Kinh tế

Kiến nghị không xử phạt vi phạm hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đến hết năm 2025

Việt Vũ 10/07/2025 18:46

(CLO) Chiều 10/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả khảo sát hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế.

Theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, từ ngày 1/6/2025, các hộ kinh doanh nộp thuế khoán với doanh thu từ 1 tỷ đồng mỗi năm trở lên bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.

Ước tính, hiện có khoảng 37.000 hộ kinh doanh thuộc diện áp dụng quy định này.

Ngay sau khi nghị định có hiệu lực, nhiều hộ kinh doanh đã bộc lộ tâm lý lo ngại và lúng túng. Phản ánh từ báo chí cho thấy không ít hộ rơi vào tình cảnh khó khăn khi phải đầu tư trang thiết bị, học cách sử dụng công nghệ mới, làm quen với phần mềm, quy trình điện tử.

img_20250710_181044.jpg
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: DO)

Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết và những tin đồn thất thiệt về việc áp dụng hóa đơn điện tử đã khiến nhiều người hiểu sai bản chất chính sách. Không ít hộ lo sợ rằng việc kê khai doanh thu thực tế sẽ khiến thuế phải nộp tăng đột biến so với phương thức khoán trước đây.

Thậm chí, đã có những phản ứng tiêu cực như tạm đóng cửa, hạn chế giao dịch chuyển khoản hoặc cố tình ghi sai nội dung giao dịch để né tránh nghĩa vụ thuế.

Kết quả khảo sát từ VCCI thực hiện trên 1.368 hộ kinh doanh cho thấy, phần lớn các hộ đã biết đến quy định tại Nghị định 70. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành hàng tháng là hai yếu tố gây áp lực lớn nhất, khiến nhiều hộ lo lắng.

Đồng thời, việc quản lý hóa đơn, chứng từ cũng được xem là một gánh nặng hành chính đáng kể, khiến hoạt động kinh doanh vốn nhỏ lẻ càng thêm phần khó khăn.

Khảo sát cũng cho thấy, khi đối mặt với tác động tiêu cực từ việc thực hiện quy định mới, đa số hộ kinh doanh lựa chọn phương án giảm quy mô hoạt động để thích ứng với khó khăn, cho thấy tâm lý cố gắng duy trì kinh doanh nhưng thu hẹp dần để “né” các áp lực mới.

Một bộ phận khác dự kiến tạm ngừng hoạt động để quan sát diễn biến, chờ tình hình khả quan hơn hoặc để có thời gian cân nhắc.

Một số ít hộ cân nhắc chuyển sang loại hình kinh doanh khác để thích nghi với yêu cầu mới, trong khi tỷ lệ hộ có ý định đóng cửa hoàn toàn tuy không cao nhưng vẫn hiện hữu.

Đáng lưu ý, dù các tác động có thể đa dạng, song rào cản lớn nhất đối với hộ kinh doanh không phải chi phí hay thủ tục, mà là thiếu kiến thức và kỹ năng công nghệ.

Theo khảo sát, đây là thách thức khiến nhiều hộ cảm thấy lo lắng nhất. Ngoài ra, thói quen quản lý cũ đã hình thành lâu năm cũng trở thành một rào cản lớn, khiến nhiều hộ e ngại thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống. Những lo ngại về thủ tục hành chính phức tạp tiếp tục góp phần làm gia tăng áp lực lên hộ kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh họ còn đang thiếu thông tin và chưa kịp thích ứng với quy định mới.

Trước thực tế này, nhiều hộ kinh doanh đã đưa ra đề xuất cụ thể. Đáng chú ý nhất là kiến nghị gia hạn thêm ít nhất một năm để có thời gian chuyển đổi, làm quen với phần mềm, quy trình và thiết bị mới.

Ngoài ra, các hộ đề nghị không xử phạt vi phạm liên quan đến hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trong giai đoạn từ ngày 1/6/2025 đến hết ngày 31/12/2025, nhằm tạo điều kiện để hộ kinh doanh thích nghi, giảm bớt tâm lý hoang mang và khuyến khích hợp tác tự nguyện.

Một số hộ còn đề xuất không truy thu thuế hoặc xử phạt đối với những sai sót trong quá khứ, nhất là các trường hợp thiếu hóa đơn đầu vào hợp lệ cho hàng tồn kho trước ngày 1/6/2025, nhằm giảm bớt rủi ro và áp lực tài chính cho các hộ kinh doanh trong giai đoạn chuyển đổi.

Trên cơ sở khảo sát, VCCI cũng đưa ra nhiều khuyến nghị với cơ quan nhà nước. Kết quả phân tích cho thấy, càng gặp nhiều khó khăn, hộ kinh doanh càng có xu hướng đánh giá tiêu cực về chính sách mới.

Do đó, cơ quan nhà nước cần chủ động nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc thực tế mà hộ kinh doanh đang đối mặt. Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy mức độ hỗ trợ càng cao từ phía cơ quan thuế, tâm lý lo ngại của hộ kinh doanh càng giảm rõ rệt. Việc cung cấp đầy đủ thông tin, hướng dẫn tận tình, hỗ trợ kỹ thuật kịp thời chính là chìa khóa để giảm bớt lo ngại, đồng thời cải thiện cái nhìn của hộ kinh doanh về quy định mới.

Ngoài ra, đối với nhóm hộ kinh doanh có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, cơ quan nhà nước cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu sâu hơn để thiết kế các chính sách hỗ trợ riêng phù hợp, nhằm giải quyết các khó khăn đặc thù.

Nhóm hộ có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên cũng là đối tượng có mức độ lo ngại cao hơn hẳn so với các nhóm khác, nên rất cần được hỗ trợ thông qua những kênh thông tin, tư vấn chuyên biệt.

VCCI nhấn mạnh, nếu không có các giải pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời, việc áp dụng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế có thể khiến nhiều hộ kinh doanh rút lui khỏi thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kiến nghị không xử phạt vi phạm hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đến hết năm 2025
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO