Khoa học và Công nghệ phải tạo điểm nhấn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
(CLO) Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, trong năm 2022, ngành khoa học và công nghệ phải có cơ chế mạnh mẽ, tạo điểm nhấn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như là một bộ phận trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Ngày 31/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Xuân Định cho biết, năm 2021, ngành KHCN, đổi mới sáng tạo đã đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, chỉ số giá trị sản phẩm công nghệ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% GDP.
Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII). "Trong báo cáo GII 2021 do WIPO phát hành, Việt Nam tiếp tục là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn", Thứ trưởng Lê Xuân Định thông tin.
Là đầu mối triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ KHCN tập trung phát triển các ứng dụng để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19; kết nối, hỗ trợ và chia sẻ dữ liệu về COVID-19 cho tất cả các tỉnh, thành phố; triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo (Callbot) gọi điện hỗ trợ khai báo y tế cho người dân trong vùng dịch, vùng có nguy cơ cao; triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc đánh giá những đóng góp của ngành KHCN cần nhìn cả quá trình chứ không chỉ sau một vài năm hay một số sự kiện nổi bật. Nhìn lại 10 năm qua, ngành KHCN đã có những đóng góp rất quan trọng.
Trong năm tới, Phó Thủ tướng lưu ý một số điểm chính. Thứ nhất là ngành KHCN phải có cơ chế mạnh mẽ, tạo điểm nhấn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như là một bộ phận trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Quang cảnh Hội nghị.
Theo đó, Bộ KHCN phải là nơi tập hợp, chủ động đề xuất rất cụ thể, làm việc với Bộ Tài chính về cơ chế tài chính cho DN; triển khai nhanh hơn nữa mô hình nghiên cứu khoa học trong các trường đại học theo hướng các trường là đầu mối nhận nhiệm vụ khoa học trực tiếp từ Bộ KHCN; quyết liệt quy hoạch lại toàn bộ các cơ sở nghiên cứu khoa học, bao gồm cả các viện nghiên cứu trong doanh nghiệp, trường đại học, đồng thời tính đến mạng lưới liên kết với các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài.
Từ quá trình triển khai thí điểm mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đề nghị Bộ KHCN cần tháo gỡ các vướng mắc để củng cố mô hình mới trong quản trị khoa học và lan toả các kết quả nghiên cứu.
Thứ hai, Bộ KHCN phải tiên phong trong quản lý một cách khoa học, trên cơ sở hình thành cơ sở dữ liệu về quản lý khoa học, được minh bạch hoá, công khai hoàn toàn, tăng cường sự giám sát đồng đẳng trong giới khoa học. “Bộ đã có những bước tiến đáng kể nhưng năm 2022 phải làm mạnh hơn nữa. Mọi công việc quản lý khoa học phải được tin học hoá, minh bạch, công khai ngay từ khâu đăng ký đề tài, phản biện đề tài”, Phó Thủ tướng nói.
Thứ ba, Bộ KHCN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, để đẩy mạnh hoạt động KHCN gắn với những vấn đề thiết thực ở cơ sở, qua đó nâng lên vai trò của các Sở KHCN.
Thứ tư, cùng với việc thúc đẩy hơn nữa các khoa học xã hội, khoa học chính trị với nhiều nghiên cứu lớn đang được triển khai, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KHCN lưu ý một số nhiệm vụ như “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam - Quốc sử”; “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam – Quốc chí” cần khẩn trương hoàn thành, xuất bản.
Cùng với đó, ngành KHCN phải đẩy mạnh phổ biến tri thức KHCN cho toàn dân, góp phần nâng cao dân trí, trong đó cần thúc đẩy đề án Hệ Tri thức Việt số hoá để “xoá mù tri thức KHCN”.
Gia Phát