Kiều Công Luận - “Người làm vườn” yêu thơ
Tác giả Kiều Công Luận năm nay đã ở tuổi “cổ lai hy” rồi nhưng tình yêu thơ của ông vẫn dạt dào và phơi phới lắm! Ông vốn là một nông dân chân đất làm vườn nhưng lại say mê cuốc cày trên cánh đồng con chữ thi ca. Kể ra rất đáng trân trọng!
Nguyên Pháp
(CLO) Tác giả Kiều Công Luận năm nay đã ở tuổi “cổ lai hy” (70 tuổi) rồi nhưng tình yêu thơ của ông vẫn dạt dào và phơi phới lắm! Ông vốn là một nông dân chân đất làm vườn nhưng lại say mê cuốc cày trên cánh đồng con chữ thi ca. Kể ra rất đáng trân trọng!>>> Ghi chép tản mạn của Lê Quang Trạng[caption id="attachment_51060" align="aligncenter" width="426"]Quê quán Kiều Công Luận vốn tại Phúc Thọ - Hà Nội (Hà Tây cũ), cuộc đời rong ruổi, xuôi ông vào Nam và hiện đang sống và làm việc tại một trang trại nhỏ ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Ông tâm sự chân chất: “Tôi vốn yêu thơ, thích đọc thơ từ hồi cuối tiểu học, và thuộc nhiều thơ của các nhà thơ mới, giai đoạn 1932-1945. Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khi còn trên ghế nhà trường THPT cấp III Thị xã Sơn Tây và sau đó nữa tôi đã làm thơ, nhưng đó chỉ là những vần thơ tự nhiên thoát ra không được gọt giũa. Sau này, cuộc đời đưa đẩy tôi thành một nông dân ở Lâm Đồng.
Ngày làm vườn, đêm, tôi chong đèn chú tâm tìm hiểu kỹ hơn về thơ, sáng tác thơ và gửi thơ đến một số báo, đài để cộng tác. Sau đó là những ngày hồi hộp chờ đợi…”.
Và rồi tình yêu thơ của người nông dân làm vườn Kiều Công Luận cũng được “thu trái”. Nhiều bài thơ của ông đã được các báo như: Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ, Người Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, chương trình Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều báo và tạp chí ở các tỉnh thành khác sử dụng. Không những thế, ông còn được VTV1 mời tham dự chương trình Câu lạc bộ Thơ của Đài…
Có thơ được đăng tải, rồi trở thành Hội viên Hội Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, cây bút Kiều Công Luận lại càng phấn chấn, càng cảm hứng và từ năm 2005 đến nay, ông lần lượt cho ra đời 3 tập thơ: Mùa nhớ, Thung sâu tĩnh lặng và Gió về ngày cũ. Hiện tại, ông đang dự kiến xuất bản tập thơ mới và đã được Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng đồng ý tài trợ. Tuy nhiên, có thể vì lý do sức khỏe mà dự định này khó thành hiện thực.
Hy vọng, với tình yêu thơ và sức mạnh con chữ sẽ giúp ông có sức khỏe để đạt thành sở nguyện, tiếp tục cống hiến cho bạn đọc nhiều tác phẩm mới, hay.
Chuyên trang Nghệ thuật – Sáng tác báo điện tử Congluan.vn xin giới thiệu đến bạn đọc một số bài thơ của tác giả Kiều Công Luận:
Nơi ấy thiêng liêng
Dải Bãi Cát Vàng
Đã ngàn năm dân binh con Hồng cháu Lạc
Tạc vào đá và in hình trên nước
Máy tính nào đo được máu ông cha!
Nếu ai qua - là nhờ ta đi qua
Ai đến ở - là tạm ở nhờ ta
Dù đảo Chìm, đảo Nổi
Đã có chủ từ lâu – không thể nhập nhòa.
Năm mươi người con xuống biển cùng cha
Mấy ngàn năm trần vai gồng đất nước
Từng viên đá cơi dần nâng tầm cao Tổ Quốc
Lấy máu xương xây cột mốc khơi xa
“Từ Trường Sơn cho tới Trường Sa”
Một phần đất liền, ba phần biển đảo
Trên một triệu cây số vuông đã từng găm xương pha máu
Biển đã xanh hơn và nước đã mặn hơn
Vì Nước quên thân sử sách vẫn lưu truyền
Những Hùng binh Lý Sơn đi không trở lại
Mộ gió Hữu Nhật kia
Đảo Hữu Nhật sẽ còn mãi mãi *
Cho lá cờ Việt mấy trăm năm phấp phới
Đảo Phan Vinh còn kia.
Hồn Phan Vinh vẫn lượn bay trên tàu không số **
Cùng đồng đội làm đuốc hoa biển lửa
Thiêng đến muôn đời Non Nước vẫn khói nhang.
Những người lính hiên ngang đứng làm cột mốc vàng
Tưởng niệm Tháng Ba vòng hoa màu máu ***
Sáu mươi tư linh hồn đã thành Thần giữ đảo
sáu mươi mốt thi hài
hai mươi sáu năm rồi chìm nổi phong ba
Chốt thịt xương mình vào lòng biển sâu xa.
Đời tiếp đời gắn bó với biển xanh
Đâu phải trò đùa với chuyện đao binh
Đã gửi kiếm Rùa Thiêng mong sóng êm biển lặng
Dân lành Việt Nam - dân lành nước bạn
Qua mấy bão giông trời đất vẫn hiền hòa
Dù đâu đó gầm gừ dọa bão tố phong ba
Sức mạnh thiêng liêng ngàn năm tụ về làm lá chắn
Biển của ta, trời của ta vẫn chan hòa nắng
Tàu ta cứ ung dung đánh bắt xa bờ
Gốc bàng vuông trai gái tập làm thơ
Con thuyền nhỏ bồng bềnh đêm câu mực…
Từng hạt cát, mỗi bóng mây Hoàng Sa, Trường Sa
Là khúc ruột, là tay chân “Nam Quốc Sơn Hà”
Nếu ai qua là nhờ ta đi qua
Ai đến ở chỉ tạm ở nhờ ta!
(* Vào năm 1836, Phạm Hữu Nhật được vua Minh Mạng giao chức Chánh Đội trưởng suất đội thủy quân hải đội Hoàng Sa. Hải đội này đã cắm nhiều mốc chủ quyền tại quần đảo thiêng liêng này. Ông đã mất trên biển đảo năm 1854. Để ghi nhớ, nhân dân đã dặt tên ông trên một hòn đảo thuộc QĐ Hoàng Sa.
** Trong chiến tranh chống Mỹ, nhiều con tàu không số, những chiến sỹ không tên từ miền Bắc đã chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi bị lộ, họ không đầu hàng mà cho nổ tàu và hy sinh anh dũng.
*** Những đảo đã xảy ra trận chiến đẫm máu vào ngày 14.3.1988, và 64 chiến sĩ QĐNDVN đã anh dũng hy sinh. Ngày này hàng năm, Hải quân VN vẫn tổ chức lễ tưởng niệm).
Ca dao tháng chạp
Kính dâng hương hồn Mẹ
Mòn đêm
trằn trọc
đặc quánh không gian mồ côi
dở mơ màng, dở thức…
Bộ não cỗi cằn dẫn đường về kí ức
chỗ nào cò lội bờ ao
chỗ nào cành thấp cành cao
này tép, này tôm, này ca dao vọng lại
củ sắn, lương ngô, mùi mồ hôi đượm mãi
đồng sâu nước buốt ngâm thân
nhẵn mặt thời gian
chỗ ướt mẹ nằm
đêm tháng chạp
mấy chục năm… con vừa chợt hiểu!
Con chưa kịp mua áo điều khăn nhiễu
chưa một lần dâng mẹ bữa ăn ngon
Mẹ vẫn coi con nhỏ dại
con lại nghĩ mẹ cứ là mãi mãi!...
Lá vàng rơi - lá lặng lẽ rơi
chuyện như không là thật
con hẫng hụt
thấy mình… chỉ còn ở nhờ trái đất
còn gì đâu
tiếng ru xưa – theo gió trời quay quắt!
Trời lạnh thế mà thông đồi cứ hát
tháng chạp về - văng vẳng nỉ non
vẫn tiếng ru con
“có xáo thì xáo nước trong…”
tận cuối trời, câu ca dao trở về rưng rức
Mẹ ơi…!
Chị tôi
Không ai nghe tiếng chị khóc
Mỗi năm mấy bận qua đây
Tóc bạc xoà trên thành mộ
Tấm bia rung cánh vai gầy .
Lấy chồng năm mười chín tuổi
Tuần trăng chưa hết niềm vui
Đất nước đang cơn lửa khói
Tiễn anh - héo ruột … chị cười.
Giã gạo - ghìm nỗi nhớ ai
Giấu đi nửa đời con gái
Dằng dặc mười năm ngóng đợi
Tin đồn … vứt bỏ ngoài tai.
Địa phương làm lễ truy điệu
Khăn tang đã phủ nặng nề
Nâng nấc chị bảo: không chết
Nay mai anh ấy sẽ về.
Lại gần ba mươi năm nữa
Mỗi lần tóc xoã tấm bia
Bàn tay lần từng nét chữ
Ngôi sao … loé sáng chiều quê.
Đi tìm xa xanh
Đi tìm cái thuở xa xanh
Một thời khói lửa mong manh phận người
Lòa xòa tóc đổi màu rồi
Trong ta bạn vẫn nguyên thời trẻ măng.
Này này lấy muối đánh răng
Này này điếu thuốc mấy thằng chuyền tay
Cao nguyên mưa nát đêm ngày
Võng treo sốt rét run cây động cành…
Bây giờ tóc bạn vẫn xanh
Giấc mơ bám đất mọc thành cỏ cây
Này xanh dâu phất phơ bay
Hay là gió giỡn tóc mây thuở nào
Bông quỳ sớm ngả nghiêng chao
Thoáng như tay vẫy miệng chào ngày xưa.
Linh thiêng đầu bãi cuối bờ
Nằm đâu?
Tìm mãi…
Tóc phơ… hết ngày!
Run run đốt nén nhang này
Thơm nguyên khờ khạo những ngày xa xanh!
Khúc mẹ ru
Vẳng nghe tiếng hát à ơi
Đằm sâu âu yếm mẹ tôi thuở nào …
Ngọt ngào buông khúc ca dao
Quạt mo mẹ vỗ tôi vào trong mơ.
Cánh cò chao liệng tuổi thơ
“Thằng bờm” cười với dại khờ… “nắm xôi”.
Mẹ tôi áo vá trọn đời
“Cái tôm, cái tép” cho tôi trưởng thành.
Tôi đi – Mẹ tiễn sân đình
Khúc ru theo bước quân hành ngày đêm.
Lâng lâng “chân cứng đá mềm…”
“ Trời yên bể lặng …” bên thềm vắng không!
Vắng cò lạnh cả bờ sông
Cò con côi cút, trắng đồng sương sa.
Chiều nay hương khói nhạt nhoà,
Từ vô tận khúc xưa xa… vọng về!
Lời hẹn tím
Cố nhân còn nhớ hẹn
mùa phượng tím thăm nhau
Cam Ly buồn xoã tóc
hàng thông nghiêng
sương khói cũ… thuở nào!
Gió nắng lạnh se chiều… quán vắng
Hồ Tuyền Lâm lặng lẽ thả hương thiền
Đà lạt tím
phương ai…mòn con mắt
Ly cà phê… giọt… giọt… bình yên.
Đường Trần Phú bay bay tà áo trắng
Lầu hoa xưa dốc nắng đổ xiêu xiêu
Vó ngựa gõ hoàng hôn vọng nhớ
Thung lũng Tình vẫn xào xạc hanh hao.
Thấp thoáng tím đường hoa
Ven hồ vắng tôi thẫn thờ trông đợi
Và vẫn thế… như chiều nào vụng dại!
Đừng lạ người ơi
Riêng mái tóc có thể thay màu mới
Còn mọi điều… tất cả vẫn nguyên sơ!
Hàng cây xưa
Chiều thả tím… trông chờ…
Mấy dòng lấm láp gửi em
Vần thơ viết giữa luống cày
Chữ lên chữ xuống
Câu bay câu chìm.
Mấy dòng lấm láp gửi em
Thương nhau
Em tát nước thêm cho đầy.
Trăng chiều ngấp nghé lùm cây
Long lanh giọt bạc
rơi đầy bùn non.
Tình ta mới chớm tuổi tròn
Câu thơ
ướt ánh trăng son… quê mùa.
Anh mang áo lấm vào chùa,
Dâng nguyên trinh trắng lên toà Tình yêu.
Ru mình
Ta ngoi ngóp với đất
Tìm mãi không thấy trời
Hình như ai nói nhỏ:
Chốn ấy cõi không thôi!
Thì thôi, ta bới đất
Ươm vần thơ cũ càng
Khoát tay vẫy gió mới
Gọi mầm xanh… mầm xanh!
Hát lời ru nựng bé
Ngâm một vần thương em
Dốc ngược chén bầu bạn
Ném đau vào cõi quên.
Vỗ vào bụng, cười lớn
Ngâm câu tự ru mình
Lại có ai nói nhỏ:
Trước mắt là … trời xanh!