Thế giới 24h

Khói đen báo hiệu chưa có giáo hoàng mới, Vatican sẽ tiếp tục bầu chọn

Cao Phong (theo Reuters, Vatican, NPR) 08/05/2025 09:21

(CLO) Tối 7/5, khói đen bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine tại Vatican, báo hiệu 133 hồng y tham gia mật nghị chưa đạt đồng thuận để bầu giáo hoàng mới.

Mật nghị bắt đầu vào chiều 7/5 với nghi thức trang nghiêm. Các hồng y, đến từ 70 quốc gia, diễu hành từ Nhà nguyện Pauline đến Sistine, nơi họ thề giữ bí mật tuyệt đối.

Sau lệnh “extra omnes” (tất cả ra ngoài) bằng tiếng Latin, cánh cửa gỗ nặng nề khép lại, cách ly các hồng y với thế giới bên ngoài. Để bầu giáo hoàng, một ứng viên cần ít nhất 89 phiếu, tương đương 2/3 tổng số phiếu. Khói đen bay lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine cho thấy không ai đạt được con số này trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Quá trình bỏ phiếu diễn ra chậm rãi, với khói xuất hiện muộn hơn dự kiến, hơn ba giờ sau khi mật nghị bắt đầu. Dù vậy, kết quả này không bất ngờ, vì chưa từng có giáo hoàng nào được bầu trong ngày đầu tiên của mật nghị trong thời hiện đại.

Khói đen bốc lên từ Nhà nguyện Sistine tại Vatican. Video: VaticanMedia

Các hồng y sẽ tiếp tục bỏ phiếu từ sáng 8/5, với tối đa bốn lượt mỗi ngày (hai buổi sáng, hai buổi chiều). Nếu sau ba ngày vẫn chưa có kết quả, họ sẽ tạm dừng một ngày để cầu nguyện và thảo luận. Khi giáo hoàng mới được chọn, khói trắng sẽ bay lên, kèm theo tiếng chuông từ Vương cung thánh đường Thánh Peter, báo hiệu niềm vui cho 1,4 tỷ tín đồ Công giáo toàn cầu.

Mật nghị lần này được xem là đa dạng nhất trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội Công giáo, với các hồng y từ sáu châu lục. Những cái tên nổi bật như Hồng y Pietro Parolin (Ý), Luis Antonio Tagle (Philippines), và Pierbattista Pizzaballa (Jerusalem) được nhắc đến như các ứng viên tiềm năng, nhưng danh tính giáo hoàng mới vẫn là bí ẩn.

Mật nghị là nghi thức bí mật để bầu giáo hoàng, diễn ra trong Nhà nguyện Sistine dưới những bức bích họa nổi tiếng của Michelangelo. Chỉ các hồng y dưới 80 tuổi được bỏ phiếu, và họ bị cô lập hoàn toàn, không sử dụng điện thoại hay liên lạc với bên ngoài. Quá trình này được bảo vệ nghiêm ngặt, với lực lượng cảnh sát và đơn vị chống drone triển khai quanh Vatican.

Giáo hoàng Francis, qua đời ở tuổi 88 sau cơn đột quỵ sau 12 năm tại vị. Ông thúc đẩy sự cởi mở với cộng đồng LGBT, bảo vệ môi trường và bổ nhiệm nhiều hồng y từ các khu vực ngoài châu Âu, như châu Phi và châu Á.

Mật nghị 2025 thu hút sự chú ý vì có thể chọn ra giáo hoàng đầu tiên từ châu Á, châu Phi, hoặc thậm chí Mỹ, một điều chưa từng có. Dù vậy, các hồng y phải đối mặt với thách thức cân bằng giữa việc tiếp nối cải cách của Francis và đáp ứng mong muốn bảo thủ của một số nhóm trong Giáo hội.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khói đen báo hiệu chưa có giáo hoàng mới, Vatican sẽ tiếp tục bầu chọn
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO