Kiểm toán nhà nước kiến nghị tỉnh Đắk Lắk xử lý tài chính gần 493 tỷ đồng
(CLO) Qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 và Chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 của tỉnh Đắk Lắk, Kiểm toán nhà nước kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện xử lý tài chính gần 493 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Kiểm toán nhà nước (KTNN), năm 2022, công tác lập, phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách của địa phương đã cơ bản được thực hiện theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương, Nghị quyết của HĐND. Kết quả năm 2022, số thu ngân sách trên địa bàn thực hiện đã vượt 37,5% dự toán Trung ương giao và vượt 11,8% dự toán HĐND tỉnh quyết nghị.
Công tác quản lý, điều hành chi ngân sách cơ bản đã được thực hiện theo quy định; đảm bảo các chính sách an sinh - xã hội, quốc phòng, an ninh cũng như các nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế của địa phương trong lập và giao dự toán, thu - chi ngân sách và xử lý chuyển nguồn ngân sách cuối năm.
Phát hiện hồ sơ thanh tra, kiểm tra thuế có dấu hiệu bất thường
Về công tác lập và giao dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), tỉnh Đắk Lắk giao dự toán thu nội địa cho các huyện chưa dựa trên cơ sở kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2021, xây dựng dự toán chi chưa gắn với tinh giản biên chế, chưa dựa trên cơ sở khối lượng nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và chưa xác định cụ thể các tác động tăng hoặc giảm quỹ lương theo quy định của Bộ Tài chính.

KTNN vừa thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh minh họa: VIR
Liên quan đến việc quản lý thu NSNN, qua kiểm tra hồ sơ thanh tra, kiểm tra thuế cho thấy tại Công ty Cổ phần Ea Súp 3, Đoàn kiểm tra đã xác định Công ty không nộp hồ sơ khai thuế là hành vi trốn thuế, nhưng xác định lại là hành vi kê khai sai và đề nghị Cục Thuế quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kê khai sai, tuy nhiên hồ sơ Đoàn kiểm tra cung cấp chưa đủ cơ sở để làm rõ việc xác định lại hành vi trốn thuế thành hành vi kê khai sai. Hồ sơ, tài liệu Cục Thuế cung cấp bổ sung (sau khi kết thúc kiểm toán) có điểm mâu thuẫn, không phù hợp với tài liệu mà Đoàn kiểm tra thuế đã cung cấp.
Còn tại Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Tân Thành Đạt, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên, KTNN phát hiện hồ sơ thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, KTNN phát hiện: Đoàn thanh tra và Đoàn kiểm tra (đều cùng là 03 thành viên) của cơ quan thuế thực hiện công bố quyết định thanh tra, quyết định kiểm tra và quyết định giám sát tại trụ sở 02 doanh nghiệp có địa điểm khác nhau trong cùng một thời điểm. Nhật ký Đoàn thanh tra, kiểm tra cũng ghi ngày làm việc tại trụ sở 02 doanh nghiệp trùng trong một ngày làm việc, trong khi 02 doanh nghiệp này có trụ sở cách nhau khoảng 80 km.
Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế cũng không ghi chi tiết kết quả đã thanh tra, kiểm tra theo từng nội dung rủi ro đã phân tích, các nội dung khác phát hiện trong quá trình kiểm tra chưa đảm bảo quy trình thanh tra, kiểm tra thuế…
Cục Thuế, Văn phòng Cục Thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế do Tổng cục Thuế giao; một số Chi cục Thuế không hoàn thành chỉ tiêu thu nợ do Cục Thuế giao; một số Chi cục Thuế theo dõi nợ tiền sử dụng đất ngoài hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS). Cục Thuế và một số Chi cục Thuế chưa áp dụng, chậm hoặc áp dụng chưa đầy đủ các biện pháp thu nợ thuế. Hồ sơ nợ thuế của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Cà phê Tây Nguyên phát sinh từ năm 2015, Cục Thuế thực hiện nhiều biện pháp thu nợ và đã có công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi đất nhưng đến nay chưa được xử lý.
Chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên chưa chuẩn
Về công tác chi đầu tư phát triển, KTNN chỉ rõ sai sót của UBND tỉnh Đắk Lắk khi thực hiện bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021; bố trí kế hoạch vốn cho một số dự án trước khi có quyết định đầu tư. Đến 31/3/2023, số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi của 39 dự án lên tới 221,696 tỷ đồng, dù Kho bạc Nhà nước các cấp đã có văn bản đôn đốc nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện.

Tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư công. Ảnh minh họa: Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk
UBND tỉnh Đắk Lắk còn bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Phát triển đất tỉnh ở mức cố định 10% dự toán thu tiền sử dụng đất (số tiền 211 tỷ đồng) không tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định; chưa bố trí đủ mức tối thiểu 10% số thu tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số tiền 76,3 tỷ đồng).
Kết quả kiểm toán chi tiết tại các dự án cho thấy công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư còn sai sót về khối lượng, đơn giá; tính sai tổng mức đầu tư, xác định chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa đúng quy định…
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 do tỉnh Đắk Lắk quản lý đạt thấp so với kế hoạch vốn giao (64,5%), chưa đạt mục tiêu phấn đấu theo Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ. Trong khi đó, có tới 137 dự án do cấp huyện quản lý vi phạm về thời gian quyết toán và Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng không có báo cáo về nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Về công tác chi thường xuyên, một số đơn vị của tỉnh đã sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên chưa đúng quy định số tiền 3,359 tỷ đồng; chi hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ nguồn cải cách tiền lương khi chưa sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, không phù hợp quy định số tiền 6,725 tỷ đồng.
Một số khoản tạm ứng, ứng trước đã quá thời gian theo quy định nhưng chưa được bố trí để thu hồi, hoàn ứng theo quy định, trong đó các khoản ngân sách tỉnh tạm ứng ngân sách trung ương là 25,073 tỷ đồng, các khoản ngân sách tỉnh ứng trước ngân sách trung ương là 274,968 tỷ đồng (đến thời điểm kiểm toán, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Tài chính bố trí dự toán để thu hồi các khoản tạm ứng, ứng trước trên).
Trong năm 2022, địa phương đã chuyển nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với Công trình sửa chữa, khắc phục Kè chống sạt lở bờ sông sau khu dân cư Buôn Chàm A, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông.