Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2019:

Khi sân chơi không có anh tài!

Thứ năm, 10/10/2019 09:31 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Được trưng bày kín tầng 4 của Bảo tàng Hà Nội – một trong những địa chỉ văn hóa danh giá của cả nước, nhưng nó lại khiến người ta nghĩ đến một “triển lãm tạp kỹ” hơn là một hoạt động thể hiện thành tựu Mỹ thuật - ứng dụng lớn của cả nước trong 5 năm qua.

Ý đồ thì lớn nhưng...

Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ Tư được giới thiệu là hoạt động chuyên môn quan trọng của lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng được tổ chức định kỳ 5 năm một lần. Triển lãm tập hợp các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân của cả nước, giới thiệu đến công chúng các tác phẩm sáng tác trong giai đoạn 2014 - 2019.

Sau bốn tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 568 tác phẩm của 299 tác giả thuộc 25 tỉnh, thành phố gửi tác phẩm tham dự. Hội đồng Tuyển chọn và chấm giải thưởng do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch thành lập, đã tuyển chọn 280 tác phẩm, bộ tác phẩm của 189 tác giả để trưng bày triển lãm. 25 giải thưởng được trao cho các tác phẩm có chất lượng xuất sắc của triển lãm gồm 02 Giải Nhất, 04 Giải Nhì, 06 Giải Ba và 13 Giải Khuyến khích, thuộc các lĩnh vực Thiết kế sáng tạo; Sản phẩm ứng dụng; Sản phẩm trang trí.

“Trung hiếu môn”. Tác giả: Trần Nam Tước. Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014 -2019)

“Trung hiếu môn”. Tác giả: Trần Nam Tước. Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014 -2019)

Ban tổ chức kỳ vọng Triển lãm là dịp để công chúng, những người yêu thích, quan tâm đến Mỹ thuật ứng dụng thưởng thức những tác phẩm sáng tạo, có giá trị thẩm mỹ, tính ứng dụng trong đời sống và sản xuất, thân thiện với môi trường.

Đồng thời, thông qua triển lãm, khuyến khích, định hướng cho các tác giả sáng tác, thiết kế các sản phẩm vừa mang tính ứng dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ cao, góp phần tăng cường mối liên kết giữa người thiết kế - thợ thủ công - nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng.

Có lẽ, từ mục đích, ý nghĩa, cho tới thành phần tham dự triển lãm khá phức tạp nên bản thân cuộc Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ Tư khá giống với một cuộc triển lãm ở mức phổ thông: Đầy đủ nhưng chỉ “đèm đẹp”. Một kiểu “đèm đẹp” không thật sự xuất sắc nhưng...vô hại.

Đây không phải là một cuộc triển lãm mỹ thuật thông thường mà nó gắn chặt với tiêu chí ứng dụng. Tức là ngoài đẹp, các sản phẩm còn phải có khả năng tham gia sâu vào đời sống, đáp ứng đầy đủ các công năng trong sinh hoạt.

Đây là cuộc gặp gỡ thành tựu của 5 năm, các sản phẩm ở đây ngoài giá trị tổng kết một giai đoạn còn phải có khả năng định hướng về thẩm mỹ mà thông qua đó, các thợ thủ công, các làng nghề, trong giai đoạn tiếp theo sẽ cho ra đời các sản phẩm mang cái đẹp đến cho đời sống. Có như vậy mới đảm bảo cả hai tiêu chí mỹ thuật và ứng dụng.

... Không có “ngọn cờ”!

Thời gian chuẩn bị cho Triển lãm khá ngắn, Ban tổ chức phải lặn lội về các vùng miền, địa phương để tìm kiếm, thậm chí...vận động các nghệ sĩ, nghệ nhân lành nghề để tham dự Triển lãm. Một thành viên Ban tổ chức cho biết, việc vận động này diễn ra khá khó khăn bởi lẽ, những nghệ sĩ – nghệ nhân có tài, tay nghề cao, có uy tín thì lại thường... không thích tham dự.

Một triển lãm toàn quốc tổng kết 5 năm sáng tạo mà không có người tài tham dự thì sẽ thành cái gì?

Điều này diễn ra trong bối cảnh hoạt động sáng tạo của hầu hết các nghệ sĩ – nghệ nhân thủ công vẫn theo lối cũ – “đơn thương độc mã”. Cùng lắm là sẽ sinh hoạt, giao lưu, trao đổi trong các nhóm nhỏ. Họ cũng không thiếu các công cụ để tự quảng bá như báo chí, mạng xã hội, kể cả là truyền miệng. Họ tự xây dựng mạng lưới khách hàng đặc thù. Khách hàng tự tìm đến họ.

“Lá sen cuối thu”. Tác giả: Đỗ Văn Cường. Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014 -2019).

“Lá sen cuối thu”. Tác giả: Đỗ Văn Cường. Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014 -2019).

Một Giải Nhất của Triển lãm lần này được trao cho sản phẩm bộ cửa “Trung Hiếu Môn” do nghệ nhân Trần Nam Tước (Hà Nội) chế tác. Nghệ nhân Trần Nam Tước cho biết anh nhận được nhiều đơn đặt hàng nhưng sẽ không lặp lại những sáng tạo mà sẽ tiếp tục khai thác chi tiết mới trên các bộ cửa được làm sau này.

Người sáng tạo có tự trọng thì sẽ không lặp lại chính mình. Với những người có “bàn tay vàng” thì họ không thiếu đầu ra cho sản phẩm. Bởi với đặc thù là sản phẩm nghệ thuật – thủ công, không thể sản xuất kiểu “đại trà”. Thậm chí, tình trạng cung không đủ cầu thường xuyên diễn ra thì để sở hữu một sản phẩm xuất sắc thì người tiêu dùng có khi phải đặt lịch hàng năm trời.

Những người thợ ấy đương nhiên không bao giờ muốn sản phẩm của mình phải đứng chung với những sản phẩm chỉ dừng ở mức “đèm đẹp”.

Chính vì tính đơn lẻ của nghệ sĩ – nghệ nhân mà nếu chỉ nhìn ở Triển lãm này, bức tranh tổng thể của Mỹ thuật ứng dụng cả nước khá manh mún, không có “ngọn cờ” trong hoạt động sáng tạo.

Ở khía cạnh vĩ mô, vấn đề lớn nhất của Mỹ thuật ứng dụng hiện nay là quản lý vĩ mô cấp Nhà nước đang ở tình trạng “năm cha ba mẹ”. Lĩnh vực này đang chịu sự quản lý của ít nhất ba cơ quan: Bộ Công Thương quản lý nghệ nhân; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý làng nghề; Và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch thì quản lý về mỹ thuật – thẩm mỹ.

Quy hoạch làng nghề cả nước hiện nay đang có rất nhiều vấn đề, đôi khi còn nằm ngoài ý chí quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Công Thương – đơn vị có quyền phong tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công thì lại không có chuyên môn để định hướng thẩm mỹ và tay nghề cho nghệ nhân – điều thuộc về lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

Có lẽ chính vì nhiều tréo ngoe như thế nên nhiều tác phẩm trong Triển lãm được giới chuyên môn đánh giá là xấu về thẩm mỹ, yếu về ứng dụng vẫn được trao giải. Ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2019 đã lựa chọn sự “an toàn” để trao giải.

Những điều diễn ra tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ Tư được một nghệ nhân tổng kết ngắn gọn: “Sân chơi và thị trường đang vắng bóng anh tài!”

Vĩ thanh

Bởi vắng bóng anh tài mà nhìn lại tổng thể Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2019 có thể thấy, số lượng sản phẩm, tác phẩm tuy nhiều nhưng không khác gì một “thúng gạo xấu”. Nó giống một dạng “hội chợ” thủ công mỹ nghệ hơn là một triển lãm thành tựu trong 5 năm của cả nước.

Cũng bởi không tập hợp được những cá nhân xuất sắc thì việc tổng kết giá trị của một giai đoạn cũng sẽ không đầy đủ, nói gì đến việc vạch định hướng cho tương lai.

Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật này để thực sự đem đến cho đời sống những tác phẩm Mỹ thuật - ứng dụng có giá trị, thay vì vuốt ve nhau bằng những mỹ từ. Bởi lẽ, sự “an toàn” hiện tại thì không có hại cho ai, nhưng chỉ sau vài thế hệ nữa, qua thời gian, hậu duệ của chúng ta sẽ có nhận thức thế nào về các giá trị thẩm mỹ và giá trị lịch sử của ông cha? Nhất là khi nó đã được gắn nơ “đoạt giải”?

Vào lúc 8 giờ ngày 15/10/2019, trong khuôn khổ Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ Tư – 2019, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp”. Tại buổi tọa đàm các đại biểu sẽ thảo luận những vấn đề thực trạng hoạt động và nguồn lực, giải pháp và định hướng phát triển của Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay.

Tử Hưng

Tin khác

Phim 'Mai' của Trấn Thành lập kỷ lục về doanh thu khi chiếu ở quốc tế

Phim 'Mai' của Trấn Thành lập kỷ lục về doanh thu khi chiếu ở quốc tế

(CLO) Theo trang Deadline của Mỹ, bộ phim "Mai" của đạo diễn Trấn Thành vừa đạt doanh thu 1 triệu USD sau khi công chiếu tại 9 quốc gia gồm Mỹ và các nước châu Âu.

Giải trí
Bị đồn sắp làm đám cưới với Hà Thanh Xuân, nam ca sĩ Quang Lê nói gì?

Bị đồn sắp làm đám cưới với Hà Thanh Xuân, nam ca sĩ Quang Lê nói gì?

(CLO) Tin đồn nam ca sĩ Quang Lê sắp làm đám cưới với Hà Thanh Xuân được lan truyền trên mạng xã hội hôm 27/3 là sai sự thật.

Giải trí
Ấn tượng Lễ trao giải Cống hiến năm 2024

Ấn tượng Lễ trao giải Cống hiến năm 2024

(CLO) Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.

Giải trí
Nữ ca sĩ Lee Ahreum tự tử giữa đêm

Nữ ca sĩ Lee Ahreum tự tử giữa đêm

(CLO) Sáng 27/3, cựu thành viên T-ara Lee Ahreum được đưa đến bệnh viện cấp cứu sau khi cố gắng tự tử, trước đó cô chia sẻ hình ảnh bị chồng cũ bạo hành.

Giải trí
Chiêm ngưỡng nhan sắc Hoa hậu Việt Nam đầu tiên thi Miss International 2024

Chiêm ngưỡng nhan sắc Hoa hậu Việt Nam đầu tiên thi Miss International 2024

(CLO) Thông tin Hoa hậu Thanh Thủy dự thi Miss International 2024 nhanh chóng gây sức hút tới người hâm mộ. Nhiều khán giả ủng hộ Hoa hậu Việt Nam 2022 đến với đấu trường quốc tế này bởi cô mang vẻ đẹp ngọt ngào phù hợp với tiêu chí cuộc thi.

Giải trí