“Kính cáo đồng bào” - Sức mạnh từ lời hiệu triệu đầu tiên

Thứ năm, 27/08/2020 16:02 PM - 0 Trả lời

(NB&CL)“Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan kẻ thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí!”-những lời tha thiết ấy nằm trong lá thư mang ý nghĩa đặc biệt đến diễn tiến của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

LTS: Nhà lão thành cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn đã viết về cuộc Cách mạng Tháng Tám (CMT8): “Dưới cảnh trời lộng mây, làn sóng triệu triệu người cuồn cuộn chảy vào đô thị. Chiến tranh vừa kết thúc. Nhân loại thở một hồi dài. Người nô lệ đi ra đường. Cỏ cây đất nước được giải phóng. Một tác phẩm xuất hiện. Không phải công trình vô vi của anh hùng cô độc. Một tác phẩm của nhân dân, làm bằng máu thịt của nhân dân, anh hùng là nhân dân. Ấy là Cách mạng Tháng Tám”. Thật vậy, Cách mạng Tháng Tám và nền độc lập được tạo dựng cách đây 75 năm là sự hội tụ của các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc. Báo Nhà báo và Công luận số đặc biệt mừng 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 có chuyên đề “Chung sức, đồng lòng cho ngày độc lập” cùng nhìn lại nguồn xung lực đã làm nên cuộc cách mạng vĩ đại và nền độc lập 75 năm trước.

Từ những diễn biến mau lẹ của thời cuộc

Cách mạng Tháng Tám 1945 đã tạo nên bài học cực kỳ quý báu về quy tụ nhân tâm, quy tụ lòng người; bài học về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân thành một như là quy luật lịch sử tất yếu khách quan. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, lương tri và những giá trị làm người cơ bản mà giá trị số một là quyền được sống trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

(Phạm Ngọc Anh - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Năm 1941 có thể coi là dấu mốc mang ý nghĩa bước ngoặt với Cách mạng Việt Nam nói chung, Cách mạng Tháng Tám nói riêng. 

Khởi đầu là sự kiện mùa xuân năm 1941, chính xác là ngày 28/1/1941 (tức mồng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Ngay sau khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho các cán bộ ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và cán bộ ở miền xuôi lên.

Tuy nhiên, sự kiện đặc biệt quan trọng, tác động mang tính chất quyết định tới cuộc tổng khởi nghĩa sẽ xảy đến 4 năm sau là việc tháng 5/1941, với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và làm chủ tọa Hội nghị Trung ương 8 Đảng Cộng sản Đông Dương, họp từ ngày 10 đến 19/5/1941, tại rừng Khuổi Nậm, thôn Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

kinh cao dong bao  suc manh tu loi hieu trieu dau tien hinh 1

Trang đầu bức thư “Kính cáo đồng bào”.

Bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết! Nếu chúng ta đoàn kết chúng ta sẽ trở nên đáng gờm.

(Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh)

Đặc biệt quan trọng và mang tính chất quyết định bởi Hội nghị Trung ương 8 Đảng Cộng sản Đông Dương từ việc đánh giá tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, âm mưu của thực dân Pháp và phát - xít Nhật ở Đông Dương, tình hình cách mạng Việt Nam từ khi thành lập Đảng đã đi đến nhận định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị ra nghị quyết chỉ rõ: Cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, giải quyết hai vấn đề phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp: dân tộc giải phóng.

Từ đó, Hội nghị đề ra: “Nhiệm vụ cấp bách nhất được đặt ra lúc này là làm thế nào huy động mọi lực lượng để cứu nước giải phóng dân tộc... Muốn thế phải đoàn kết toàn dân, tập hợp các đoàn thể, Hội Cứu quốc, các tầng lớp nhân dân...”. Hội nghị cũng nhận định, khởi nghĩa vũ trang sẽ nổ ra; đầu tiên là khởi nghĩa từng phần ở từng địa phương, rồi chuẩn bị điều kiện cho Tổng khởi nghĩa.

“Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây - Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do.

(Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên báo “Việt Nam độc lập” số ra ngày 1/2/1942)

Để thực hiện được nhiệm vụ chiến lược ấy, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp - Nhật với tên gọi Việt Nam Độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh. Khẩu hiệu chính của Việt Minh là: Phản Pháp, kháng Nhật, liên Hoa, độc lập, nhắm tới mục tiêu: đánh thức mạnh hơn nữa tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc của toàn dân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, hướng tới tinh thần cơ bản là: 1) Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. 2) Làm cho nhân dân Việt Nam được sung sướng tự do.

kinh cao dong bao  suc manh tu loi hieu trieu dau tien hinh 2

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII.

Trong tuyên ngôn của mình, Việt Minh tuyên bố: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân theo thành phần, giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và hoàn cảnh xã hội hãy tham gia vào các tổ chức đoàn thể cứu quốc do Việt Minh lãnh đạo. Nông dân phải vào “Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào “Thanh niên Cứu quốc hội”. Phụ nữ vào “Phụ nữ Cứu quốc hội”. Trẻ con vào “Nhi đồng Cứu quốc hội”. Công nhân vào “Công nhân Cứu quốc hội”. Binh lính vào “Binh lính Cứu quốc hội”. Các bậc phú hào văn sĩ vào “Việt Nam Cứu quốc hội” để “Đồng tâm hợp lực. Muôn người một lòng. Nhân cơ hội này mà khôi phục lại Tổ quốc, mà làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

Từ sự ra đời của Việt Minh, khối đoàn kết dân tộc, từ đó được củng cố, là bước chuẩn bị lực lượng toàn diện cho cuộc cách mạng mùa thu sau này.

“Chúng ta đều biết cuộc hội nghị này rất quan trọng. Nó đã phân tích tình hình Việt Nam và thế giới một cách sâu sắc... Chủ trương, chính sách mà Trung ương đề ra trong hội nghị lịch sử đó đã được toàn Đảng chấp hành nghiêm chỉnh và đã dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - 1945” - đúng như nhìn nhận của Tổng Bí thư Trường Chinh, Hội nghị Trung ương 8, theo đó là sự thành lập của Việt Minh đã tạo cho cách mạng Việt Nam những bước chuyển mau lẹ, tích cực.

Lời hiệu triệu đầu tiên cho cách mạng mùa Thu

"Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

(Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thư gửi đồng bào Công giáo ngày 14/10/1945)

Không nhiều người biết rằng, không phải đến mùa thu năm 1945, mà lời hiệu triệu toàn dân đứng lên tranh đấu giành quyền độc lập tự do cho mình, cho dân tộc mình đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa ra ngay từ năm 1941, chính xác là ngày 6/6/1941, nghĩa là chỉ chưa đầy một tháng sau Hội nghị Trung ương 8- hội nghị vạch rõ ra hướng đi mới của cách mạng Việt Nam.

Lời hiệu triệu ấy có thể nói đã đến kịp thời với đông đảo các tầng lớp nhân dân, những người mà từ sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, các hội cứu quốc… đã giúp họ hiểu ra nhiều chân lý mới mẻ.

Tinh thần chung sức, đồng lòng, đoàn kết, hợp lực để cùng làm nên cuộc cách mạng, cũng đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thể hiện rất rõ trong bức thư đặc biệt này. “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các hiền nhân, chí sĩ! Hỡi các bạn, sĩ, nông, công, thương, binh!” - Ngay lời đầu tiên của lá thư, Người đã không bỏ sót bất cứ một đối tượng, tầng lớp nào.

Trong bức thư, tinh thần chung sức, đồng lòng, đoàn kết ấy tiếp tục được Người nhắc lại nhiều lần, như muốn nhắc nhớ, muốn tất cả xem đó là động lực mạnh mẽ nhất để tất cả vùng lên cho một mục tiêu chung: “Hơn 20 triệu con Lạc cháu Hồng quyết không chịu làm vong quốc nô lệ mãi!”. Cụ thể, trong thư, Người chỉ rõ:

"Pháp đã mất nước cho Đức. Thế lực của chúng ở ta đã điêu tàn. Song đối với chúng ta, chúng tăng sưu tăng thuế để vơ vét tài sản. Chúng khủng bố trắng để giết hại nhân dân. Đối với ngoài, chúng im hơi lặng tiếng, cắt đất cho Xiêm, chúng quỳ gối chắp tay đầu hàng Nhật Bản. Dân ta một cổ hai tròng. Đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật.

Trước tình cảnh đau đớn, xót xa ấy, ta có chịu khoanh tay chờ chết không?

Không, quyết không! Hơn 20 triệu con Lạc cháu Hồng quyết không chịu làm vong quốc nô lệ mãi!

Bảy tám mươi năm nay dưới quyền thống trị của giặc Pháp, chúng ta luôn luôn tranh đấu giành quyền độc lập tự do. Tấm gương oanh liệt của các bậc lão tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến còn treo đó. Tinh thần anh dũng của các bậc liệt sĩ ở Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An hãy còn đây.

Những cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn, Đô Lương vừa rồi đã chứng tỏ rằng: Đồng bào ta quyết noi gương người xưa, phấn đấu hy sinh đặng phá tan xiềng xích”.

kinh cao dong bao  suc manh tu loi hieu trieu dau tien hinh 3

Lán Khuổi Nặm - nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng.

Cũng trong thư, vị lãnh tụ của Cách mạng Việt Nam không ngần ngại, không né tránh, chỉ rõ nguyên nhân cơ bản khiến “Bảy tám mươi năm nay dưới quyền thống trị của giặc Pháp, chúng ta luôn luôn tranh đấu giành quyền độc lập tự do” nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở những hy sinh oanh liệt: “Việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”.

Thế nên, Người chỉ rõ: “Nay cơ hội giải phóng đến rồi, đế quốc Pháp bên Âu đã không thể tự cứu, càng không thể cứu bọn thống trị Pháp ở ta. Đế quốc Nhật đã bị sa lầy ở Trung Hoa, lại đương gay go với Anh - Mỹ. Hiện thời muốn đánh Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết”.

Toàn dân ở đây, Người một lần nữa nhắc lại:

 “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các bậc hiền huynh chí sĩ! Mong các ngài noi gương phụ lão đời nhà Trần, trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc.

Hỡi các bậc phú hòa yêu nước, thương nòi! Hỡi các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương!

Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đặng đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng.

Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mạng cũng không nề.

Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan kẻ thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí.

Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên!

Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật!

Việt Nam cách mạng thành công muôn năm!

Thế giới cách mạng thành công muôn năm”.

Và điều đáng mừng và hạnh phúc, may mắn cho dân tộc là lời hiệu triệu ấy, tinh thần “toàn dân đoàn kết”, “đoàn kết lại đặng đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi”, “Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm” đã được lắng nghe và tiếp nhận. Để rồi 4 năm sau, có một cuộc Cách mạng mùa Thu thành công rực rỡ.

Hà Trang

Tin khác

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức
Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(CLO) Dự kiến, kỳ họp thứ 16 HĐND TP Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) sẽ xem xét, quyết nghị 08 nội dung, trong đó có Nghị quyết về “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”.

Tin tức
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

(CLO) Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Tin tức