Khuyến khích bay quốc tế qua các cảng hàng không khác ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất
(CLO) Cục Hàng không Việt Nam khuyến khích hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến cảng hàng không quốc tế khác ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất như Đà Nẵng, Cam Ranh, Huế, Phú Quốc, Vân Đồn, Cát Bi.
Dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024.
Thị trường Châu Á -Thái Bình Dương là khu vực phục hồi chậm nhất, có thể ngắt mạch lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ USD trong năm 2024.

Thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi và tăng trưởng trong năm 2023 sau khi chịu nhiều thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Ảnh: TL.
Hàng không nội địa Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng
Thị trường hàng không Việt Nam sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và những hệ quả để lại thì trong năm 2023, thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng so với thời điểm trước dịch. Thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục và trở lại.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam cũng nằm trong xu thế của thị trường khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2024.
Tổng nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường hàng không năm 2024 ước khoảng 84,2 triệu khách; tăng 15% so với năm 2023.
Trong đó vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 41,5triệu khách; tăng 3,3% so với năm 2023. Vận chuyển hành khách quốc tế đạt khoảng 42, 7triệu khách; tăng 15,8% so với năm 2023.
Bên cạnh đó tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đạt 1,16 triệu tấn tương ứng với mức tăng 8,5% so với năm 2023 và bằng 92,2% so với năm 2019.
Nhu cầu vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam dự kiến khoảng 61triệu hành khách, tăng 9,3% so với năm 2023 và tăng 10,9% so với năm 2019.
Thị trường được dự báo sẽ đón nhận những thuận lợi và tín hiệu tích cực từ các chính sách phát triển du lịch của các địa phương trong nước và các quốc gia trên thế giới, tạo điều kiện nâng cao khả năng khai thác các đường bay nội địa và quốc tế.
Việc các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài nghiên cứu, mở thêm các đường bay cũng là cơ hội để phát triển thị trường.
Tuy nhiên Cục Hàng không Việt Nam cũng nhìn nhận bên cạnh những thuận lợi và cơ hội đang đón đợi còn đó những thách thức, rủi ro hiện hữu, có thể sẽ gia tăn.
Những nguy cơ còn tiềm ẩn có thể phát sinh trong năm 2024 mà ngành hàng không phải đối mặt có thể tác động trực tiếp, đe dọa sự phục hồi, phát triển theo kịch bản dự báo.
Điển hình như nguy cơ về lạm phát và tỷ giá tiếp tục gia tăng, nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt tại, mức lãi suất chưa giảm theo thực tế.
Diễn biến bất lợi của giá nhiên liệu hàng không; giao tranh quân sự tại các một số quốc gia và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kết thúc. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ngành hàng không,...
Ngoài ra những biến động từ nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách và khả năng đáp ứng chưa toàn diện năng lực khai thác của hạ tầng hàng không cũng là những thách thức đối với sự phát triển của ngành hàng không trong tiến trình phục hồi năm 2024.
Những ưu tiên của ngành hàng không Việt Nam trong năm 2024
Với dự báo về tình hình thị trường hàng không Việt Nam trong năm 2024, để thúc đẩy sự phục hồi cũng như đón nhận những cơ hội mới, Cục Hàng không Việt Nam đã đặt ra những ưu tiên trong chính sách phát triển của ngành.
Trong đó tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, theo dõi sát sao tình hình, dự báo nhu cầu thị trường. Phối hợp với các hãng hàng không, các đơn vị trong ngành để có những giải pháp kịp thời, phù hợp với khả năng phục vụ và điều kiện khai thác của hạ tầng hàng không
Bổ sung tải cung ứng trên các đường bay có nhu cầu cao, các đường bay trọng điểm theo các giai đoạn cụ thể.

Thị trường hàng không Việt Nam dự báo sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2024. Ảnh minh họa.
Đặc biệt triển khai giải pháp khả thi, hiệu quả để hỗ trợ hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam, tập trung một số nội dung như: kiến nghị Chính phủ giảm một số loại thuế phí cho đến hết năm 2024, chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp trong ngành hàng không.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam trong việc đảm bảo lực lượng vận tải và tăng năng lực khai thác. Làm việc với các Nhà chức trách hàng không của các quốc gia để tăng tải cung ứng, hỗ trợ hoạt động khai thác ở các sân bay mà các hãng hàngkhông Việt Nam bay đến
Đồng thời hỗ trợ các hãng hàng không trong việc tăng cường lực lượng vận tải, bổ sung đội tàu bay để đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển.
Khuyến khích hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến cảng hàng không quốc tế khác ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất như Đà Nẵng, Cam Ranh, Huế, Phú Quốc, Vân Đồn, Cát Bi và cả các cảng hàng không nội địa có thể khai thác quốc tế như Liên Khương (Đà Lạt), Phù Cát (Bình Định).
Tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các địa phương thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, đưa ra các sản phẩm trọn gói hàng không - du lịch.
Tăng cường khai thác các chuyến bay thuê chuyến từ các thị trường mới ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... đến các điểm du lịch tại Việt Nam theo nhu cầu của khách du lịch.
Cục Hàng không Việt Nam phấn đấu thực hiện hiệu quả các kế hoạch đầu tư xây dựng, triển khai quy hoạch ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng hàng không, nhất là đầu tư nâng cấp các cảng hàng không chính như cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Nâng cao năng lực điều hành, khai thác tại các cảng hàng không, quản lý hoạt động bay để đáp ứng tốt nhất nhu cầu khai thác của các hãng hàng không và nhu cầu đi lại ngày càng tăng của nhân dân.
Rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý phù hợp, thông suốt, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình phục hồi và phát triển của ngành hàng không.