Từ đó hơn 2 năm qua, Đại học HUFLIT đã xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo liên miên về bằng cấp Hiệu trưởng, chuyện tiền bạc…, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và hoạt động nhà trường. Đặc biệt, sự minh bạch của UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT về quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo cũng bị hoài nghi, trong bối cảnh hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.
"Southen Califonia University - USA" là trường nào?
Như báo Nhà báo & Công luận đã thông tin: Ngày 3/8/2018, HĐQT Đại học HUFLIT đã họp về vấn đề bằng cấp, tài chính… liên quan tới Hiệu trưởng Trần Quang Nam. Nhưng tới nay, HĐQT, Ban Giám hiệu hay Công đoàn trường chưa công khai thông tin để rộng đường dư luận.
Lý lịch khoa học của ông Trần Quang Nam ghi quá trình học Thạc sĩ.
Về quá trình học tập, ông Nam ghi trong nhiều bản khai lý lịch như sau: Từ 1995-1999 học đại học tại Đại học HUFLIT; Từ 2000-2002 học Thạc sĩ tại Southen Califonia University – USA; Từ 2004-2007 học Tiến sĩ tại Business School Lausanna.
Đáng chú ý, ông Nam ghi nơi học Thạc sĩ chưa nhất quán trong các bản khai, lúc bỏ trống, lúc chỉ ghi "Hoa Kỳ", và một lần ghi rõ "Southen Califonia University – USA", khiến việc tra cứu gặp nhiều khó khăn.
Qua tìm hiểu, được biết tại Mỹ có tới 2 trường gắn địa danh "Southen Califonia", là Southen Califonia University for Professianal Studies (chuyên đào tạo trực tuyến từ xa, mở các khóa học mới mỗi tháng) và University of Southen Califonia (trường phi lợi nhuận có lịch sử lâu đời, Top 21 trường đại học hàng đầu tại Mỹ).
Trong 03 bản khai, ông Nam không nhắc tới trường "University of Southen Califonia" danh tiếng. Từ đó, dư luận nghiêng về khả năng ông Nam học Thạc sĩ tại Southen Califonia University for Professianal Studies. Bất ngờ hơn, đây cũng là nơi cựu Bí thư TP. Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh từng theo học Thạc sĩ (2001-2002) và Tiến sĩ (2005-2006).
Về chất lượng của bằng cấp của ngôi trường này, từ việc không được Bộ GD-ĐT công nhận, ông Nguyễn Xuân Anh do sử dụng các văn bằng do Southen Califonia University for Professianal Studies cấp còn bị UBKT Trung ương kết luận sai phạm: Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều Đảng viên không được làm.
Những nguy cơ đổ vỡ dây chuyền không thể xem nhẹ
Tiếp tục về sự học của ông Trần Quang Nam. Sau khóa học Thạc sĩ, ông Nam học lên Tiến sĩ theo chương trình 300 Tiến sĩ, Thạc sĩ trẻ giai đoạn 2001-2005 do Sở KH&CN TP.HCM làm đầu mối. Ở chương trình này, người trúng tuyển được nhà nước cho vay tiền để trả học phí, chi phí học tập. Sau mỗi năm học, người học tập kém phải trả lại tiền vay; người tốt nghiệp giỏi, xuất sắc được miễn hoàn trả.
Hiệu trưởng Trần Quang Nam trong Lễ trao Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng tổ chức đánh giá và công nhận. Ảnh: http://huflit.edu.vn.
Ông Nam có bằng Tiến sĩ, nhưng đến nay chưa có bất kỳ sự công nhận nào của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT), dù thủ tục công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp hiện rất đơn giản, chỉ trong tối đa 30 ngày (!?)
Như chúng tôi đã nêu, thật sự đáng tiếc khi Sở GD-ĐT, Đại học HUFLIT hay cá nhân ông Nam chưa công khai tấm bằng Thạc sĩ nói trên. Đơn giản, nếu bằng cấp của ông Nam giống ông Nguyễn Xuân Anh thì đã không được công nhận. Nếu bằng Tiến sĩ của ông Nam học tiếp nối trên cơ sở bằng Thạc sĩ đã có, Bộ GD-ĐT sẽ phải xem xét, đánh giá lại điều kiện học tiếp nối. Cần biết rằng ông Nam không học từ cử nhân lên Tiến sĩ, vốn yêu cầu thời gian và khối lượng học nhiều hơn so với học từ Thạc sĩ lên.
Quyết định công nhận của UBND TP.HCM căn cứ trên đề nghị của HĐQT Đại học HUFLIT và tờ trình của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Từ đây, hàng loạt câu hỏi hóc búa được đặt ra: Khi bằng cấp chưa được (hoặc không được) Bộ GD&ĐT công nhận, ông Trần Quang Nam có đủ tiêu chuẩn để làm Hiệu trưởng theo quy định của pháp luật? Các văn bằng do Hiệu trưởng Nam ký có phải thu hồi, cấp lại? UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT hay Đại học HUFLIT phải chịu trách nhiệm nếu có thiệt hại xảy ra với người học?
Theo điều tra của Nhà báo & Công luận, Sở GD-ĐT TP.HCM đã biết việc UBND TP.HCM ký quyết định công nhận ông Nam là Hiệu trưởng khi bằng cấp chưa có giấy công nhận của Bộ GD-ĐT. Và trước đó, vào tháng 12/2015, Sở GD-ĐT TP.HCM có yêu cầu Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng ngưng sử dụng bằng Tiến sĩ khi chưa được Bộ GD-ĐT công nhận. Phải chăng Sở GD-ĐT TP.HCM sử dụng "tiêu chuẩn kép"?
Cũng cần phải nói thêm, vấn đề bằng cấp của ông Trần Quang Nam có thể không phải là nguyên nhân chính dẫn tới những khiếu nại, tố cáo. Quan trọng hơn, nhiều cán bộ, giảng viên đang "xoáy" vào các khoản lương, phụ cấp, thù lao… lên tới nhiều tỉ đồng của Hiệu trưởng.
Ông Nam tự ký duyệt cho mình gần 70 triệu đồng trong 09 ngày làm ngoài giờ.
Cụ thể, ngoài lương và phụ cấp Hiệu trưởng 52.546.000 đồng, ông Nam còn được 9.660.000 đồng tiền Uỷ viên HĐQT, 19.950.000 đồng tiền Trưởng Ban Sau Đại học, 19.950.000 đồng tiền Viện trưởng Viện Hàn Quốc học. Tổng cộng ông Nam nhận 102.106.000 đồng/tháng từ trường.
Nhưng đó chỉ là khoản "cứng". Các khoản "mềm" của ông Nam còn đáng kinh ngạc hơn nữa.
Theo điều tra, trong 1 năm, ông Nam còn nhận gần trăm khoản thù lao, trực Tết, nghỉ phép, chỉ đạo, bồi dưỡng… từ vài trăm ngàn tới hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu là từ 5/2/2018 đến 23/2/2018, số tiền "làm ngoài giờ" chi cho ông Nam lên tới 174.000.000 đồng (trung bình gần 10.000.000 đồng/ngày). Trong khi đó, lương của nhiều cán bộ, nhân viên nhà trường suốt một năm nhọc nhằn còn thấp hơn 9 ngày "trực Tết" của Hiệu trưởng. Khoảng cách trên đã gây nên những tổn thương và xót xa lớn, ít nhất là cho những người trong cuộc và gia đình, người thân họ.
Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Kiên Giang