Không phải ông Trần Đình Long, tỷ phú này mới giúp nhà đầu tư kiếm lời nhất
(CLO) Nửa đầu năm 2021, không phải tỷ phú Trần Đình Long, vị doanh nhân này mới giúp nhà đầu tư kiếm lời nhiều nhất.
Nửa đầu năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn tàn phá thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam không hề hạ nhiệt mà còn đi lên mạnh mẽ. Đáng chú ý nhất, cổ phiếu HPG giúp ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát trở về ngôi vị người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu HPG giúp ông Trần Đình Long trở về ngôi vị người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam.
Không chỉ có vậy, trong danh sách Những người giàu nhất thế giới do Tạp chí Forbes thống kê, ông Long lần đầu tiên vượt qua bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet để trở thành người giàu thứ hai Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Long lại không phải tỷ phú giúp cho danh mục nhà đầu tư tăng mạnh nhất. Vị trí này thuộc về ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
Nói cách khác, ông Trịnh Văn Quyết là tỷ phú mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho nhà đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2021.

Ông Trịnh Văn Quyết là tỷ phú mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho nhà đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 7/6, FLC dừng ở mức 13.450 đồng/cổ phiếu, tăng 8.900 đồng/cổ phiếu, tương đương 200% so với phiên cuối cùng của năm 2020. Nghĩa là, chưa đầy 6 tháng, FLC đã giúp tài khoản nhà đầu tư tăng gấp 3 lần. Vốn hóa thị trường FLC có thêm gần 8.400 tỷ đồng có nghĩa là túi tiền nhà đầu tư có thêm 8.400 tỷ đồng.
Một trong những thông tin hỗ trợ cho đà bứt phá của FLC chính là quyết định IPO ra toàn cầu với Bamboo Airways. Hồi tháng 4 năm nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cho biết hãng hàng không này đang lên kế hoạch huy động 200 triệu USD. Nhờ vậy, Bamboo Airways kỳ vọng sẽ đạt 4 tỷ USD thị giá.
Không lâu sau đó, Bamboo Airways điều chỉnh đăng ký kinh doanh, qua đó tăng vốn điều lệ đăng ký từ 12.500 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng và trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Ông Trần Đình Long cũng mang lại lợi nhuận rất lớn cho nhà đầu tư nhưng tính theo tỷ suất, ông Long vẫn đứng sau ông Quyết rất nhiều.
Đóng cửa phiên 7/6, HPG dừng ở mức 52.700 đồng/cổ phiếu, tăng 22.230 đồng/cổ phiếu, tương đương 73% so với phiên 31/12/2020. Điều đó có nghĩa khoản đầu tư của cổ đông Hòa Phát có thêm 73% sau nửa năm, thấp hơn nhiều so với con số gần 200% mà FLC làm được.
Cổ phiếu Hòa Phát tăng mạnh trong bối cảnh giá thép không ngừng lập các kỷ lục mới.
Trong suốt nửa đầu năm 2021, một tỷ phú khác cũng được nhà đầu tư “gọi tên” nhiều lần chính là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland). Cổ phiếu NVL của Novaland tăng tốc và lọt vào “Câu lạc bộ các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng”.
Sau gần nửa năm giao dịch, NVL đã tăng 77.410 đồng/cổ phiếu, tương đương 130% lên 138.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, những ai nắm giữ cổ phiếu NVL suốt thời gian này sẽ được hưởng lãi suất lên đến 130%.
Từ cuối năm 2020, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đã tăng rất mạnh và tìm lại mốc 100.000 đồng/cổ phiếu. Tới nửa đầu năm 2021, VIC không hề hạ nhiệt. Dù vậy, do đã đạt mức giá quá cao nên VIC có tỷ lệ tăng không quá mạnh mẽ.
Chốt phiên 7/6, VIC tạm nghỉ ở mức 123.000 đồng/cổ phiếu, tăng 14.800 đồng/cổ phiếu, tương đương 14%. VIC đi lên khi bất chấp đại dịch Covid-19, doanh thu và lợi nhuận quý 1/2021 của Vingroup vẫn tăng đột biến.
Thời gian qua, cổ phiếu ngân hàng được xem là dẫn dắt thị trường đi lên. Vì vậy, nhiều mã như TCB, LPB, SHB,... tăng mạnh nhưng xét về tỷ suất, các cổ phiếu đại gia này vẫn đứng sau FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết.