Cả hai phía đều không trông chờ vào một bước đột phá trong cuộc nói chuyện tại thủ đô Phần Lan này, ngoài những lời đồng tình và thống nhất trong việc tái xây dựng quan hệ Nga-Mỹ và nhiều khả năng là một thỏa thuận để bắt đầu đàm phán về các vấn đề nhạy cảm như vũ khí hạt nhân hay Syria.
Đoàn xe đón ông Trump tại sân bay quốc tế Helsinki. Ảnh: Reuters
Trước cuộc gặp, cả hai phía đều quan ngại về tính khả thi của cuộc gặp này, nhưng ông Trump nói với đài CBS rằng ông sẽ tới Helsinki "với ít kỳ vọng" và ông Bolton, cố vấn an ninh Nhà Trắng nói với đài ABC rằng cuộc gặp này không có kế hoạch bàn bạc cụ thể.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với đài RT của Nga rằng ông cũng có ít kỳ vọng trong cuộc gặp lần này. Ông nói rằng cuộc gặp này sẽ thành công nếu như có một thỏa thuận mở ra những đường liên lạc từng bị chặn lại trước đó giữa hai nước.
Đối với ông Putin, việc cuộc gặp này diễn ra mặc cho quan hệ giữa nước này với phương Tây đang trở nên căng thẳng hơn đã khẳng định rằng Washington coi Moscow là một trong những thế lực hàng đầu và lợi ích của họ cũng cần được để tâm.
Với Nga, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy nỗ lực của phương Tây trong việc cô lập nước này đã thất bại.
Với ông Trump, khi nước Mỹ tuyên bố 12 nhân viên tình báo Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử mà ông Trump đã dành chiến thắng, và những người xung quanh ông vẫn đang bị điều tra thì cuộc gặp này lại là một nguy cơ khủng hoảng chính trị nội bộ.
Cuộc gặp tại Helsinki sẽ là mốc dấu quan trọng trong chuyến công du kéo dài gần 1 tuần của ông Trump .
Hoàng Việt (Theo Reuters)