nền đắp móng cho báo chí Việt Nam, mở kỷ nguyên mới cho lịch sử báo chí Việt Nam. Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử để càng lớn mạnh và trưởng thành. Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng mở ra trong 3 tháng cũng là một trang lịch sử không thể nào quên đối với báo chí Việt Nam. Nhìn tấm Bia Di tích Lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, của lịch sử báo chí cách mạng, tôi lại nghĩ về bức thư đề ngày 09/6/1949 của Bác Hồ gửi cho các học viên lớp học này, có đoạn viết: “…Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!”. Những kỳ vọng của Bác Hồ với lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng rất lớn lao cũng đồng nghĩa việc Bác tin tưởng giao phó “sứ mệnh” và trách nhiệm cho những người làm báo là không nhỏ. Tất cả để chiến thắng, không chỉ là chuyện “học và hành”, đặc biệt trong bối cảnh lúc bấy giờ thì “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (Hồ Chí Minh).

Các thế hệ làm báo hôm nay sẽ ghi nhớ và tự hào về thế hệ làm báo của cách đây 70 năm. Ảnh: Trọng Diễn.

Các thế hệ làm báo hôm nay sẽ ghi nhớ và tự hào về thế hệ làm báo của cách đây 70 năm. Ảnh: Trọng Diễn.

Khí thế ấy như ngọn lửa lan tỏa tới 29 giảng viên và 42 học viên của lớp. Thế nên ông Hoàng Quốc Việt trong bài viết trên báo Cứu Quốc với tựa đề “Ban Thường vụ Tổng bộ Việt Minh kính gửi Ban Giám đốc và các anh chị em cán bộ viết báo lớp Huỳnh Thúc Kháng”, có nhấn mạnh: “Chúng tôi rất cảm động được thấy các bạn chuyên cần, chăm chỉ học tập, mặc dầu nóng nực, mặc dầu thiếu thốn, các bạn vẫn thường làm việc quá giờ. Cảm động hơn nữa là tôi được thấy các giảng viên gồm đủ các lớp người. Ngoài một số các nhà làm báo chuyên môn, còn có các vị Bộ trưởng, các cán bộ quân sự, cán bộ chính trị đã lần lượt đến để trình bày cùng các bạn mọi vấn đề. Điều đó chứng tỏ rằng sự hoạt động của mỗi người trong chúng ta đều nhắm vào một mục đích chung, đều theo một lý tưởng duy nhất “Phụng sự quốc gia”...”.

Tinh thần và khí thế làm báo của cách đây 70 năm, chỉ bằng những lời ngắn gọn ấy đã đủ hiểu hết một không khí hoạt động nghề nghiệp sôi động lúc bấy giờ. Bởi thế nên dù khó khăn, gian khổ, dù khói lửa chiến tranh, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng nhiệt huyết cầm bút – cầm súng thì luôn rực cháy. Bởi thế nhà báo Đỗ Đức Dục – Giám đốc trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã tuyên bố: “Buổi lễ bế mạc này cũng là buổi xuất phát cho trung đội 42 chiến sĩ xông ra mặt trận đọ bút với quân thù!”. Lời tuyên bố như tổng kết, như mệnh lệnh và cũng như tiếng trống giục giã lên đường. Để rồi, từ mái trường mái nứa tranh tre giữa đại ngàn Việt Bắc này, các học viên của trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất như các nhà báo Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên (Báo Nhân Dân); Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu Quốc) hay đạo diễn Bành Bảo, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như, nhà thơ Từ Bích Hoàng (Việt Phương) …

Lời hiệu triệu của ngày bế mạc cách đây 70 năm quả thực có một sức rung cảm đặc biệt. Những lời răn dạy có ý nghĩa ấy dường như đã trở thành động lực, niềm tin được trao gửi mà khi đón nhận sẽ là mang trên vai vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào.

Vở diễn tái hiện lại lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập. Ảnh: Trọng Diễn.

Vở diễn tái hiện lại lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập. Ảnh: Trọng Diễn.

Nghĩ về thế hệ làm báo thời đại mới

Âm hưởng của 70 năm về trước có lẽ sẽ mãi là mạch nguồn nuôi dưỡng mỗi người làm báo hôm nay. Dù có thể tinh thần “tất cả để chiến thắng” không còn vẹn nguyên ý nghĩa như thời bom đạn nhưng mặt trận báo chí vẫn luôn là mặt trận của xung kích, của tiên phong trong thời bình. Trong cơn bão công nghệ 4.0 hôm nay, với nhiều đổi thay của lịch sử, thời cuộc có thể cách viết báo, cách làm báo có những phương thức mới để bắt nhịp xu hướng. Nhưng những điều căn bản, cốt lõi của nghề báo thì vẫn vậy. Đó là vị thế đi cùng với trách nhiệm, đó là vai trò, chức năng đi liền với sứ mệnh.

Nếu trước đây, tinh thần của “trung đội 42 chiến sĩ trên mặt trận đọ bút với quân thù” thì nay tinh thần của những người làm báo thời đại mới cũng phải quyết liệt, bản lĩnh trên mặt trận thông tin tuyên truyền. Đó sẽ là những “chiến sĩ” trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng bất luận trong hoàn cảnh, trường hợp nào thì khi tham gia phòng, chống tham nhũng, trước hết phải bắt đầu từ sự liêm chính, trung thực, trong sạch, bản lĩnh vững vàng của chính báo chí. Không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi mà những người làm báo đứng trước khá nhiều áp lực và thách thức, thách thức trong nghiệp vụ mà lớn hơn đó là sức ép từ những cám dỗ của cuộc sống, của lợi ích. Nếu không vượt qua, người làm báo rất dễ “bẻ cong” ngòi bút. Khí phách “vượt qua chính mình” có thể nhìn thấy từ những lời căn dặn của Bác, những bài học giản dị từ cách viết báo, gìn giữ đạo đức, từ những chia sẻ của các bậc tiền bối đều trở thành những kinh nghiệm, những bài học lớn cho hôm nay. Tôi cứ ngẫm về lời của nhà báo Đỗ Đức Dục để thấy thấm thía, nghề báo là nghề khắc nghiệt đến mức nào: “Nghề viết báo đòi hỏi hơn hết sự luôn luôn tiến bộ, luôn luôn kịp thời. Muộn một ngày là đã trở nên lạc hậu, chậm một bước là dễ dàng bị đào thải. Ở nghề nào còn có thể giấu giếm được phần nào sự vụng về, dung túng được phần nào sự thấp hèn chứ ở nghề báo thì vụng về thấp hèn nó bày ngay ra trước mắt mọi người. Và người viết báo phải luôn luôn chịu đựng mọi phê bình khe khắt của dư luận, của độc giả. Nếu không có một tấm lòng tha thiết yêu nghề thì nhất định không đủ can đảm để thu nhận những lời phê bình của đủ các hạng độc giả phức tạp ở bốn phương, không đủ nhẫn nại mà luôn luôn học tập cầu tiến được”.

Tâm thế làm báo của 70 năm về trước đã là khí thế của sự không ngừng lao động, một cách nghiêm túc, cẩn trọng, đã là sự cập nhật và cạnh tranh để không bị đào thải... Điều ấy rõ ràng vẫn rất đúng và trúng trong tình hình mới hiện nay. Đặc biệt đúng trong bối cảnh mà chúng ta đang tích cực thực hiện Quy hoạch báo chí vừa được Thủ tướng phê duyệt. Khi mà những điều căn dặn của 70 năm trước vẫn còn đầy tính thời sự, thời cuộc, chắc chắn nhìn lại quá khứ là lúc soi lại bản thân, soi lại nghề nghiệp đồng thời xốc lại tinh thần nghề nghiệp, cho những câu chữ được chuẩn xác, cho những góc nhìn và tư duy được nghiêm ngắn...

Hà Vân 

Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội
Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội
Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội
Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

(CLO) Ngày 17/4, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã trao hàng nghìn ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, đơn vị đang đóng quân tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công tác hội
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội