Xã hội

Không quy đổi điểm, xét tuyển liệu còn công bằng?

Văn Hiền 18/07/2025 09:17

(CLO) Sau khi điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 được công bố, hàng trăm nghìn thí sinh bước vào giai đoạn quan trọng: đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

Một thuật ngữ chuyên môn tưởng chừng xa lạ là “quy đổi điểm” bất ngờ trở thành tâm điểm quan tâm, bởi đây chính là yếu tố kỹ thuật góp phần quyết định sự công bằng trong xét tuyển.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) lý giải: "Quy đổi điểm không phải là “biến điểm thấp thành cao” hay gây bất lợi cho thí sinh, mà thực chất là một bước hiệu chỉnh kỹ thuật sử dụng lý thuyết khảo thí, nhằm tạo ra sự công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển và giữa các phương thức tuyển sinh".

514262549_1039344898362599_3993565408303098953_n.jpg
Việc quy đổi thực chất là một bước hiệu chỉnh kĩ thuật sử dụng lí thuyết khảo thí nhằm bảo đảm công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển cũng như giữa các phương thức tuyển sinh khác nhau. Ảnh: IUH

Giả sử môn A có đề khó hơn, điểm trung bình toàn quốc là 5; còn môn B dễ hơn, điểm trung bình là 7. Một học sinh đạt 6 điểm ở môn A, nghĩa là vượt trung bình, rõ ràng cần được đánh giá cao hơn so với học sinh cũng được 6 điểm ở môn B, tức là dưới trung bình. Nhưng nếu chỉ cộng điểm thô thì sự chênh lệch năng lực này sẽ bị xóa nhòa” – GS. Hà nêu ví dụ cụ thể.

Đó là lý do ngành giáo dục phải sử dụng các công cụ chuẩn hóa như Z-score, T-score hay bách phân vị... để hiệu chỉnh điểm, đưa kết quả của các môn khác nhau về một thang điểm chung. Nhờ đó, các tổ hợp xét tuyển trở nên công bằng hơn, đặc biệt trong bối cảnh các trường sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh.

Điều quan trọng là: học sinh không cần tự quy đổi. Các em chỉ cần nộp kết quả thi như bình thường, mọi bước hiệu chỉnh sẽ được Bộ GD&ĐT và các trường đại học thực hiện theo quy trình chặt chẽ, căn cứ vào phổ điểm thực tế.

Chúng tôi quy đổi ở bước trung gian để bảo đảm tính công bằng, còn kết quả vẫn được trả về dưới dạng tổng điểm thô quen thuộc để dễ tiếp cận” – GS. Hà nhấn mạnh.

511156271_1037867531843669_8442666803352192359_n.jpg
Năm nay Bộ GD&ĐT cũng triển khai việc quy đổi điểm thi giữa các phương thức tuyển sinh khác nhau, chẳng hạn giữa điểm thi theo phương thức đánh giá năng lực về điểm thi tốt nghiệp THPT tại ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển. Ảnh: IUH

Theo Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT, việc quy đổi điểm không chỉ phục vụ tuyển sinh mà còn là công cụ mạnh trong quản lý giáo dục.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quốc gia duy nhất được tổ chức đồng bộ, nên cho phép so sánh chất lượng giáo dục giữa các địa phương và giữa các môn học.

514276025_1038423855121370_3456564242654831316_n.jpg
Trong lý thuyết khảo thí, các phương pháp để hiệu chỉnh điểm thô như Z-score (điểm Z), Robust Z-score (điểm RZC), T-score (điểm T), điểm bách phân vị... thường được sử dụng vì giúp loại bỏ (hoặc ít nhất là giảm thiểu) sự chênh lệch về độ khó giữa đề thi của các môn khác nhau, bằng cách chuẩn hóa điểm số trong từng môn theo phân phối nội tại của môn đó. Ảnh: IUH

Với điểm chuẩn hóa, lần đầu tiên ngành giáo dục có thể đánh giá mức độ tiến bộ theo từng năm học, từng tỉnh thành và thậm chí từng môn học.

Điều này giúp Bộ GD&ĐT không chỉ đảm bảo minh bạch trong thi cử, mà còn góp phần xây dựng chính sách giáo dục dựa trên dữ liệu thực chứng.

514098069_1037867521843670_5475309738185980295_n.jpg
Trong trường hợp 2 phổ điểm có cùng phân phối, nếu điểm trung bình của môn A là 5, môn B là 7, thì độ chênh điểm thô giữa hai môn là 2 điểm; khi đó, điểm 6 môn A được coi là tương đương điểm 8 môn B. Tất nhiên, cách thức áp dụng thực tế sẽ phức tạp hơn để bảo đảm tính công bằng trong mọi trường hợp phân phối phổ điểm. Ảnh: IUH

Về phía thí sinh, việc công khai phổ điểm và mức chênh lệch giữa các tổ hợp còn giúp các em lựa chọn chiến lược xét tuyển khôn ngoan, tối ưu hóa khả năng trúng tuyển – đặc biệt với những em có điểm không quá cao.

“Quy đổi điểm là một bước đi tất yếu để duy trì nguyên tắc công bằng, trung thực – đúng với tinh thần ‘học thật, thi thật’ đang được toàn ngành thúc đẩy”, GS. Hà chia sẻ.

Trong thời đại dữ liệu và chuẩn hóa, điểm số không chỉ là con số đơn thuần mà là ngôn ngữ của sự công bằng. Và “quy đổi điểm”, dù thầm lặng, đang trở thành chiếc chìa khóa mở cánh cửa đại học công bằng và minh bạch hơn cho mọi học sinh Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không quy đổi điểm, xét tuyển liệu còn công bằng?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO