Hãy cùng nghe nhà báo Lan Anh kể lại hành trình livestream vụ bắt quả tang xả thải này của chị.
“Nhà báo tốc váy” - Cụm từ ấn tượng và đáng yêu trên mạng xã hội
Trong nhiều trường hợp “tốc váy” khiến nhiều người không thoải mái lắm. Nhưng với tôi, nó đáng yêu, dù váy chưa… tốc lắm khi tôi chạy, tham gia vào cuộc truy đuổi với thời gian, bắt quả tang doanh nghiệp Trung Quốc xả thải trên dòng Bắc Hưng Hải trong tuần qua. Bản thân tôi khi thực hiện phóng sự, ghi hình livestream trên facebook, cũng chỉ mong muốn sự việc được phản ánh nhanh chóng, chính xác nhất từ hiện trường về vụ bắt quả tang mà cả ekip và cảnh sát môi trường đã phải mật phục trong nhiều ngày. Thế nhưng bên cạnh sự việc được dư luận quan tâm thì về mặt hình ảnh cá nhân tôi cũng được chú ý. Tôi khá bất ngờ về hiệu ứng này. Về mặt phóng sự, hiệu ứng từ cộng đồng thì quả thật không bất ngờ vì vấn đề môi trường đang được rất nhiều người dân quan tâm. Nhưng đến giờ, nói về hình ảnh cá nhân thì tôi có chút bất ngờ, và thú vị….
Nhà báo Bùi Lan Anh tác nghiệp
Chạy… có trong kịch bản? Câu chuyện chạy khi thực hiện phóng sự có được chuẩn bị trước hay không, có lẽ cũng được nhiều người nghĩ đến. Việc bắt quả tang việc xả thải trên dọc hệ thống Bắc Hưng Hải có trong kế hoạch tác chiến của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường trước đó. Lần đầu tiên, chúng tôi trinh sát và phục kích tại một doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, đến cuối cùng sự việc bị lộ nên chỉ trong một đêm, toàn bộ cống nước thải ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải đã bị doanh nghiệp này bịt lại. Sau đó vài ngày thì ekip nhận được điện thoại của Cảnh sát môi trường thông báo về vụ việc. Lúc đó, cả nhóm đang tác nghiệp tại một cuộc họp báo, khi nhận thông tin, chúng tôi lập tức lên đường ngay, không có kịch bản sẵn như khi diễn ra. Vì những vụ bắt quả tang thường diễn ra rất nhanh chóng, và nếu không xuất kích, sẽ có thể lỡ việc, khi không bắt được quả tang xả thải, thì không thể có bằng chứng để xử lý. Và thế là, chạy là một cách tự nhiên nhất để không bị lỡ… câu chuyện.
Nếu xem clip, các bạn sẽ thấy phản ứng của tôi khi tiếp cận với hiện trường. Cùng với Cảnh sát, khi phát hiện ra nơi xả thải đang hoạt động, chúng tôi lập tức ra khu vực cống thải. Tuy nhiên, vì hoạt động xả thải trộm, nên các doanh nghiệp cho người và hệ thống xử lý hoạt động khá tinh vi. Khi phát hiện ra có lực lượng chức năng đến, nhân viên sẽ lập tức báo, và cắt điện hệ thống máy bơm. Để ngăn chặn việc đó, chúng tôi cần phải ngăn hành động báo về cấp trên ngắt hệ thống xả thải. Sau đó, lập tức chạy ra hiện trường, ra khu vực xả thải để ghi hình ảnh. Đó là khoảnh khắc phải đua với thời gian, bởi nếu không chạy nhanh, không ghi hình kịp, không có bằng chứng thì mọi công sức của mọi người sẽ tan biến, hành vi xả thải sẽ không được ngăn chặn và bị xử lý.
Hình ảnh nữ nhà báo Bùi Lan Anh tác nghiệp trong phóng sự
Phải phản ứng nhanh
Việc xông vào bắt quả tang doanh nghiệp xả thải thực ra tôi đã thực hiện khá nhiều lần. Mỗi lần có một cách, một phương án tác nghiệp khác nhau. Thế nhưng, có một điểm chung là phải thật nhanh chóng, phản ứng kịp thời trước các tình huống. Vì vậy, khi trên xe lên đường tiếp cận hiện trường, cả ekip đã phải tính toán kỹ, bố trí và phân chia người theo xe cảnh sát, xe chở phương tiện thiết bị truyền hình, và quay phim, kỹ thuật đi theo. Tôi luôn theo sát xe cảnh sát, để tiếp cận nhanh nhất hiện trường. Để khán giả tận mắt chứng kiến những hình ảnh bắt quả tang xả thải, chúng tôi lựa chọn phương án livestream facebook ngay tại hiện trường.
Việc bắt quả tang theo kế hoạch này đã bị lỡ một lần, nên cả ekip khá lo lắng. Trong trường hợp xấu không bắt được quả tang xả thải, không ghi được hình ảnh, chúng tôi dự tính sẽ phản ánh về thực trạng ô nhiễm trên dòng Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, rất may là việc tác nghiệp ngày hôm đó khá thuận lợi.
Nói thêm về việc có tuân hay không tuân theo kịch bản vạch trước. Tôi thấy, thực ra với các vụ việc điều tra, thường không có kịch bản trước. Tại hiện trường, phóng viên sẽ ứng phó theo tình huống. Lúc đó, đòi hỏi bản lĩnh và cách xử lý tình huống của cá nhân phóng viên và sự phối hợp tác chiến của ekip cũng như với lực lượng chức năng. Khi xuất phát, chúng tôi cũng chỉ được lực lượng cảnh sát môi trường báo tin về khu vực phát hiện xả thải, không nêu tên doanh nghiệp. Vì vậy, khi có mặt tại hiện trường, nghe thông tin về doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực tái chế nhựa, xả thải ra sông Bắc Hưng Hải, cả ekip cảm thấy khá bức xúc.
Chỉ khi xong việc mới lường hết nỗi lo sợ
Nếu được hỏi có lo sợ không, câu trả lời của chúng tôi là: “có chứ”. Khi thực hiện phóng sự điều tra, với các đề tài nóng, phóng viên luôn đứng trước nguy cơ bị đe dọa, bị thu giữ phương tiện, ảnh hưởng đến công việc, sức khoẻ và tính mạng. Khi thực hiện phóng sự, thời gian diễn ra quá nhanh, sự kiện lại quá nóng, thậm chí tôi không có đủ thời gian để suy nghĩ về những nguy hiểm có thể xảy ra với cá nhân mình. Lúc đó, hình ảnh và thông tin về sự kiện mới là điều quan trọng nhất đối với một phóng viên điều tra. Thậm chí, khi đi tác nghiệp, tôi không kịp thay quần áo. Bạn thấy đấy, trên người tôi vẫn nguyên bộ đồ tham dự sự kiện họp báo, với váy, vest, giày cao gót. Nếu tôi thay đồ, sẽ lỡ sự kiện. Và khi chạy ra bên ngoài hiện trường tác nghiệp bạn thấy tôi chạy trên giày cao gót, và khi chạy ra đến đoạn giáp sông, thì gặp một mảnh ruộng. Lúc đó, tôi buộc phải bỏ giày. Đi chân đất. Và khi chạy qua ruộng, thì lại đến một bãi rác. Để kịp thời có hình ảnh, tôi vẫn quyết định tiếp tục chạy nhanh đến hiện trường.
Khi dẫn tại cống thải, điều khiến tôi và ekip lo lắng nhất là có thể các đối tượng manh động ở doanh nghiệp có thể tiếp cận và gây nguy hiểm cho phóng viên và lực lượng chức năng. Trong nhiều trường hợp, ghi hình tại hiện trường có thể gặp các tình huống này, phóng viên bị đe doạ, bị đập máy, bị thu giữ phương tiện… Và khi sóng đang được trực tiếp, thì nguy cơ đó khiến ekip càng lo lắng hơn. Chưa kể, khi tiếp cận hiện trường xả thải, qua một đoạn đường khá gian nan, mà doanh nghiệp phát hiện ra, ngắt hệ thống thì công sức của cả kíp cũng trở thành công cốc.
Lúc tác nghiệp, máu nghề dâng lên, đúng thật là không nghĩ gì nhiều cả, chỉ mong nhanh chóng đến được hiện trường. Chỉ sau khi tác nghiệp xong, có đồng nghiệp báo bạn đi cùng chụp ảnh đôi bàn chân mình chạy ngay trên bãi rác, mới cảm thấy rờn rợn. Lúc đó, mới nghĩ đến nguy cơ, đến bơm, kim tiêm, đến mảnh sành, đến những nguy cơ khác trên đường đi. Và khi tác nghiệp xong, ra bên ngoài tìm giày dép, tôi cúi xuống mới nhìn thấy chân mình rướm máu. Có thể trên đường chạy, tôi mặc váy, và cây, gai nhọn trên đường đi quạc vào chân. Lúc tác nghiệp, không hề cảm thấy đau đớn hay phát hiện ra việc mình bị thương. Chỉ sau đó, phát hiện ra mới thấy lo lắng.
Hằng Nga (Ghi)