Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019

Khơi thông dòng vốn trung, dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm, 02/05/2019 16:50 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đây là chủ đề của phiên hiến kế vốn – tài chính cho nền kinh tế, là một trong 6 phiên hiến kế và talk show diễn ra trước phiên toàn thế của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Phiên hiến kế về tài chính - tín dụng (ảnh : VNEx

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Phiên hiến kế về tài chính - tín dụng (ảnh : VNEx

Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Trưởng ban Kinh tế đưa dẫn chứng về việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhằm đưa kinh tế tư nhân thành động lực phát triển kinh tế thị trường. Trong đó, việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, nhất là tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân là nhiệm vụ quan trọng.

Theo ông Nghĩa, kinh tế tư nhân tiếp cận thuận lợi, bình đẳng hơn các nguồn vốn chính thức và các thị trường các yếu tố sản xuất. Năm 2018, tỷ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so GDP hơn 130%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 71,6% GDP; tổng giá trị trái phiếu niêm yết trên thị trường đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương với 20,3% GDP.

Thực hiện Nghị quyết này, Nhà nước cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán; phát triển đa dạng các định chế tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ bảo lãnh tín dụng, các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức tư vấn tài chính, dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm... 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các thị trường chứng khoán phái sinh. Đây sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, thực tế, việc thực hiện Nghị quyết này là bước đầu, hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. "Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn", lãnh đạo Ban kinh tế trung ương cho biết.

Vốn trung, dài hạn vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - ông Đào Minh Tú cho rằng những năm qua, từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, khu vực tư nhân đã không ngừng phát triển, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nghị quyết số 10-NQ-TW xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nhiều năm qua đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiêu biểu như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn theo năng lực tài chính, kinh doanh đồng thời mở rộng kênh cấp vốn tín dụng khác (bảo lãnh, thuê tài chính...) của tổ chức tín dụng cho nền kinh tế. 

Hai là, chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản cho tổ chức tín dụng, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ổn định nhằm cân đối vốn kịp thời hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Ba là, chỉ đạo tổ chức tín dụng cân đối năng lực tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với mức độ rủi ro khoản vay; chia sẻ khó khăn với khách hàng; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cấp tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã góp phần đưa tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (tỷ trọng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng từ mức 21,6% năm 2016 lên mức 24,8% trong năm 2018 và mức 25,2% tháng 3/2019...); tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý; qua đó khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập. Trong khi nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô và chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này. Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ).

Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung thì phát triển thị trường chứng khoán là điều kiện tất yếu, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt là các nhu cầu vốn trung, dài hạn.

Trong thời gian tới, về phía ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng. 

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nhanh, bền vững các phân đoạn thị trường tài chính; tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân huy động vốn trên thị trường chứng khoán...

Thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn tốt

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nêu ý kiến: Thị trường chứng khoán với vai trò là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho đầu tư phát triển đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Cuối năm 2018, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt 111% GDP, trong đó thị trường cổ phiếu đạt 71,9% GDP, thị trường trái phiếu đạt hơn 39% GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ đạt hơn 27% GDP, trái phiếu doanh nghiệp đạt 8,6% GDP). Cùng với đó, thị trường bảo hiểm đã duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 25% mỗi năm. Đến cuối năm 2018, quy mô của thị trường bảo hiểm đã đạt trên 3% GDP đối với doanh thu bảo hiểm gốc. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế trên 300.000 tỷ đồng.

Theo ông Trần Xuân Hà, kết quả trên có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Trong đó, việc cổ phần hóa, thoái vốn tại các công ty nhà nước trên sàn chứng khoán được đánh giá cao. Việc thực hiện giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán và các biện pháp an toàn tài chính đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán; phát triển các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, phát triển thị trường chứng khoán phái sinh... cũng đạt được kết quả tích cực. "Dù vậy, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm của Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nói.

Để tiếp tục phát triển thị trường vốn, khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế, trong thời gian tới, ông Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp chính như: Trình Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm hoàn thiện thể chế, tạo khung hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện cho phát triển thị trường.

Cùng với đó, Bộ thực hiện tái cơ cấu thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa, tái cơ cấu các định chế trung gian, tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư, tái cơ cấu thị trường giao dịch. Bộ đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đi theo đó là cải thiện công tác quản trị công ty theo thông lệ tốt; xây dựng và ban hành chuẩn mực kế toán Việt Nam theo chuẩn mực kế toán quốc tế; áp dụng các chuẩn mực về an toàn tài chính và công bố thông tin, công khai, minh bạch.

Đối với thị trường chứng khoán, ông Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính sẽ có hướng ưu tiên phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, giới thiệu các sản phẩm mới như: Phái sinh hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm, chứng quyền (cover warrant); đẩy mạnh sản phẩm bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp; tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, quản lý giám sát hoạt động thị trường vốn, thị trường chứng khoán, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm phát triển thị trường lành mạnh.

Các đại biểu dự Hội thảo đã có ba phiên thảo luận và hiến kế của khu vực tư nhân với chủ đề: Khơi thông tín dụng trung - dài hạn và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam; Tăng cường tính hấp dẫn của mô hình quỹ hưu trí tự nguyện; Thúc đẩy phát triển quỹ đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện khu vực kinh tế tư nhân đã cùng đối thoại chính sách, trao đổi về thực trạng, khó khăn, vướng mắc và hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp cho ba chủ đề trên.

Phương Thảo

Tin khác

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

(CLO) Trong phiên chứng khoán 28/3, cổ phiếu TCB của Techcombank trở thành tâm điểm khi được nhà đầu tư tranh nhau mua vào.

Tài chính - Bảo hiểm
Funtap liên tục báo lỗ, lộ diện pháp nhân liên quan cũng chỉ phát hành game Trung Quốc

Funtap liên tục báo lỗ, lộ diện pháp nhân liên quan cũng chỉ phát hành game Trung Quốc

(CLO) Không chỉ Funtap mà một công ty game liên quan cũng liên tục đăng ký mới phát hành game Trung Quốc.

Tài chính - Bảo hiểm
Nhận chuyến đi Pháp 5 ngày 4 đêm xem Olympic 2024 cùng thẻ Vietcombank Visa

Nhận chuyến đi Pháp 5 ngày 4 đêm xem Olympic 2024 cùng thẻ Vietcombank Visa

(CLO) Khách hàng sử dụng thẻ Tín dụng và Ghi nợ quốc tế cá nhân mang thương hiệu Vietcombank Visa có cơ hội nhận được Chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm đến Pháp và vé tham gia Thế vận hội Olympic 2024.

Tài chính - Bảo hiểm
Agribank: 36 năm: Kiên định, vững vàng cùng sứ mệnh “Tam nông”

Agribank: 36 năm: Kiên định, vững vàng cùng sứ mệnh “Tam nông”

(NB&CL) 36 năm hình thành và phát triển (26/3/1988 – 26/3/2024) là tròn 36 năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) kiên định và thực hiện xuất sắc sứ mệnh riêng vốn có của mình “vì Tam nông”.

Tài chính - Bảo hiểm
Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank”

Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank”

(CLO) Ngày 22/3/2024, Vietcombank đã tổ chức thành công Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank” tại Trụ sở chính, 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tài chính - Bảo hiểm