Tin tức

Kiến nghị bổ sung cán bộ, công chức, viên chức được tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi bỏ 'biên chế suốt đời'

Quốc Trần 07/05/2025 13:55

(CLO) Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp là “cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” nếu bỏ quy định về “biên chế suốt đời”.

Trong chương trình kỳ họp thứ 9, sáng nay (7/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

nguyen-hoang-bao-tra.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn Bình Dương.

Bỏ “biên chế suốt đời” sẽ dẫn đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có khả năng mất việc

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn Bình Dương cho biết, theo dự thảo, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Do đó, đối tượng này không thuộc diện được hưởng BHTN.

"Trên thực tế, nhiều trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo quy định, song chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng vì lý do khách quan phải thôi việc như ốm đau, bệnh tật, tuy nhiên vẫn không được hưởng BHTN", bà Trân nói.

Do đó, Đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng đối với các trường hợp này, nên xem xét cho người lao động hưởng BHTN với thời gian hưởng theo quy định nhằm giúp người lao động có chi phí trị bệnh trong khi chờ hưởng lương hưu.

202505070837453452_z6576014910949_21dffe3ec9bc630c080391cc640255ea.jpg
Đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận.

Đáng chú ý, về đối tượng tham gia BHTN, đại biểu đoàn Bình Dương cho biết, thời gian tới, việc nghiên cứu, xem xét bỏ quy định về “biên chế suốt đời” sẽ dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có khả năng mất việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để bảo đảm chính sách về BHTN được mở rộng, bao phủ đến nhiều đối tượng, công bằng trong tiếp cận an sinh xã hội, đồng thời khuyến khích cán bộ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, có ý thức giữ việc làm, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được tham gia BHTN là “cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng đây sẽ là bước đi chủ động của nhà nước trong bảo vệ người lao động khu vực công trong điều kiện mới.

Cũng tại thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đã đề cập đến trách nhiệm thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động. Theo đó, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng, người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức dịch vụ việc làm công nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phản ánh đúng thực tiễn thị trường lao động hiện nay. Người lao động có thể tìm việc thông qua nhiều kênh khác nhau như mạng xã hội, sàn tuyển dụng trực tuyến, hoặc mối quan hệ cá nhân mà không cần thông qua trung tâm dịch vụ việc làm công.

"Việc yêu cầu đến khai báo định kỳ gây tốn thời gian, chi phí đi lại, nhất là với người ở vùng sâu, vùng xa hoặc đang tạm cư tại nơi khác sau khi mất việc.

Việc khai báo hàng tháng làm tăng gánh nặng hành chính, khiến người lao động có thể e ngại khi thụ hưởng quyền lợi chính đáng", đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu và rằng nên cho phép người lao động thông báo tìm việc qua cổng dịch vụ công trực tuyến, thư điện tử (email), ứng dụng di động hoặc tài khoản định danh điện tử. Đồng thời khuyến khích kết nối dữ liệu giữa các sàn tuyển dụng uy tín và cơ quan bảo hiểm để cập nhật tự động quá trình tìm việc.

vo-manh-son.jpg
Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn - Đoàn Thanh Hóa.

Chưa đảm bảo sự công bằng đối với người lao động trong hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Thảo luận về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn - Đoàn Thanh Hóa dẫn quy định: "Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng thì phải đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động".

Đại biểu Võ Mạnh Sơn nêu thực tế một số doanh nghiệp đã khấu trừ lương của người lao động hàng tháng để đóng BHTN cho người lao động, nhưng doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng này. Từ đó, dẫn đến tình trạng khi người lao động nghỉ việc không thể chốt sổ bảo hiểm xã hội, BHTN nên không được hưởng BHTN.

"Trong khi đó trách nhiệm thu BHTN là của cơ quan bảo hiểm xã hội, xử lý hành vi trốn đóng, nợ đọng… là của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng khi cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước không xử lý được hành vi vi phạm của doanh nghiệp lại không cho người lao động được hưởng BHTN là chưa đảm bảo sự công bằng đối với người lao động", đại biểu cho hay.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đại biểu đoàn Thanh Hoá đề nghị cần xem xét bổ sung là người sử dụng lao động đã thu tiền BHTN của người lao động từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng thì người sử dụng lao động đã thu tiền BHTN của người lao động đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, với hành vi vi phạm của người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp xử lý (xử phạt hành chính, lãi chậm đóng, thu hồi khoản nợ) để đòi lại khoản nợ BHTN từ người sử dụng lao động.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kiến nghị bổ sung cán bộ, công chức, viên chức được tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi bỏ 'biên chế suốt đời'
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO