Không đồng tình với các hành động gây o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền
(CLO) Tại Hội nghị EAS và Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26 (ARF-26). Đề cập đến vấn đề Biển Đông, các nước nhấn mạnh mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, không đồng tình với các hành động gây o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền.

Tại các Diễn đàn và Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: TTXVN
Đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế
Theo đó, vào ngày 2/8/2019, tại Bangkok, Thái Lan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham dự Cấp cao Đông Á (EAS) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS lần thứ 9. Các nước tham gia EAS gồm: 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Australia, Mỹ, Nga.
Vấn đề Biển Đông được các nước trao đổi sâu rộng trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng. Nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến trên thực địa gần đây, trong đó có các hành vi quân sự hóa và các hoạt động đe dọa hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và tác động bất lợi đến môi trường hòa bình, ổn định chung ở khu vực.
Các nước cũng nhấn mạnh mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, không đồng tình với các hành động gây o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền.

Về vấn đề Biển Đông, nhiều Bộ trưởng tham dự ARF-26 cũng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây, trong đó có những sự cố nghiêm trọng xảy ra ở khu vực. Ảnh: TTXVN
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26 (ARF-26) với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước và tổ chức tham gia ARF cũng diễn ra vào ngày 2/8. Đề cập đến tình hình Biển Đông, nhiều Bộ trưởng cũng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây, trong đó có những sự cố nghiêm trọng xảy ra ở khu vực.
Các Bộ trưởng đã tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982; kêu gọi kiềm chế, không quân sự hóa cũng như không có các hành động làm phức tạp tình hình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Ghi nhận một số tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC), các Bộ trưởng nhất trí tình hình hiện nay càng đòi hỏi một COC hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các Bộ trưởng dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Tại Hội nghị và Diễn đàn trên, về tình hình Biển Đông các quan ngại được các nước EAS và ARF bày tỏ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ thêm về các hoạt động đơn phương vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển; khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong khi ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn còn những quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, bao gồm các hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông, đặc biệt là những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, qua đó, kêu gọi tăng cường các lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Quốc Trần