Kiến nghị loạt giải pháp tháo gỡ rào cản, chuyển hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp
(CLO) Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đề xuất loạt giải pháp với Chính phủ nhằm hiện thực hóa Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ và Quốc hội đã có những bước đi chính sách được đánh giá là nhanh chóng và đồng bộ. Cụ thể, chỉ sau 12 ngày, Chính phủ ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP về kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 68, trong khi Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết 198 về các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.

Tại cuộc Tọa đàm với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (ngày 31/5), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), ông Nguyễn Văn Thân nhận định, đây là những chuyển động chính sách chưa từng có tiền lệ, thể hiện quyết tâm cao và tư duy đổi mới mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc khẳng định vai trò trụ cột của kinh tế tư nhân.
Hiệp hội nhấn mạnh công việc trọng tâm hiện nay là nhanh chóng thể chế hóa các nghị quyết thành cơ chế, chính sách khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thực chất, đúng định hướng. Trong đó, VINASME xác định rõ vai trò đồng hành cùng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành để triển khai hành động cụ thể, đặc biệt trong việc chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp.
Khẩn trương cụ thể hóa chính sách với từng nhóm doanh nghiệp
VINASME đề xuất Chính phủ sớm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù theo quy mô và đặc điểm của từng nhóm doanh nghiệp: doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ và đặc biệt là hộ kinh doanh cá thể. Các chính sách cần có tính linh hoạt, khả thi và hiệu quả trong thực tiễn, nhằm khơi thông tiềm năng tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp này.
Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể và bằng văn bản cho VINASME trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, để tránh hiểu lầm hoặc chồng chéo với các tổ chức liên quan. Việc này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp và tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Gỡ nút thắt thủ tục, chuyển từ “quản” sang “kiến tạo”
Một điểm nhấn trong đề xuất của Hiệp hội là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, Chương trình cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục giai đoạn 2025–2026 cần đặt ra mục tiêu cụ thể, tránh phụ thuộc vào địa giới hành chính. Để khách quan trong đánh giá, VINASME đề xuất thành lập đơn vị nghiên cứu độc lập với sự tham gia của các cơ quan nhà nước và đại diện doanh nghiệp.
Tinh thần “quản lý kiến tạo” cần được cụ thể hóa thông qua hành động thiết thực, xóa bỏ tâm lý “quản lý cấm đoán”, thay vào đó là hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.
Giải quyết các nút thắt nguồn lực: đất đai, vốn, công nghệ, nhân lực
VINASME cho rằng cần có các chính sách trọng tâm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực thiết yếu: mặt bằng sản xuất kinh doanh, tín dụng ưu đãi, đổi mới công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Các chính sách này cần gắn với thực tiễn địa phương, phù hợp từng ngành nghề và quy mô doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh hoặc bãi bỏ Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 2/3/2012 – quy định khiến hàng chục nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn khi không đủ điều kiện vào khu công nghiệp. Việc thiếu lộ trình hợp lý có thể khiến nhiều cơ sở phải đóng cửa, gây xáo trộn lớn về việc làm. Do đó, Hiệp hội đề xuất kéo dài thời gian chuyển tiếp từ 1–2 năm và có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Cần gói chính sách hỗ trợ toàn diện cho hộ kinh doanh chuyển đổi
Khẳng định ủng hộ chủ trương chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, VINASME kiến nghị Chính phủ xây dựng một gói chính sách đồng bộ, bao gồm hỗ trợ tư vấn pháp lý, ưu đãi thuế và tín dụng, cùng các chương trình đào tạo về quản lý, kế toán, chuyển đổi số.
Cụ thể, Hiệp hội đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu sau chuyển đổi, hỗ trợ chi phí thành lập doanh nghiệp và cung cấp miễn phí một ứng dụng kế toán cho hộ kinh doanh kê khai thuế dễ dàng. Giải pháp này không chỉ giúp tạo thói quen minh bạch trong tài chính, mà còn giảm tải cho cơ quan thuế.
VINASME đã thảo luận với các chuyên gia và đại biểu Quốc hội, thống nhất rằng việc phát triển một ứng dụng kê khai thuế đơn giản, dễ dùng sẽ góp phần thay đổi tư duy và hành vi quản lý tài chính của hộ kinh doanh, khuyến khích họ chuyển đổi tự nguyện thay vì áp đặt hành chính.
Tăng cường vai trò giám sát, phản biện chính sách từ thực tiễn
Hiệp hội cũng đề nghị được tham gia sâu hơn vào quá trình thực hiện chính sách, không chỉ trong vai trò phối hợp mà cả giám sát và phản biện. Đề xuất thành lập cơ chế giám sát có sử dụng bộ chỉ số đánh giá (KPI) cụ thể, minh bạch nhằm phản ánh hiệu quả chính sách từ góc nhìn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, VINASME kiến nghị Chính phủ giao Hiệp hội làm đầu mối triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn và hướng dẫn phát triển cho từng nhóm đối tượng: hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực kinh tế tư nhân trong dài hạn.
Hiệp hội cũng đang xây dựng một số đề xuất mới liên quan đến tiếp cận tín dụng ưu đãi, quỹ bảo lãnh tín dụng và các cơ chế hợp tác công tư nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân vượt qua các thách thức hiện nay.