Không có tiền về quê lẫn thuê trọ, nhân viên bán vé sống trên xe buýt suốt 4 tháng
(CLO) Sống tạm bợ trên xe buýt suốt 4 tháng qua vì thất nghiệp, hơn chục nhân viên phải hứng nước từ máng xối, điện "câu" nhờ nhà dân, ăn mì tôm với trứng đến "ngán tận cổ"...
Thất nghiệp từ cuối tháng 6 khi thành phố dừng hoạt động xe buýt, "tiến thoái lưỡng nan" vì không đủ tiền để về quê lẫn thuê nhà trọ, ông Mai Thái Cường (52 tuổi, quê Hà Nội) cùng nhiều tài xế tại bến Đại học Quốc gia TP. HCM (TP. Thủ Đức) chọn cách ở lại trên xe.

Ông Cường ở lại trên xe buýt vì không đủ tiền về quê lẫn thuê trọ
Hai năm trước, cuộc sống ở quê quá khó khăn nên ông Cường vào TP. HCM làm nhân viên bán vé xe buýt. Giờ đây, tại mảnh đất hoa lệ này, người đàn ông tuổi ngoài 50 vẫn phải "chạy ăn từng bữa".

Thất nghiệp suốt 4 tháng TP. HCM giãn cách, ông Cường phải chạy ăn từng bữa
Suốt mấy tháng qua, ông ăn mì tôm với trứng nhiều đến "ngán tận cổ". Nước sử dụng hàng ngày được hứng từ máng xối xe buýt hoặc mua ngoài. Những lúc không đủ nước, hai ngày ông Cường mới tắm một lần.

Ông Cường quét dọn lại "nhà" suốt 4 tháng nay của mình
"Tôi phải giấu gia đình là cuộc sống trong này vẫn ổn vì ở ngoài quê họ cũng khó khăn. Tôi thất nghiệp nên không có tiền gửi về cho con cái được, thấy buồn lắm", ông Cường nói, mặt cúi ngằm.
Sống cùng ông Cường tại bến xe này còn có anh Trần Phú Quý (quê Đồng Nai). Hai tuần nay, anh đón thêm cậu con trai út 4 tuổi lên cho đỡ nhớ.

Anh Quý đón con trai 4 tuổi lên sống cùng cho đỡ nhớ
Trước đó, con trai út của anh sống cùng mẹ ở Đồng Nai, còn cậu con trai lớn 12 tuổi đang ở quê Đồng Tháp với ông bà. Gia đình anh mỗi người một nơi.

Thất nghiệp, anh Quý phải vay món nợ 20 triệu đồng để trang trải trong gia đình
Thất nghiệp, anh Quý phải vay món nợ 20 triệu đồng để trang trải trong gia đình. Người đàn ông trông từng ngày xe buýt hoạt động lại.

Tối đến, hai cha con anh Quý mắc võng, gọi về cho vợ ở Đồng Nai
Cũng tha phương cầu thực, anh Thạch Chăm Pha (37 tuổi, dân tộc Khmer) lên TP. HCM mưu sinh hơn 15 năm với đủ nghề. Vì bị bệnh tim không làm được những công việc nặng nhọc, 2 năm gần đây anh theo nghề nhân viên bán vé xe buýt với mức lương khoảng 6 triệu đồng.

Xe buýt đã là "nhà" của anh Pha từ trước dịch
Phải chi trả tiền thuốc men, ăn uống, sinh hoạt... anh Pha cho biết không còn đủ kinh phí để thuê nhà trọ. Vì thế, từ trước dịch anh đã chọn xe buýt làm "nhà".

Sẵn bến xe có khoảng đất trống, anh Pha tận dụng trồng rau
Sẵn bến xe có khoảng đất trống, anh Pha tận dụng trồng rau. Bữa tối của anh thường là thức ăn từ trưa được chiên lại.
Khoảng 18h30, khi vừa nấu cơm xong, anh tắm rửa, giặt quần áo bằng những xô nước được mua từ nhà dân cạnh bến xe với giá 50.000 đồng/tháng.

Anh tắm rửa, giặt quần áo bằng những xô nước được mua từ nhà dân cạnh bến xe với giá 50.000 đồng/tháng
"Nước ở đây có phèn nên chỉ dùng tắm giặt. Để nấu ăn, uống thì phải hứng mưa từ máng xối xe hoặc mua nước bình mới đủ. Điện thì 'câu' của nhà dân với giá 100.000 đồng mỗi tháng. Mỗi ngày tôi chỉ dám chi tiêu khoảng 50.000 đồng, còn để dành tiền mua thuốc nữa", anh cho biết.

Về đêm, họ thường ngồi uống trà, trò chuyện quanh chiếc bàn làm bằng bánh xe
Cuộc sống buồn tẻ, bên trong xe buýt ngột ngạt nên ban ngày mọi người hay ra công viên gần bến xe dạo chơi. Về đêm, họ thường ngồi uống trà, trò chuyện quanh chiếc bàn làm bằng bánh xe.

Ông Cường, anh Pha và vài tiếp viên khác xin được công việc phụ hồ
Mấy ngày gần đây, ông Cường, anh Pha và vài nhân viên khác xin được công việc phụ hồ, làm từ sáng đến chiều ở một công trình xây dựng cách bến xe 4 km. Với họ, giờ "có gì làm nấy" để kiếm từng đồng trang trải trong lúc chờ xe buýt hoạt động lại.

Hiện có 80 xe buýt tại bến xe Đại học Quốc gia TP. HCM "nằm im" do dịch bệnh
Ông Nguyễn Vĩnh Tùng, Quản lý bến xe buýt Đại học Quốc gia TP. HCM cho biết, hiện có gần 50 tài xế, nhân viên bán vé tại đây bị kẹt lại do dịch. Khoảng hơn 10 người vì quá khó khăn nên phải tá túc trên xe buýt.