Không để học phí thành rào cản trong tiếp cận giáo dục đại học

Thứ năm, 05/08/2021 09:47 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, trước đây chính sách đào tạo đại học của nước ta rất thành công trong việc tạo điều kiện cho con em tiếp cận giáo dục đại học, thậm chí cho đưa đi đào tạo nước ngoài. Chính sách ưu việt này cần được phát huy trong bối cảnh mới.

Học phí tăng phi mã

Nhiều năm trở lại đây, học phí các trường đại học công tăng mạnh. Chưa kể, các hệ đào tạo chất lượng cao có học phí “rất cao” mà chỉ có học sinh khá giả, ở thành phố mới có thể tiếp cận. Việc đồng loạt các trường đại học bước vào thực hiện cơ chế tự chủ, không nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên gần như tăng học phí trở thành “lẽ sống” bắt buộc đối với các nhà trường.

Đơn cử như Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, năm nay từng dự kiến thu học phí các ngành Y khoa, Dược học, Răng hàm mặt là 32 triệu đồng mỗi năm. Trong khi năm ngoái, sinh viên có hộ khẩu tại TP. Hồ Chí Minh chỉ đóng 14,3 triệu. Năm 2020, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh tăng học phí từ 13 triệu đồng lên 70 triệu đồng áp dụng cho ngành Răng hàm mặt, ngành Y khoa thu 68 triệu đồng, các ngành thấp cũng đến 30- 40 triệu/năm học. Năm nay, dù chưa công bố học phí nhưng theo lộ trình đã đề ra, khả năng học phí từng ngành tăng thêm 10%. Với mức học phí như vậy, học sinh nghèo gần như không có cơ hội để theo học ngành Y.

anh1

Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) dự kiến tăng học phí với tất cả ngành đào tạo, trong đó mức học phí chương trình đại trà tăng hơn gấp đôi, từ 12 triệu đồng một năm lên 25 triệu đồng (tương đương 2,5 triệu đồng mỗi tháng cho năm học 10 tháng). Mức thu này sẽ tăng lên 27,5 triệu đồng ở năm thứ hai và lên 30 triệu đồng ở năm thứ ba, giữ nguyên trong năm cuối. Chưa kể, các chương trình đào tạo có dạy bằng tiếng Nhật, tiếng Anh thì mức học phí trên 50 triệu đồng/năm.

Trước xu thế các trường đại học tăng học phí lên gấp đôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng có kiến nghị với Chính phủ yêu cầu các trường Đại học công lập giữ nguyên mức học phí như các năm trước nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh trong năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, nhiều người xem đề xuất trên chỉ là giải pháp tình thế, không phải giải pháp lâu dài. Bởi nếu không có chính sách phù hợp thì không thể ngăn được đà tăng học phí của các nhà trường hiện nay.

Mới đây, ông Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội có những phát biểu trước Quốc hội gây chú ý khi cho rằng: “Phải đảm bảo học phí cũng là rào cản kỹ thuật, tránh việc học sinh lao vào học đại học trở thành “học đại”. Phải coi học phí đối với người học là nguồn đầu tư và theo thông lệ quốc tế, học phí bao giờ cũng bằng hai năm tiền lương sau khi tốt nghiệp”.

Quan điểm xem học phí là rào cản kỹ thuật, tránh học sinh lao vào học đại học của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhanh chóng trở thành chủ đề gây tranh luận. Một lần nữa vấn đề học phí đại học, xu hướng tăng học phí của các trường công lập được các chuyên gia, lãnh đạo các nhà trường đưa ra bàn luận một cách nghiêm túc. 

Phải quản chặt, tránh tùy tiện

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần phải có nghiên cứu toàn diện về mức học phí ở bậc đại học để tránh tùy tiện trong việc đưa ra mức học phí mà không có căn cứ của các nhà trường. Hiện chưa có nghiên cứu nên nhiều cơ sở giáo dục đại học nghĩ ra, định ra học phí thiếu tính khoa học, gây tranh cãi.

“Để có thể quy định mức học phí đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần nghiên cứu tổng thể, bài bản, không thể tùy tiện đưa ra các con số rồi tiến hành thu” – ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh. 

Cũng theo vị Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam: “Do đặc thù tính chất xã hội chủ nghĩa nên chính sách học phí đại học phải nghiên cứu đầu tư cho người nghèo. Cách đầu tư cho người nghèo cần được làm rõ. Lâu nay vì người nghèo nên mức học phí đại học thấp, điều đó cũng không khoa học”.

Ông Trần Xuân Nhĩ còn cho rằng: “Đối với giáo dục và đào tạo, tự chủ không phải tự túc. Nhà nước phải đầu tư cho giáo dục, vì đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho xã hội. Ông cha ta tổng kết: Một người lo bằng kho người làm. Nếu đại học đào tạo được nguồn nhân lực tốt chắc chắn nền kinh tế sẽ đi lên”.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng, chế độ của ta mang tính ưu việt có quan tâm đến quyền được học, quyền tiếp cận bình đẳng trong giáo dục của thế hệ trẻ.

“Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng thành công trong việc đưa ra chính sách giáo dục như vậy đã mang đến thành công, tạo điều kiện, cơ hội cho nhiều người dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng tiếp cận được với giáo dục đại học. Thậm chí, còn đưa con em đi đào tạo nước ngoài. Tính ưu việt đó nên được phát huy, tiếp tục trong bối cảnh mới. Quan điểm của tôi, trong chính sách phải tạo được cơ hội cho học sinh tiếp cận giáo dục đại học” - ông Thái Văn Thành nhấn mạnh. 

Cũng theo vị này, xu thế các trường đại học đầu tư công nghệ để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngang bằng với khu vực. Để đáp ứng điều đó học phí sẽ tăng nhưng nên có quy định mức trần học phí. “Không thể để các trường tự đặt ra học phí nhằm ngăn cơ hội học tập phần đông của con em nhân dân lao động. Vì thế cần có khung trần học phí của Chính phủ” - vị này nhấn mạnh và cho rằng, xu hướng đại học hiện nay theo mô hình đại chúng, không phải đại học tinh hoa. Chính vì thế càng không thể tạo ra “rào cản” bằng học phí để ngăn con em đi học đại học.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trương Tấn Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Đồng Tháp cho rằng, vẫn nên quy định mức trần học phí đối với trường công tự chủ. Vì đối với các trường công, sứ mệnh chung là sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nên việc định mức thu học phí ở mức vừa phải, thấp hơn hoặc tối đa bằng mức trần mà Nhà nước quy định là việc làm cần thiết nhằm hướng đến tạo cơ hội, bình đẳng trong giáo dục cho tất cả người học (kể cả những người có hoàn cảnh khó khăn).

Tuy nhiên, để thuyết phục được các trường công thì mức trần học phí cần tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá nhằm đảm bảo nguồn thu đủ bù đắp chi phí đào tạo. Mức trần cũng nên thay đổi theo từng năm để tránh trượt giá.

Qua trao đổi với các chuyên gia, có thể thấy vấn đề học phí đại học cần thiết phải được nghiên cứu, quản lý một cách khoa học. Nhà nước phải có đầu tư, hỗ trợ. Đặc biệt, không thể để học phí thành rào cản ngăn đi học đại học của đại đa số con em nông thôn, miền núi, học sinh nghèo.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

(CLO) Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé trai 11 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng vết thương hở cổ tay và bàn tay hai bên do tai nạn sinh hoạt, may mắn trước đó trẻ đã được sơ cứu ban đầu đúng cách và kịp thời.

Giáo dục
Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

(CLO) Quảng Nam vừa phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn điều hành hoạt động của trường CĐ Y tế Quảng Nam, sau khi hiệu trưởng trường này bị khởi tố.

Giáo dục
Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

(CLO) Ngày hội việc làm - USSH Job Fair 2024 là hoạt động thường niên do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM phối hợp cùng các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm giới thiệu các cơ hội việc làm, thực tập đến sinh viên.

Giáo dục
Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

(CLO) Trên đường đi học về, em T. (học sinh lớp 7) bất ngờ bị 1 nhóm thanh niên dùng ghế nhựa, mũ bảo hiểm tấn công gây thương tích.

Giáo dục
Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

(CLO) Bà Đỗ Thị Huyền Trang (giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị tố lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn nạn nhân lại là các đồng nghiệp của bà Trang.

Giáo dục