Khơi thông “điểm nghẽn” để hoàn thiện hạ tầng đường bộ cao tốc

27/02/2025 10:57

(NB&CL) Những dự án đường bộ cao tốc có chi phí đầu tư xây dựng rất lớn, trong khi ngân sách còn hạn chế đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra giải pháp huy động tối đa nguồn lực, tháo gỡ “điểm nghẽn”.

Với chiều dài 245km, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến đường huyết mạch kết nối giao thông các tỉnh phía Bắc. Sau hơn 10 năm đưa vào khai thác và lưu lượng phương tiện ngày càng tăng cao, đến nay nhiều đoạn tuyến đã hư hỏng, xuống cấp.

Anh Cường, một lái xe khách thường xuyên di chuyển trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai chia sẻ, thực trạng này không chỉ khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn mà còn gây nguy hiểm, nhất là về ban đêm khi phương tiện di chuyển tốc độ cao. Mong rằng tuyến đường sẽ được nâng cấp đồng bộ để phương tiện di chuyển thuận tiện và an toàn hơn.

Hay cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 131,5km được thiết kế có quy mô 4 làn xe, tốc độ phương tiện 100km/h. Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Việt Nam.

khoi thong diem nghen de hoan thien ha tang duong bo cao toc hinh 1

Khó khăn về vốn khiến VEC chưa thể thực hiện đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc khi nhu cầu vận tải tăng cao. Ảnh: NH.

Qua nhiều năm đi vào khai thác nút giao Dung Quất vẫn chưa được hoàn thành  do địa phương chậm bàn giao mặt bằng nên không kịp thời gian xử lý nền đất yếu trước khi hết thời hạn của hiệp định vay vốn.

Còn tại cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường trọng điểm khu vực phía Nam; tình trạng ùn tắc giao thông ngày nghiêm trọng, nhất là vào mỗi dịp lễ Tết và nhu cầu đầu tư mở rộng tuyến đường theo quy hoạch cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên điểm chung của những tuyến cao tốc này do đơn vị chủ đầu tư, quản lý và khai thác là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn.

Mới đây, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - VEC với mức bổ sung là 38.251 tỷ đồng.

Từ đó, VEC đủ điều kiện để huy động tối đa nguồn lực, kể cả các tổ chức tín dụng để thực hiện mở rộng các tuyến cao tốc hiện hữu, đầu tư các dự án mới và kinh doanh các dịch vụ gia tăng dọc tuyến bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Đối với những dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thường đi qua khu vực điều kiện kinh tế khó khăn, lưu lượng phương tiện thấp. Trong khi tỷ lệ vốn nhà nước thường chiếm không quá 50%, làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ tài chính.

Là doanh nghiệp tham gia 3 dự án BOT (Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Bạch Đằng, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - Phạm Văn Khôi bày tỏ; huy động, khơi thông nguồn vốn PPP, xã hội hóa vào đầu tư giao thông là điều cần thiết. Giai đoạn trước, các dự án giao thông huy động tốt nguồn vốn PPP nhưng thời gian qua gặp khó trong huy động vốn do vướng mắc về cơ sở pháp lý.

PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đánh giá, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là một phương thức đầu tư mới, hiện đại trong nền kinh tế thị trường nước ta, được Nhà nước hết sức quan tâm.

Mặc dù vậy, kể từ khi Luật PPP ra đời đã phát sinh nhiều rào cản pháp lý và sự thiếu đồng bộ trong quy định, thủ tục đã làm mô hình này không còn sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tại các dự án PPP giao thông, trong trường hợp xác định phần doanh thu tăng, giảm mà phát sinh bất đồng quan điểm giữa các chủ thể có liên quan; đặc biệt là giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thì chưa có quy định cụ thể về cơ quan có đủ thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Vấn đề về thủ tục pháp lý phức tạp và thời gian phê duyệt kéo cũng gây ra nhiều hệ lụy. Riêng với dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã mất tới 6 năm chỉ để hoàn thành các bước xin chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án.

Vì vậy để mạng lưới hạ tầng đường bộ cao tốc hoàn thiện, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước; các cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra giải pháp huy động tối đa nguồn lực, tháo gỡ những “điểm nghẽn”.

Thế Anh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khơi thông “điểm nghẽn” để hoàn thiện hạ tầng đường bộ cao tốc
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO