Không thể vì một vài “con sâu” mà lập tức siết chặt thị trường trái phiếu

Thứ hai, 25/04/2022 16:07 PM - 0 Trả lời

(CLO) Những hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp gần đây không thể hiện được bức tranh toàn cảnh của của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có cái nhìn công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi nhiều tố lãnh đạo của hàng loạt doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, tài chính về các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, hoặc hành vi phát hành trái phiếu sai quy định.

khong the vi mot vai con sau ma lap tuc siet chat thi truong trai phieu hinh 1

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi nhiều tố lãnh đạo của hàng loạt doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, tài chính.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc khởi tố các lãnh đạo vi phạm pháp luật là điều rất cần thiết, đảm bảo môi trường kinh doanh trở nên minh bạch và ổn định. Tuy nhiên, các nhà đầu tư rót tiền vào trái phiếu, cổ phiếu của các doanh nghiệp có lãnh đạo khởi tố lại đang trong tình trạng hoang mang.

Trước hiện tượng này, ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp “Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”, để ổn định môi trường đầu tư; nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định pháp luật; trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác thì yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. 

Đồng thời, Thủ tướng còn yêu cầu thực hiện ngay việc công bố và cung cấp thông tin chính thức, trung thực về vụ việc và tình hình, triển vọng phát triển kinh tế-xã hội đất nước cho các cơ quan báo chí và nhà đầu tư để ổn định tâm lý nhà đầu tư để nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, ai vi phạm phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ với quyết tâm cao lành mạnh hóa thị trường, nhưng quan trọng nhất là bảo vệ các nhà đầu tư chân chính chiếm đại đa số trên thị trường, xử một người để cứu nhiều người, bảo vệ đa số các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có hiệu quả. 

Ai cố tình vi phạm pháp luật thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

Do đó, Thủ tướng cho rằng, cần có các công cụ quản lý, giám sát hiệu quả, chặt chẽ và các công cụ đánh giá tín nhiệm khoa học, khách quan, chính xác vì sự phát triển chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của chính mình, của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Không thể ngay lập tức siết chặt phát hành trái phiếu

Làm rõ về luận điểm nhà đầu tư hoang mang sau hàng loạt thông tin lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế lấy ví dụ về trường hợp của FLC.

Theo vị chuyên gia này,  trước khi dàn lãnh đạo doanh nghiệp này bị khởi tố, một số khoản nợ của FLC không hề xấu. Thế nhưng, khi có thông tin khởi tố, các chủ nợ của  FLC, trong đó có nhiều ngân hàng lại tăng cường thu hồi nợ, dẫn tới hệ lụy từ các khoản nợ bình thường trở thành nợ xấu. 

Điều này ảnh hưởng không hề nhỏ tới tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng như tâm lý của nhà đầu tư rót tiền vào cổ phiếu của doanh nghiệp này.

khong the vi mot vai con sau ma lap tuc siet chat thi truong trai phieu hinh 2

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch trung trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Trong buổi hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2021, và triển vọng tăng trưởng trong năm 2022” diễn ra vào sáng 25/4, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch trung trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh: Lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn làm ăn sai trái gần đây bị khởi tố đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, những hành vi sai phạm của các doanh nghiệp này chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể hiện được bức tranh toàn cảnh của của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần có cái nhìn công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, nhất là khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.

Làm rõ hơn ý kiến này, ông Lộc nói: Ví dụ với hành vi phát hành trái phiếu sai quy định của Tân Hoàng Minh, Chính phủ không thể vì sai phạm này mà ban hành các chính sách siết chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vì đây vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả của một số doanh nghiệp tư nhân làm ăn chân chính. 

Thay vào đó, Chính phủ cần có thêm công cụ quản lý, giám sát nhằm đảm bảo thị trường trái phiếu an toàn và minh bạch hơn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thay vì siết chặt ngay lập tức, Chính phủ có thể giao cho một số đơn vị phụ trách xét xây dựng lộ trình từng bước kiểm soát hiệu quả hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của nước ta, có thể áp dụng kể từ đầu năm 2023 để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh lại hoạt động đầu tư kinh doanh, huy động vốn.

 Bởi lẽ, nguồn vốn huy động từ trái phiếu đang là một kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế, nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn vốn tín dụng, do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có lĩnh vực bất động sản, trong lúc thị trường vốn của nước ta chưa phát triển hài hòa, đồng bộ, quy mô còn khiêm tốn.

“Nếu ngay lập tức “siết chặt” cả nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả các tổ chức tín dụng đều có thể gặp khó khăn, rủi ro”, ông Châu nói.

Việt Vũ

Tin khác

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

(CLO) Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô
VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: 'Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: "Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

(CLO) Việc VIPFA khai trương cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái kinh doanh kết nối cơ hội đầu tư và xúc tiến FDI vào Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

(CLO) Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.

Kinh tế vĩ mô
Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi công bố điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 4/2024, với chuyên đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Kinh tế vĩ mô
Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

(CLO) Tỉnh Thái Bình mong muốn được hợp tác toàn diện với các đối tác, nhà đầu tư Hungary, trong đó đi sâu trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, đào tạo, y tế.

Kinh tế vĩ mô