Và nhà báo, đại tá Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi trò chuyện với báo NB&CL xung quanh chuyện nghề, chuyện lính xưa và nay đầy thú vị nhân dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch HCM.
Lớp trẻ làm sôi động làng báo, làm những cánh già “thèm” làm việc
+ Hơn 40 năm gắn bó với nghề báo, cũng là một chặng đường dài đấy thưa đại tá! Trong nghề, tôi hình dung ông như một viên gạch nối giữa 2 thời kỳ: chiến tranh – hòa bình?
- Thú thực, tôi chẳng là… cái đinh gì ở góc độ tuổi nghề và tuổi nếm trải đắng cay, gian khổ của chiến tranh đâu. Có những người tuyệt vời lắm, họ cũng quanh đây thôi. Họ làm báo từ khi báo Quân đội nhân dân chưa thành lập, họ làm báo tại Điện Biên Phủ, làm báo ngay tại Sài Gòn trong những năm tháng bị chiếm đóng… hôm nay họ vẫn còn sống. Tất nhiên, tôi cũng có hơn 40 năm làm nghề, cũng trải qua nhiều chiến trường từ những năm cuối chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh Biên giới phía Nam, phía Bắc. Nhưng sự khó khăn, gian khổ hy sinh thì không bằng “móng tay” so với lớp trước.
Tôi tốt nghiệp khoa Sử - Đại học Tổng hợp rồi đi bộ đội như bao chàng trai khác thời đó chứ chẳng được một ngày học lớp báo chí. Nhưng rồi, chỉ hai năm cầm súng là một người lính, tôi cầm bút viết báo đến hôm nay, mấy chục năm vẫn chỉ gắn bó duy nhất với một tờ báo đó là báo Quân đội nhân dân. Nghỉ hưu rồi tôi vẫn làm việc, vẫn được anh em mời viết, mời trao đổi hằng ngày.
Điều quan trọng nhất để các thế hệ chúng tôi vững vàng “chung nhịp đập” chính là niềm tin yêu vào Đảng, vào Bác và điều ấy chính là sợi dây vô hình kết nối, là động lực trên mọi hành trình đối với người cầm súng và người cầm bút.
Nhà báo Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng (bên phải) thăm nhà CCB Nguyễn Quang Tám, tại nhà riêng của ông ở thị trấn Khe Sanh - Quảng Trị năm 2011.
+ Tôi vẫn thấy ông làm việc như chưa hề biết nghỉ hưu. Điều gì khiến “cái đầu vẫn phải nghĩ, cái tay vẫn cầm bút” thưa nhà báo?
- Đó là vì những người trẻ hôm nay đấy – họ khiến tôi muốn được làm việc. Họ tạo cho tôi cảm giác không muốn dừng lại. Nếu không có những người trẻ khiến tôi yêu quý, tin tưởng thì tôi đã không gắn bó với nơi đây đến tận hôm nay. Lớp trẻ làm sôi động làng báo cũng làm những cánh già như tôi “thèm” được làm việc.
Câu nói mà mọi đời Tổng biên tập và các phóng viên báo Quân đội nhân dân thường hỏi nhau là: đang viết gì đấy? Có gì mới không? Đấy là câu tôi nhớ nhất từ ngày đầu tiên về báo cách đây hơn 40 năm và thật vui mừng là đến hôm nay tôi vẫn được nghe câu hỏi ấy, một cách hết sức tự nhiên. Đó là câu hỏi từ những người làm báo trẻ. Đây không phải là sự tò mò, dò hỏi mà là sự đam mê, quan tâm đến công việc… Nghề báo xưa và nay cũng không khác nhau nhiều lắm.
+ Một trong những điểm khác lớn nhất có lẽ là việc thời chiến tranh, người cầm bút phải đứng giữa sự sống và cái chết?
- Ngày trước, chúng tôi làm nghề tự nhiên lắm nên chẳng mấy khi nghĩ đến chuyện… sợ cái chết. Nơi nào có tiếng súng, phóng viên có mặt. Tôi tốt nghiệp đại học, vào bộ đội làm anh chiến sỹ Hải Quân, sự hiểu biết của anh có học chất lính đã sẵn trong người rồi nên có ai cử đi chiến trường đâu nhưng mình cảm thấy mình không thể không có mặt ở chiến trường thì xin đi thôi. Xin lần đầu không được thì xin tiếp, được đi mới thôi… Và cái thời đó, người cầm bút phần lớn đều có tinh thần ấy.
+ Tự hào vì Tổ quốc có những người lính cầm bút như các ông! Chất lính Cụ Hồ hẳn đã có ảnh hưởng quan trọng đến người cầm bút?
- Quan trọng lắm, thưa nhà báo trẻ. Khi anh đã là người lính, mặc chiếc áo lính, là anh mang trên mình trách nhiệm với Tổ quốc. Sống làm việc với bộ đội, tôi hiểu đã là người lính thì chỉ có tâm niệm phía sau họ là Tổ Quốc, phía trước là làn đạn quân thù. Từ đó trách nhiệm của một người lính đích thực rất cao. Họ là đại diện của Tổ quốc.
Người phóng viên cũng vậy. Nghề phóng viên không đơn thuần chỉ là công việc kiếm sống mà còn là công việc có trách nhiệm xã hội. Ngày xưa trách nhiệm là những bước chân đi khắp chiến trường, lao vào mọi trận tuyến… Những người lính đích thực, những người phóng viên chân chính sẽ hội tụ đầy đủ tâm thế ấy…
Người lính – nhà báo thì tâm thế ấy càng phải vững vàng, mạnh mẽ. Bây giờ thì trên mọi nẻo đường, người phóng viên vẫn là những người lính tiên phong, xung kích, đối mặt với mọi khó khăn, dám xông vào nơi khó khăn, nơi nóng lạnh của đời sống… Hăng hái làm việc, tự nguyện làm việc, dám đóng góp thẳng thắn...
…Ngộ nhận một tý thế mới là tuổi trẻ!
+ Tôi nghĩ rằng, chúng ta gắn bó với nhau bởi những đòi hỏi ở nhau. Thế hệ trước có quyền đòi hỏi nơi lớp trẻ hôm nay, thế hệ trẻ cũng sẽ có những mong muốn đối với những bậc cha chú, đàn anh trong nghề. Vậy ông đòi hỏi gì ở những người làm báo trẻ chúng tôi hôm nay, thưa đại tá?
- Người ta vẫn nhắc đến một câu nói cũ: Cần có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Tôi cũng đòi hỏi điều đó. Cuộc chiến bằng cái đầu sẽ bớt đi xương máu, xưa và nay đều như vậy cả. Người làm báo trong thời bình, nói thực nhiều thuận lợi nhưng khó hơn chúng tôi thời chiến nhiều. Bởi lẽ xã hội bây giờ nhiều phức tạp, thông tin nhiều chiều và bạn đọc đòi hỏi cao lắm.
Người làm báo đích thực tâm huyết và có tài thì phải đồng nhất được sự khó khăn, yếu kém, mất mát, đớn đau của xã hội với chính mình. Người làm báo hiểu được cái thiệt thòi của những người nghèo, thua thiệt của những người ít học, bà con dân tộc, những người thấp cổ bé họng… Họ đồng nhất được nỗi đau của xã hội thành ra nỗi đau của mình. Từ đó, họ là những người xét về mặt nào đó là rất cao cả, dám đối mặt, dám hy sinh…
+ Nhưng sự cao cả ấy, không phải lúc nào cũng bình yên?
- Quả thực là những người làm báo hôm nay không phải ăn một viên đạn đồng cụ thể như chúng tôi ngày xưa. Hiện nay, đã có những nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực, chống diễn biến hòa bình… từng bị đe dọa, “ném đá” thậm chí hành hung. Họ sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh đó khi lựa chọn nghề nghiệp.
Đó là điều đáng quý vì có cứng mới đứng được đầu gió, vượt qua thách thức ấy mới có được những tác phẩm giá trị. Còn một thử thách cần bước qua đối với người làm báo hiện đại hôm nay, ấy là những vấn đề trong đời sống xã hội, vận mệnh đất nước phải bình tĩnh, tỉnh táo, hiểu biết để xử lý khéo léo thông tin, đánh giá đúng tình hình.
+ Vậy với nghề báo, theo ông, chúng ta cần tránh điều gì?
- Tránh cái sự nhạt.
+ Kể cả báo Quân đội nhân dân?
- Đúng vậy. Nhạt - đó là sự bằng lòng, mà nói theo ngôn ngữ của người lính thì đó là sự rút lui, tháo lui hay chính là sự đầu hàng. Tất nhiên là trong một tờ báo chỉ có mảng nào đó nhạt, bài nào đó nhạt, bức ảnh nhạt… Nhiều tờ báo hiện nay mắc vào căn bệnh đó, báo Quân đội nhân dân của chúng tôi coi đó là căn bệnh để phòng tránh, đấu tranh để khắc phục.
Nghề báo khó lắm, tôi làm nghề hơn 40 năm nay nhưng tôi chỉ thực sự tự tin sau chục năm làm nghề. Nhìn xung quanh, có người cả đời không thành một anh nhà báo thực sự.
+ Thế mà bây giờ có những người làm báo trẻ, vỗ ngực tự hào ta đây là nhà báo sớm lắm!
- Tôi không trách họ. Đó là một sự tự tin hơi thái quá thôi. Nhưng phải tự tin. Tuổi trẻ nên ngộ nhận một tý, hung hăng một tý, thế mới là tuổi trẻ! Dĩ nhiên, có những chuẩn mực mà mỗi người phải luôn rèn giũa, luôn nỗ lực từng ngày. Kim chỉ nam cho mọi hành động của nhà báo trẻ hôm nay vẫn luôn phải là tinh thần học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Đó chính là điểm tựa bền vững để chúng ta vượt qua những thách thức của thời cuộc, của nghề nghiệp từ đó giữ cho tâm luôn sáng, bút luôn sắc và lòng luôn bình an.
+ Vâng, xin cảm ơn ông!
Hà Vân (Thực hiện)