Kinh doanh bết bát, nhiều doanh nghiệp ô tô chủ động hỗ trợ lệ phí trước bạ để "giải cứu" doanh số

09/06/2023 13:58

(CLO) Nhiều doanh nghiệp ô tô đã chủ động tự “giải cứu” doanh số đang thấp thê thảm bằng cách tung ra loạt chương trình ưu đãi để cải thiện doanh số, phổ biến nhất là tặng quà, tặng tiền hoặc hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ.

Chủ động “giải cứu” doanh số

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng 6 tháng cuối năm nay.

Trước đó, ngay từ cuối tháng 3/2023, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Ninh Bình và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có đề xuất này, nhằm “giải cứu” các doanh số của các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

kinh doanh bet bat nhieu doanh nghiep o to chu dong ho tro le phi truoc ba de giai cuu doanh so hinh 1

Nhiều doanh nghiệp ô tô chủ động hỗ trợ lệ phí trước bạ để "giải cứu" doanh số. (Ảnh: TYT)

Trong các tháng 4 và tháng 5, Bộ Công Thương cũng liên tục đề nghị Bộ Tài chính xem xét việc giảm lệ phí trước bạ. Nếu chỉ đạo của Chính phủ được thông qua trong tháng 6, bắt đầu áp dụng từ đầu tháng 7/2023, thì độ trễ của đề xuất đã kéo dài 3 tháng, điều này đủ để các doanh nghiệp ô tô “ngấm đòn”.

Theo báo cáo VAMA, tính đến hết tháng 4/2023, hầu hết các thương hiệu ô tô trong nước đều sụt giảm mạnh doanh số. Trong đó, các hãng xe Nhật Bản giảm mạnh nhất.

Cụ thể, Toyota Việt Nam, thương hiệu ô tô riêng lẻ có thị phần cao nhất Việt Nam có doanh số sụt giảm rất sâu. Trong 4 tháng đầu năm, doanh số của Toyota đã giảm tới 35%, giảm hơn 9.500 chiếc.

Trong khi đó, Honda Việt Nam, một hãng xe Nhật Bản cũng gặp “vận hạn” tương tự, khi doanh số sụt giảm rất mạnh lên tới 59%, gần 9.000 chiếc. Tương tự, Mitsubishi giảm doanh số 30%, tương đương 3.700 chiếc; Suzuki giảm 19%, khoảng 1.180 chiếc.

Trước thực tế này, các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản đã chủ động tự “giải cứu” doanh số đang thấp thê thảm bằng cách tung ra loạt chương trình ưu đãi để cải thiện doanh số, phổ biến nhất là tặng quà, tặng tiền hoặc hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với một số mẫu xe sản xuất trong nước.

Ví dụ, trong tháng 6/2023, Toyota hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với mẫu xe Vios, trong khi mẫu Veloz Cross và Avanza Premio được hỗ trợ tiền mặt. Hoặc như Honda hỗ trợ 100% phí trước bạ đối với xe CR-V.

Mitsubishi cũng có chương trình tương tự khi hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ đối với mẫu Xpander và Attrage trong tháng 6 này. Suzuki cũng hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với một số mẫu xe.

Giảm lệ phí trước bạ có thật sự giải cứu được ngành ô tô đang bết bát?

Trên thực tế, ngay từ tháng 4/2023, các hãng ô tô Nhật Bản đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, nhằm kích cầu thị trường. Trong đó, nhiều mẫu xe được áp dụng chương trình hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ.

Ví dụ rõ nhất là mẫu Toyota Vios, mẫu xe từng được mệnh danh là “vua doanh số” tại thị trường Việt Nam, dù được chính hãng xe hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ trong tháng 4/2023, thế nhưng, doanh số vẫn bết bát.

kinh doanh bet bat nhieu doanh nghiep o to chu dong ho tro le phi truoc ba de giai cuu doanh so hinh 2

Việc giảm lệ phí trước bạ ở thời điểm này có thể giúp cải thiện doanh số 1 phần, nhưng không thể bứt phá. (Ảnh: TMV)

Báo cáo của VAMA cho thấy, tháng 4/2023, doanh số của Vios đạt chưa tới 700 chiếc. Trong khi đó, vào thời điểm “đỉnh cao”, doanh số của Vios hiếm khi nào dưới 1.000 chiếc.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, đại diện một doanh nghiệp ô tô đang kinh doanh tại Việt Nam khẳng định: Không chỉ doanh nghiệp này, mà hầu hết các doanh nghiệp ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn.

Vị này cho rằng, hiện nay, cả nền kinh tế đều đang gặp rất nhiều khó khăn, nên việc giảm 50% lệ phí trước bạ ở thời điểm này cũng khó tạo ra “sóng” tiêu thụ như giai đoạn trước đó.

Phân tích rõ hơn về điều này, vị này cho biết: Trước đó, trong những năm đại dịch COVID-19, Chính phủ đã có một vài lần giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các mẫu ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Điều này đã giúp các doanh nghiệp cải thiện doanh số bán xe, thậm chí nhiều hãng có mức tăng trưởng rất cao.

“Tại thời điểm đó, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, thế nhưng, lại có khá nhiều người giàu nhanh chóng nhờ chứng khoán và bất động sản. Ngoài ra, một số người còn có tài sản tích lũy, nên cũng tranh thủ mua ô tô khi có chính sách giảm lệ phí trước bạ”, vị này nói.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế gặp khó khăn kéo dài, chứng khoán, bất động sản bị chững lại, lãi suất vẫn ở mức cao, rõ ràng người dân không còn đủ tài chính để mua sắm các mặt hàng xa xỉ như ô tô. Ngay cả việc lệ phí trước bạ được giảm cũng chỉ tiết kiệm cho người tiêu dùng trên dưới 10 - 20 triệu đồng, trong khi để được lăn bánh trên đường, người tiêu dùng phải trả hàng trăm triệu đồng.

Chính vì vậy, vị này cho rằng, việc giảm lệ phí trước bạ ở thời điểm này có thể giúp cải thiện doanh số 1 phần, nhưng không thể bứt phá.

“Tôi cho rằng, nếu thực sự hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô, ngoài giảm lệ phí trước bạ, Chính phủ nên xem xét thêm việc giảm hoặc miễn một số lệ phí khác, ví dụ như thuế tiêu thụ đặc biệt chẳng hạn. Như vậy mới đủ lực để kích cầu thị trường”, vị này nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kinh doanh bết bát, nhiều doanh nghiệp ô tô chủ động hỗ trợ lệ phí trước bạ để "giải cứu" doanh số
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO