Kiến ba khoang nở rộ trong mùa mưa, cư dân ở TP.HCM lo lắng khi bị phồng rộp, đau rát da

Thứ bảy, 25/09/2021 09:26 AM - 0 Trả lời

(CLO) Vào thời điểm giao mùa, người dân TP.HCM và nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam rất lo lắng khi liên tục bị kiến ba khoang tấn công, gây viêm da, phồng rộp, đau rát. Chưa thể ra ngoài để khám bệnh mà chỉ đặt mua thuốc online làm tình trạng ở nhiều người thêm trầm trọng.

Khoảng gần 1 tháng nay, kiến 3 khoang xuất hiện dày đặc, tấn công cư dân của các khu chung cư ở TP.HCM. Kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào tầm 8 – 9h tối. Cá biệt, có chung cư, kiến bám dày đặc trên bờ tường, bóng đèn và ghế sofa. Nếu người dân theo thói quen lấy tay gạt ra thì sẽ bị bỏng rát, sưng phồng, phải bôi thuốc nhiều ngày liền mới đỡ.

kien ba khoang no ro trong mua mua cu dan o tphcm lo lang khi bi phong rop dau rat da hinh 1

Viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang thường xuất hiện theo mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 10). Ảnh minh họa

Độc tố trong kiến khoang mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ

Cơn mưa chiều đổ xuống, căn hộ ở tầng 8 chung cư The EverRich Infinity (quận 5, TP HCM) của chị Ngọc Mai bỗng dưng xuất hiện hàng loạt côn trùng lạ bay từ ban công vào. Chị Ngọc dùng chổi quét đi, chúng tiếp tục bám vào bóng đèn, ẩn sâu vào giường. Lên mạng tìm kiếm thông tin, chị tá hỏa khi biết đó là kiến ba khoang.

Ngay lập tức, chị Ngọc Mai phun thuốc diệt côn trùng nhưng con trai 8 tuổi của chị đụng vào kiến bị sưng phù và đau nhức mặt.

"Chung cư ở nội thành, ít cây và kênh rạch nhưng không hiểu sao kiến ba khoang xuất hiện nhiều, bay bám khắp nơi, không theo đàn nên khó tiêu diệt. Dù đóng kín cửa nhưng chúng vẫn bò vào rèm cửa", chị Ngọc Mai than thở.

Chị Hằng Nga (28 tuổi, cư dân chung cư Vạn Đô, quận 4) hay có thói quen mở cửa sổ mỗi tối. Đang ngồi làm việc thì chị thấy ngứa ở cổ, tưởng muỗi nên đã tiện tay đập.

Một ngày sau, chị Nga thấy mảng da ở sau gáy đỏ nhạt, ngày càng đỏ ửng và sưng hơn. Nặng nhất là một tuần sau, vùng da mưng mủ nên mỗi lúc đi tắm, chị phải lấy túi ny lon đắp lại để tránh nước vào.

Chị Minh Lương (cư dân Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh) cũng lo lắng khi kiến ba khoang bay vào nhà khiến hai con của chị bị viêm loét vùng da ở chân vào tuần trước. Vết thương của con gái lớn bị nhỏ nên tự khỏi, còn với cậu con trai thì chị Lương phải bôi thuốc nhiều ngày.

Người mẹ này đặt lịch thăm khám online rồi mua thuốc ở nhà thuốc nội khu trong chung cư để chữa trị cho con. Nhiều loại thuốc không có chị phải nhờ hàng xóm mua giúp.

“Nhà bạn tôi ở tầng 40 của chung cư vẫn có kiến ba khoang, nó ở khắp nơi. Cư dân cứ đến tối lại dặn nhau đóng cửa và hạn chế bật đèn để tránh kiến”, chị Nhung Lê nói.

Tại chung cư SunRise City Central (quận 7), nhiều cư dân cũng kêu than do gặp kiến ba khoang. Chị Thùy Vân mặc dù đã đóng kín cửa khi trời chập tối nhưng vẫn thấy hàng chục con kiến ba khoang bay vào phòng khách.

Để tránh bị những vết bỏng do kiến, chị Vân xông tinh dầu sả, đóng cửa khi trời tối, mở máy lạnh. Vì nhà có con nhỏ nên chị Vân rất sợ con vô tình giẫm vào.

“Năm nào vào mùa này nhà tôi cũng xuất hiện kiến. Nhà có con nhỏ nên tôi rất lo”, chị Vân tâm sự.

Sai lầm trong điều trị viêm da do độc tố kiến ba khoang

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), kiến ba khoang thường sống ở ven ruộng, trong rơm rạ ngoài đồng, bãi cỏ, gần vũng nước, ruộng rau, những nơi xây dựng dở dang.

Dù là côn trùng hiền lành nhưng do cơ chế phòng thủ sinh học để chống lại kẻ thù mà cơ thể kiến có chứa chất pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da. Chất pederin không do kiến chủ động tiết ra, chỉ khi cơ thể bị nghiền nát, chất này mới được giải phóng ra môi trường.

Khi chất pederin dính vào vùng da con người, nhất là vùng da non, vùng da nhạy cảm (mặt, cổ, cánh tay, bắp chân…), sẽ khiến vùng đó bị phồng rộp, bỏng, đau rát. Một vài trường hợp gây viêm da, nếu không chăm sóc tốt vết thương, có thể gây nhiễm trùng và tình trạng vết thương trở nặng hơn.

BV Da liễu TP. HCM cho biết, nếu như những tháng trước đây, số người đến khám do viêm da tiếp xúc côn trùng rất hiếm thì từ tháng 6 trở đi, con số này tăng đột biến. 

Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Vũ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Da liễu, bệnh nhân thường đến khám với tình trạng da có nổi sẩn, nổi hồng ban hoặc có chùm mụn nước nhỏ trên da. 

Đa phần bệnh nhân được cho thuốc dị ứng và thuốc thoa tại chỗ, có tác dụng làm dịu da và kháng khuẩn. Một số trường hợp vết thương lan rộng và hở ra, có nguy cơ nhiễm trùng nên được cho thuốc uống và kết hợp chăm sóc tại chỗ cho vết thương mau lành.

Tuy nhiên, ở một số cơ địa suy giảm hệ miễn dịch, vết thương bị nhiễm trùng sẽ lâu lành hơn. Một số người có cơ địa đặc biệt nhạy cảm, chỉ cần bị kích thích nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng nặng toàn thân.

Hiện nay vẫn còn nhiều người nhầm tưởng giữa bệnh lý viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang với zôna thần kinh, vì biểu hiện bên ngoài của hai bệnh này khá giống nhau.

Có thể phân biệt là bệnh zôna lan theo đường đi của các dây thần kinh từ cùng một bó dây thần kinh cảm giác nên trên phần thân và chi, thông thường bệnh chỉ lan ở 1 bên.

Còn vùng bị viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng có thể bị ở bất cứ vùng da hở nào, có thể xuất hiện ở cả hai bên thân. Bệnh zôna thể nặng dễ phân biệt hơn do có các nốt phồng to.

BS Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thực chất, kiến khoang không đốt người, nếu người dân vô tình giết kiến trên cơ thể thì chất độc có trong kiến sẽ khiến da bị tổn thương.

Người dân bị viêm da tiếp xúc do kiến khoang chủ yếu do vô tình tiếp xúc với chất tiết pederin có trong kiến khoang. 

Các tổn thương do kiến khoang gây ra ban đầu rất nhỏ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể nặng hơn rất nhiều. 

“Thông thường nếu bị dính ít chất độc của kiến khoang thì tổn thương khu trú ít hơn và thường ổn định trong vòng 5-7 ngày”, BS Giang cho biết. 

Theo các chuyên gia, trước khi sử dụng khăn lau, quần áo, phải kiểm tra kỹ, nếu phát hiện có kiến thì nhẹ nhàng di chuyển chúng ra khỏi đồ dùng (dùng một tờ giấy cho kiến bò sang rồi di chuyển chúng sang nơi khác).

Buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ có lỗ thoát khí. Buông rèm để che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang.

Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng; sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ; sử dụng các loại bẫy đèn để dẫn dụ và bắt kiến.

Cách xử trí đúng khi phát hiện ra kiến khoang là người dân không nên dùng tay bắt trực tiếp, tốt nhất nên dùng giấy hoặc đeo găng tay lấy kiến đi, tuyệt đối không chà xát để tránh làm chất tiết của kiến lan rộng. Không tự ý điều trị, không đắp bài thuốc dân gian khiến thời gian hồi phục lâu hơn.

Thủy Tiên

Tin khác

Một mỹ phẩm Hàn Quốc bị đình chỉ lưu hành ở Việt Nam

Một mỹ phẩm Hàn Quốc bị đình chỉ lưu hành ở Việt Nam

(CLO) Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu thu hồi trên toàn quốc sản phẩm Innisfree Bija Trouble Facial Foam xuất xứ từ Hàn Quốc sản xuất.

Sức khỏe
Người phụ nữ có hai bàng quang

Người phụ nữ có hai bàng quang

(CLO) Sau khi thăm khám, được bác sĩ thông báo có hai bàng quang người phụ nữ 74 tuổi rất sốc, người này có quen tiểu đêm từ 3 đến 4 lần.

Sức khỏe
TP HCM thí điểm mô hình tổ lưu động chăm sóc răng miệng cho học sinh

TP HCM thí điểm mô hình tổ lưu động chăm sóc răng miệng cho học sinh

(CLO) Đây là chương trình kết hợp của Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM để thí điểm mô hình trường - trạm về nha học đường tại quận 1, quận 5, quận 6 và huyện Cần Giờ, trước khi triển khai rộng toàn thành phố.

Sức khỏe
Một sản phụ đẻ ngay tại nhà xe bệnh viện

Một sản phụ đẻ ngay tại nhà xe bệnh viện

(CLO) Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hà Đông vừa kịp thời cấp cứu hồi sức thành công cho sản phụ "đẻ rớt" con ngay tại nhà gửi xe của bệnh viện.

Sức khỏe
Bỏ túi Gamma Lipid - Bí quyết vàng cho người mỡ máu cao

Bỏ túi Gamma Lipid - Bí quyết vàng cho người mỡ máu cao

(CLO) Mỡ máu cao là một vấn đề sức khỏe ngày càng phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho tim mạch, tai biến mạch máu não,...

Sức khỏe