Không được để nhân dân mất niềm tin vào một nền dân chủ pháp quyền
(CLO) Niềm tin của nhân dân và hàng triệu thí sinh vào một nền dân chủ pháp quyền sẽ bị lung lay nếu các phụ huynh có con được can thiệp nâng điểm tại kỳ thi quốc gia 2018 không bị truy tố trước pháp luật.

Số thí sinh Hòa Bình, Sơn La trúng tuyển vào trường công an và bị trả về. Ảnh: Trị Thiên/tuoitre.vn
Thực tế, từ trước khi hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và và thi đại học được gộp vào làm một thì mùa thi nào cơ quan chức năng cũng phát hiện những tiêu cực. Những năm trước đây, qua báo chí, công luận, qua điều tra, phát hiện của lực lượng chức năng mà hàng loạt các đường dây thi thuê, thi hộ đã được phát hiện.
Nhắc đến điều này để thấy rằng, tiêu cực trong thi cử năm nào cũng có. Điều này không chỉ là “đặc sản thi cử” ở riêng các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam – vốn là những dân tộc coi trọng việc thi cử mà ngay cả các nước phương Tây – lâu nay được tiếng là coi trọng năng lực hơn bằng cấp – cũng xảy ra những tiêu cực trong thi cử. Vụ gian lận thi cử tại Mỹ vừa xảy ra là một ví dụ.
Cần nhắc lại lịch sử của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia một chút, tháng 8/2014, sau khi tổ chức xong kỳ thi đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến dư luận về việc hợp nhất hai kỳ thi. Được đông đảo nhân dân và dư luận ủng hộ, ngày 9/9/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức chốt phương án thi quốc gia kể từ mùa thi năm 2015.
Phương thức thi cử “hai trong một” này được kỳ vọng giảm bớt gánh nặng xã hội, các chi phí của từng gia đình có con đi thi, giảm bớt việc học hành máy móc; nhất là từ năm 2017, hầu hết các môn thi được chuẩn hóa thi theo hình thức trắc nghiệm thì các nhà quản lý hy vọng đảm bảo phân loại, sàng lọc thí sinh một cách chuẩn xác, kiểm tra chính xác tương đối được kiến thức của thí sinh, tránh học vẹt, học tủ...
Tháng 7/2018, sau khi công bố điểm thi của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, những bất thường về điểm thi của tỉnh Hà Giang được phát hiện. Ngay sau đó là các địa phương Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình. Riêng Lạng Sơn, sau khi tổ công tác của Bộ Giáo dục & Đào tạo chấm lại các bài thi nghi vấn đã khẳng định khẳng định chưa phát hiện sai phạm trong công tác tổ chức thi của hội đồng thi này. Do vậy, Lạng Sơn đã ra khỏi “danh sách đen”.

Ông Hoàng Tiến Đức (bìa phải) - giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, chứng kiến việc tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam ông Lò Văn Huynh - trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng sở GD-ĐT tỉnh. Ảnh: tuoitre.vn
Đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau liên quan tới vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh thành, trong đó Sơn La có tám người, Hòa Bình có ba người và Hà Giang có năm người. Tất cả những người bị khởi tố đều là những cán bộ có trách nhiệm, liên quan trực tiếp tới việc thay đổi điểm thi của các thí sinh tại địa phương.
Đến nay, chưa có bất kỳ phụ huynh nào trong số các phụ huynh có con được nâng điểm thi trong kỳ thi tiêu cực này bị khởi tố.
Trên thực tế được báo chí công bố, gần như tất cả các trường hợp thí sinh được nâng điểm đều rơi vào con em lãnh đạo hoặc có quan hệ mật thiết đối với những thành viên có “quyền sinh quyền sát” đối với các bài thi.
Bằng sự hồn nhiên tuyệt đối, nhiều lãnh đạo đã bình thản trả lời công luận rằng: “Tôi hoàn toàn không hay biết gì về việc con em mình được nâng điểm”; hoặc “Tôi không liên quan”; hoặc “Tôi không can thiệp, không tác động”, v.v... Trong khi đó, nhiều người khác thì né tránh và im lặng trước các câu hỏi.
Liệu có thể tin được rằng đột nhiên các thành viên hội đồng tuyển sinh kỳ thi quốc gia lại ngẫu nhiên biết số báo danh của các thí sinh diện “con em lãnh đạo” để tự nhiên “gắp điểm bỏ bài thi” như thực tế đã diễn ra?
Đời sống đặt ra một số ý kiến về việc các phụ huynh nên có tự trọng và tự nhận hình thức xử lý giống như cách một số em tự viết đơn xin thôi học sau khi bị phát hiện nâng điểm. Tuy nhiên, đây là cách nhìn chưa đầy đủ đối với một xã hội đề cao Đạo đức – thứ vốn không phải là tối ưu để quản lý và vận hành xã hội.
Từ logic đời sống, người ta thấy hoàn toàn có thể xảy ra hai khả năng: Những phụ huynh có con được can thiệp, nâng điểm thi có thể dùng tiền (hoặc vật chất có giá trị) để mua chuộc hoặc dùng quyền lực để can thiệp buộc cấp dưới phải can thiệp nâng điểm thi cho thí sinh cụ thể (dựa vào số báo danh).
Ở một nhà nước pháp quyền như Việt Nam, nếu dùng tiền để can thiệp thì đây chắc chắn là hành vi thuộc tội đưa hối lộ - được quy định, hướng dẫn tại Điều 364, điều 365 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015. Còn nếu sử dụng đến quyền lực thì sẽ vi phạm vào Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (quy định tại điều 283 Bộ luật Hình sự).
Nếu không thưc hiện điều tra nghiêm túc và khởi tố đúng người đúng tội thì tất cả sẽ dẫn đến tình trạng “hòa cả làng”, làm lung lay niềm tin của nhân dân và hàng triệu thí thí sinh vào hệ thống hành pháp, tư pháp; và sự trang nghiêm của nền tảng pháp quyền đối với một đất nước dân chủ.
Nếu không khởi tố thì ai dám bảo đảm mấy tháng nữa lại thi THPT Quốc gia sẽ không tiếp tục có gian lận điểm thi và lần này sẽ tinh vi hơn, nhẹ nhàng hơn. Dù chỉ 0,5 hay 1 điểm cũng có thể làm thay đổi mọi thứ?
Tử Hưng