32.000 người tin vào mức lợi nhuận siêu khủng và bị sập bẫy Công ty Cổ phần Modern Tech khi Công ty này cam kết trả lãi suất 48%/tháng khi đầu tư vào đồng tiền ảo ifan. Nếu rủ thêm người nữa tham gia cùng thì được hưởng thêm 8%, tức là 56%/tháng, tương đương với 576%-672%/năm. Đây là mức lãi không tưởng, cao gấp hàng trăm lần lãi suất ngân hàng nhưng hàng ngàn người vẫn tin. Có một điều hết sức lạ lùng là tại sao Modern Tech lại có thể dễ dàng tổ chức hàng loạt hội thảo tại nhiều địa điểm, thu hút hàng chục ngàn người mà các cơ quan chức năng không lên tiếng cảnh báo rủi ro, tìm cách ngăn ngặn trước hiện tượng lừa đảo trắng trợn như thế. Nhà chức trách ở đâu khi Modern Tech tung hoành ngang dọc khắp nơi để huy động vốn cho dự án tiền ảo iFan? Câu chuyện quản lý tiền ảo, một lần nữa, lại trở thành vấn đề nóng không thể không giải quyết.
Tiền ảo “vô hình”
Vụ việc người dân thành phố Hồ Chí Minh kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech vào chiều 08/04 tố công ty huy động trái phép 15.000 tỷ đồng bằng việc phát hành tiền ảo IFan, lôi kéo người dân tham gia bằng hình thức đa cấp với cam kết lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng đang gây rúng động dư luận.
Hiện chưa có kết luận của cơ quan điều tra nhưng theo thông tin do người dân cung cấp, vụ việc này vừa mang dáng dấp của mô hình Kinh doanh đa cấp, vừa có yếu tố tiền ảo (tiền kỹ thuật số). Trong khi ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa công nhận tiền ảo là một loại tài sản.
Đại diện truyền thông của NHNN cho biết cơ quan này đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo người dân về tính hợp pháp của loại hình tiền ảo. Hiện tại NHNN đang phối hợp với các bộ ngành phối hợp soạn thảo thông tư về quản lý tiền ảo. Trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đã khẳng định Việt Nam chưa công nhận tính hợp pháp của loại hình tiền ảo.
Liên quan đến yếu tố bán hàng đa cấp trong vụ việc của Công ty Modern Tech thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương, trao đổi với PV Infonet, ông Đinh Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho rằng vụ việc này thực chất là lừa đảo qua mạng, do đó thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Anh (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này không thể nói Modern Tech bán hàng đa cấp. Lý do là Nghị định số 42 năm 2014, được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 40 năm 2018 quy định về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp, chỉ áp dụng đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp là hàng hóa, trong khi tiền ảo không được coi là một loại hàng hóa, nên không thuộc quản lý của Nghị định này.
Người dân TP.HCM treo băng rôn tố cáo Công ty Cổ phần Modern Tech chiều 08/04.
Cần quy định chặt chẽ để quản lý
Theo Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, chính người chơi cũng vi phạm pháp luật bởi luật Việt Nam không cho phép đầu tư tiền ảo. Đại tá Phan Mạnh Trường khẳng định việc công ty nói trên huy động vốn của người dân để đầu tư vào tiền ảo iFan và Pincoin là giao dịch trái pháp luật. Người chơi đầu tư tiền ảo, nhưng lại bị mất tiền thật, vừa có thể bị xử lý hình sự.
Đại úy Nguyễn Nam Hào (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng C46 - Bộ Công an) phân tích thêm, về xử lý vi phạm, theo quy định tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền 150-200 triệu đồng.
Bộ Công an và Công an TP.HCM từng cảnh báo người dân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác nhưng người dân lại bỏ qua các cảnh báo và lao vào đầu tư tiền ảo.
Điều đáng nói là kể từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào thực hiện hành vi “phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả” gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp gây thiệt hại từ 3 tỷ đồng trở lên, thì có thể bị phạt tù đến 20 năm.
Ông Hào nhấn mạnh, cho đến nay, theo pháp luật Việt Nam, bitcoin và tiền điện tử không phải đồng tiền pháp định, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Các hình thức ICO (kêu gọi, huy động vốn đầu tư) tiền điện tử chưa được pháp luật chấp nhận. Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và hiện nay vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Đại úy Nguyễn Nam Hào kiến nghị, với thực tế nước ta hiện nay thì cần có những quy định chặt chẽ và cụ thể hơn để quản lý loại tiền ảo này, không để tội phạm lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội, rửa tiền, tẩu tán tài sản.
Các loại tiền ảo được coi là phương tiện thanh toán không hợp pháp theo luật Việt Nam. Người phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo có thể bị xử lý hành chính theo Điều 28 Nghị định 96/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; tùy mức độ vi phạm có thể bị truy tố hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Tuy nhiên, theo thông tin, iFan huy động vốn bằng hình thức tiền ảo nhưng thực tế người tham gia chỉ mua vào chứ không thực hiện giao dịch bán và kiếm lợi nhuận, tức là người tham gia không sử dụng tiền ảo để giao dịch mà bị lừa góp vốn dưới hình thức “tiền ảo”.
Theo luật, người tham gia có thể làm đơn tố giác tội phạm và khởi kiện dân sự đòi tài sản. Tuy nhiên, vấn đề chứng minh và kiện đòi tài sản rất khó, vì người tham gia chuyển tiền cho các cá nhân thuộc Công ty Modern Tech nhưng không có hợp đồng hoặc thỏa thuận chứng minh về mục đích chuyển tiền. Ngay cả trong trường hợp chứng minh được, việc người tham gia lấy lại được khoản tiền đã nộp còn tùy thuộc vào việc cơ quan điều tra kê biên và thu hồi tài sản phạm tội cũng như giá trị của tài sản được thu hồi.
Cũng cần nhìn nhận về trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý đã thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu về đồng tiền ảo.
Hơn nữa các chương trình hội nghị, hội thảo diễn thuyết diễn ra công khai mà không bị kiểm soát, quản lý. Các thông tin về tiền ảo về lợi nhuận chỉ số tăng giảm, quy đổi rất phổ biến trên mạng internet mà không hề bị kiểm soát, cảnh báo.
Khánh An