Phẫu thuật thẩm mỹ gây chết người:

Khởi tố hình sự hay rút kinh nghiệm qua loa?

Thứ năm, 07/11/2019 09:37 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Làm đẹp là nhu cầu chính đáng đã có từ xa xưa của con người. Trong xã hội hiện đại, con người càng tiến gần hơn với việc đạt được vẻ đẹp như mong muốn, nhưng cũng phải chịu vô số sự cố hậu phẫu thuật thẩm mỹ.

Và đáng tiếc, còn quá ít các yêu cầu khởi tố hình sự - để cho thấy sự trân trọng an toàn sức khỏe, tính mạng con người - trong các sự cố phẫu thuật thẩm mỹ, từ phía các cơ quan hữu trách.

1. “Tai nạn” trong phẫu thuật thẩm mỹ đã xuất hiện từ lâu, nhưng “rúng động” nhất là sự kiện nữ khách hàng bị phi tang xác xuống sông sau khi phẫu thuật nâng ngực và tử vong tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) năm 2013. Cuối cùng, bản án 19 năm tù đã được tuyên cho người thực hiện chuỗi hành vi trên - Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường.

Tuy vậy, vụ án và bản án đã không phải là lời cảnh tỉnh đủ mạnh cho các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ (và cả các khách hàng) khi liên tiếp xuất hiện các ca biến chứng, tử vong, ở khắp mọi địa phương, nạn nhân ở mọi giới tính, độ tuổi, quốc tịch,… thời gian qua. Mới đây nhất là tại TP.HCM, chỉ trong 4 ngày đã có 2 trường hợp tử vong vì phẫu thuật thẩm mỹ.

Bác sĩ hợp đồng của EMCAS bị điều tra vụ giả chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ - Ảnh Hoàng Lan

Bác sĩ hợp đồng của EMCAS bị điều tra vụ giả chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ - Ảnh Hoàng Lan

Cụ thể, ngày 11/10, bệnh nhân tên C.T.L (59 tuổi, Việt kiều Mỹ) đến căng da mặt tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam (quận 3). Bệnh nhân được phẫu thuật lúc 14 giờ, rồi tới 21 giờ cùng ngày thì được chẩn đoán theo dõi sốc phản vệ sau phẫu thuật. Sau khi hội chẩn, hồi sức không hiệu quả, Kangnam đã gọi cấp cứu và chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Nhân Dân 115. Bệnh nhân tiếp tục được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy và tử vong vào tối 14/10.

Ngay sau đó, ngày 17/10, bệnh nhân V.N.A.T (33 tuổi) đến Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS (quận 10) đặt túi nâng ngực. Sau khi phẫu thuật hoàn thành, bệnh nhân đột ngột khó thở, mạch nhanh, huyết áp hạ. Chị V.N.A.T đã trút hơi thở cuối cùng ngay tối 17/10 tại Bệnh viện Nhân dân 115. Trước đó, tháng 9/2017, một nữ bệnh nhân thực hiện phẫu thuật gọt cằm làm đẹp cũng tại EMCAS đã tử vong đau xót.

Câu hỏi đặt ra là tại sao những thẩm mỹ viện như EMCAS vẫn hoạt động để rồi liên tiếp “gây họa” (!?).

Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS, nơi xảy ra liên tiếp các sự cố biến chứng, chết người.

Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS, nơi xảy ra liên tiếp các sự cố biến chứng, chết người.

2. Chiều 3/11/2019, Sở Y tế TP.HCM đã chính thức công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn về nguyên nhân của 2 trường hợp tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS và Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam.

Đối với sự cố y khoa xảy ra tại EMCAS, Hội đồng chuyên môn kết luận nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân V.N.A.T (33 tuổi) sau phẫu thuật đặt túi nâng ngực ngày 17/10 vì các lý do: Suy hô hấp do tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi ngạt dẫn đến ngừng tim; Rối loạn nhịp tim nặng do block dẫn truyền ở trong tim trên người bệnh có nhịp xoang chậm trước mổ.

Sai sót chuyên môn trong trường hợp này là do bác sĩ chưa khai thác hết tiền sử của người bệnh, chưa đánh giá hết nguy cơ. Bên cạnh đó, khi người bệnh có dấu hiệu bất thường về tim mạch, bệnh viện chưa hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân và chưa có quy trình theo dõi người bệnh sau phẫu thuật nên khó phát hiện khi người bệnh trở nặng để xử trí kịp thời…

Đối với sự cố y khoa xảy ra tại Kangnam dẫn đến tử vong cho bệnh nhân C.T.L (59 tuổi, Việt kiều Mỹ) sau phẫu thuật căng da mặt ngày 11/10 là do sốc phản vệ (mức độ 3,4) liên quan đến sử dụng thuốc tê trong quá trình phẫu thuật. Bệnh viện đã chẩn đoán phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng và các bước xử lý phù hợp theo phác đồ điều trị.

Qua kết luận của Hội đồng chuyên môn, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo Ban Giám đốc của 2 bệnh viện tổ chức họp để phân tích sai sót, rút kinh nghiệm để tránh lặp lại sự cố tương tự…

Về phần mình, Sở Y tế cho biết sẽ rút kinh nghiệm chuyên môn cho toàn ngành, đồng thời yêu cầu tất cả các cơ sở thẩm mỹ nghiêm túc triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo, khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chuyên môn TP.HCM liên quan đến an toàn người bệnh, các quy định chuyên môn và quy định pháp luật trong hành nghề…

Hai phận người đã uổng mệnh, cộng với nhiều thiệt hại về nhân mạng, sức khỏe người dân trước đó… chỉ được ngành y tế TP.HCM dùng những từ như “rút kinh nghiệm”, “báo động đỏ”, tiếp tục gieo vào xã hội những phẫn nộ, đau xót.

Khách hàng bị sự cố chết người tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam - Ảnh. VTC

Khách hàng bị sự cố chết người tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam - Ảnh. VTC

3. Trước những mạng người đã mất, những thiệt hại về sức khỏe, ám ảnh về tinh thần đã xảy đến với hàng loạt người dân, câu hỏi đặt ra lúc này là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của cơ sở phẫu thuật đến đâu, hay để kệ khách hàng tiền mất, tật mang, thậm chí vong mạng?

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) vừa có phân tích về các sự cố phẫu thuật thẩm mỹ dưới góc độ pháp lý, cụ thể: Theo Điều 29 - Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, hành vi thực hiện các dịch vụ y tế ngoài giấy phép sẽ bị phạt hành chính từ 50 - 70 triệu đồng.

Mặt khác, Khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP cũng quy định rõ: Chỉ những cơ sở làm đẹp được cơ quan chức năng cấp phép mới được thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có dùng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người!

Cũng theo Luật sư Hòa, trong trường hợp cơ sở thẩm mỹ làm chết người, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, những người trực tiếp tham gia phẫu thuật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (điều 129 BLHS 2015) hoặc tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (điều 315 BLHS 2015).

Theo đó, Điều 129 BLHS quy định, người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 5-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm…

Luật đã quy định rất rõ ràng, chi tiết, thiết nghĩ cơ quan quản lý bên cạnh việc siết chặt hơn nữa về điều kiện cấp phép hoạt động, tăng nặng chế tài xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phẫu thuật thẩm mỹ, thì cần xem xét trách nhiệm hình sự của các cá nhân, tổ chức trực tiếp gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân.

Thực tế hiện nay, việc thả nổi để các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa, xử lý trách nhiệm qua loa khi xảy ra sự cố,… không chỉ thể hiện sự vô cảm, vô trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà còn găm vào dư luận những hoài nghi về y đức, về dấu hiệu nhóm lợi ích trong hoạt động phẫu thuật thẩm mĩ - ngành đang được xem là “hốt bạc”.

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn